Chuyển đến nội dung chính

Kỳ tích vay nợ mua chữ cho con

(LĐ) - Số 48 - Thứ tư 06/03/2013 06:13
    Kỳ tích vay nợ mua chữ cho con
    Ông Tư Trì (người thứ 2 từ phải sang) tại Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học toàn quốc năm 2004, dù mặc comlê nhưng chân vẫn mang dép.
    Chỉ viết và ký được tên mình, nhưng ông Tư Trì ở ấp Ninh Tiến, xã Bình Quới, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) là cha của 9 người con toàn là kỹ sư, bác sĩ. Người đàn ông 81 tuổi ấy chưa từng một lần mang giày trong đời.
    Có lần ông mặc comlê, thắt càvạt dự Đại hội gia đình, dòng họ hiếu học toàn quốc tại Hà Nội, nhưng chân vẫn mang… dép. Đơn giản vì hai bàn chân to bè, nứt nẻ và thô kệch, là vết tích của những tháng năm quần quật, tảo tần nuôi con ăn học.

    Đã qua tuổi 81, nhưng ông Tư Trì vẫn khoẻ mạnh lạ thường. Hằng ngày chăm sóc mảnh vườn sau nhà và nuôi một lúc đến 20 con heo. Ông phân bua: “Già rồi, ruộng nương đã chia cho con cháu, còn chút ít mấy đứa nhỏ cũng không cho làm, mà cho người ta thuê. Ở không buồn lắm, nuôi con này con kia vậy mà”.

    Vay nợ, mua chữ cho con

    Ninh Tiến là một vùng quê nghèo của huyện Hồng Dân, cách đây hơn 30 năm là vùng đồng chua, nước mặn, cây lúa mùa khó nhọc vươn lên trổ bông chắc, bông lép. Cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực. Ngày đó, ông Tư Trì vừa thoát khỏi kiếp tá điền, cùng cha về mảnh đất này khai hoang, mở đất. Ông rưng rưng nhớ chuyện cũ: “Cha mẹ tôi sống kiếp tá điền không ruộng đất, nghèo xơ xác. Tôi chưa một lần cắp sách đến trường, hằng ngày chỉ biết cầm cày, cầm cuốc, bữa đói, bữa no. Tôi lớn lên sức vóc có sẵn, nhưng đồng đất này khó khăn lắm mới khai hoang vài chục công đất, lại gặp cảnh loạn lạc nên cái nghèo cứ bám riết theo. Cuộc sống như vậy, chuyện học hành cho con cái là điều rất ít người nghĩ đến. Cực quá nên đêm nào tôi cũng than với vợ: Đời mình dốt nát mới cơ hàn như vậy nè. Phải chi có chút chữ nghĩa thì đâu đến nỗi nào”.
    Ông Tư Trì tay chân to bè kể về bước đường tìm chữ cho con.

    Than riết rồi ông quyết định cho con ăn học cho bằng được. Trường cách nhà trên 20km, hằng ngày thấy những đứa con thức dậy từ 3 giờ sáng lội ruộng, băng đồng đến trường mà ông giấu những giọt nước mắt sau hè. Dù vậy, có đôi khi cũng chùn bước khi nghe hàng xóm xỏ xiên: “Có con trai đông như vậy mà không biết xài, cho đi học mần chi cho khổ tấm thân”. Nhắc lại chuyện này, ông quệt nước mắt chậm rãi: “Khổ nhất là người ta nói “con quan thì đặng làm quan”, con nhà nghèo khổ như tui có học cho nhiều cũng chẳng được làm gì. Nhưng vợ chồng tôi nghoéo tay nhau, lòng dặn lòng quyết cho mấy đứa nhỏ làm sao hai bàn tay phải có nghề, cái đầu phải biết suy tính, chớ không như cha ông nó”.

