Hữu Hiệp
Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa để có phẩm cấp gạo tốt, nâng cao giá
trị hạt gạo chắc chắn là chủ trương đúng. Nhưng tiếc thay, do “mạnh ai nấy làm”
đã đẩy nông dân vào cảnh trồng lúa như chơi chơi lô-tô, phó mặc cho may rủi.
Chọn giống lúa nào luôn là câu hỏi khó cho nông dân. Vụ mùa trước,
giống IR 50404 bị coi là thủ phạm gây ế hàng, khó tiêu thụ. Người ta trách nông
dân “nói hoài không nghe”, đua nhau trồng giống lúa tuy cao sản, kháng sâu
bệnh, nhưng ngặt nổi phẩm cấp thấp, dân “ngoại quốc không chịu ăn”, không bán
được. Giúp dân gỡ khó, ngành nông nghiệp đưa ra khuyến cáo về tỷ lệ các giống
lúa cần lựa chọn, nên có bao nhiêu % diện tích lúa thường (cấp thấp), bao nhiêu
lúa thơm cao cấp. Rồi phải “Tổ chức điều tra cơ cấu giống lúa đã gieo sạ để nắm
chắc diện tích giống IR 50404 đã gieo, đối với diện tích còn lại, giao trách
nhiệm cho chính quyền xã hướng dẫn nông dân hạn chế hoặc không gieo giống IR
50404; đảm bảo trong phạm vi toàn tỉnh giống IR 50404 không vượt quá 10%”.
Nghe theo “khuyến
cáo”, năm nay nhiều nông dân Kiên Giang đã chuyển sang trồng lúa chất lượng cao
hơn 70% diện tích canh tác. Hầu hết các địa phương trong vùng như An Giang, Cần
Thơ, Hậu Giang … cũng chuyển phần lớn diện tích trồng lúa sang chất lượng cao.
Nhưng trớ trêu là lúa chất lượng cao “bị cào giá” như chất lượng thấp, thương lái không mua, nông
dân “lãnh đủ” phần thua thiệt.
Tuần qua, tại Cần
Thơ đã diễn ra Hội nghị Sơ kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2012 - 2013, triển
khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông. Nhiều ý kiến bức xúc, khi thì lúa phẩm cấp thấp, lúc
lúa chất không bán được. Chọn
giống nào? Nông dân biết nghe ai? Dự báo,
định hướng, thậm chí “chế tài” bằng các công cụ điều tiết kinh tế (như áp dụng
hỗ trợ hay không hỗ trợ theo khuyến cáo) là cần thiết. Nhưng để dân tin, nghe
và làm theo có hiệu quả, thì các cơ quan chức năng phải tăng “hàm lượng tin
cậy” của các dự báo, khuyến cáo. Đặc biệt lả phải gắn được đầu vào (sản xuất giống
nào) với việc tiêu thụ, xuất khẩu. Thực tiễn đã cho thấy hiệu quả của “Cánh
đồng lớn” cần được nhân rộng. Việc khuyến cáo nông dân trồng giống lúa nào phải
có địa chỉ qui hoạch cụ thể, mô hình thực thi như “Cánh đồng liên kết”, cùng
với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, thì mới có hiệu quả.
Một chủ trương
đúng, nhưng nếu tổ chức thực hiện không đồng bộ; ông chỉ đạo sản xuất “hô một
đằng”, ông thu mua, xuất khẩu làm một nẻo, thì người nông dân trồng lúa như
chơi trò đỏ đen. Bao giờ tình
trạng này mới khắc phục được?
(Báo Lao Động ngày 26-3-2013)
Nhận xét
Đăng nhận xét