    Với cách nghĩ ấy, trên 20 công ruộng của ông đã lần lượt ra đi, để đổi lại đêm đêm nghe tiếng bọn trẻ ê a học bài. Và có những lúc ông đã phải vay nợ để các con vào các lớp đầu cấp, hay bước vào giảng đường đại học. Người chung quanh nói ông khùng, ông đã chẳng tức giận mà càng thôi thúc, quyết tâm hơn.

    Rong, Rêu, Bèo, Bọt một thời

    Cách ông Tư Trì đặt tên cho các con mình thật không giống ai: Rong, Rêu, Bèo, Bọt. Ông giải thích cái cách đặt tên “Rong, rêu, bèo, bọt” của mình rất đơn giản: “Tôi là nông dân, lam lũ làm ăn không dám ước mơ gì nhiều, nên đặt tên con cũng không sang trọng gì. Rong rêu có đầy dưới chân cầu ở mé sông, nhưng dù cho gió dập sóng dồi rong rêu vẫn bám vào cây, nương tựa vào những trụ cột mà lớn lên. Còn bèo bọt ở đâu cũng có mà...”. Nhưng rồi chính vợ chồng ông đã đưa những cái tên ấy thoát khỏi thân phận bọt bèo xưa nay: Nguyễn Văn Rong - tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Đại học An ninh, hiện là trung tá công an. Nguyễn Văn Rêu - Kỹ sư cơ khí, hiện công tác tại TP.Cần Thơ. Nguyễn Văn Bèo - Bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Hồng Dân. Nguyễn Văn Bọt - Bác sĩ chuyên khoa 1, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hồng Dân.

    Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hoà bình lập lại, cũng như bao nông dân khác của miền Nam, Ninh Quới đối mặt với những khó khăn, thách thức. Một lần nữa, ông xuống xuồng chèo chống đi làm thuê và... xuống rừng đốn củi. Đó là quãng thời gian đời theo ông là... bèo bọt nhất. “Những năm 80, 90 mùa màng thất bát, ruộng lúa vào tập đoàn hết trơn. Một năm làm chỉ một vụ lúa trong khi những đứa con đã lớn, 2 đứa vào đại học, 2 đứa vào học cấp 3, còn lại đang học cấp một. Túng thiếu quá, tui với bả mới bàn với nhau chèo xuồng đi tuốt dưới miệt Cà Mau đốn củi bán kiếm tiền. Đốn củi lậu vài lần bị bắt một lần coi như mất vốn, nên mới hợp đồng với lâm ngư trường Sào Lưới (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), Lâm ngư trường 184 (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đốn ăn chia với người ta. Nói đốn ăn chia vậy chớ thực tế tiền chia chỉ bằng tiền công đốn hà. Nhiều đêm ngủ ở rừng muỗi cắn đập không ngớt, nằm nghe tiếng vạc ăn đêm mà não nuột...”.

    Trò chuyện với tôi, thi thoảng ông đưa bàn tay ra. Những ngón tay chai sạn, to bè như cách quạt đung đưa. Ông ý tứ không để lộ đôi bàn chân thô kệch, bàn chân phải hai ngón cách xa nhau. Bàn chân bên trái gần như bị lật. Ông lý giải: “Đi đào đất, băng đồng, lội ruộng, hai bàn chân cố bám vào đất cho đừng bị té do đường trơn trượt, riết rồi nó ra vậy...”. Năm 2004, ông vinh dự được Hội Khuyến học tỉnh chọn là đại biểu duy nhất đại diện cho Bạc Liêu dự đại hội khuyến học toàn quốc. Trước khi tiễn ông đi Hà Nội, những đứa con đã mua cho cha bộ comlê, càvạt. Đang vui, bất chợt mọi người im bặt khi đôi chân của ông không làm cách nào đưa vào giày. Thấy vậy ông cười tươi: “Thây kệ nó các con, mình nông dân đi dép cũng được chớ có sao đâu”. Nghe vậy, cả 9 đứa con đều rơi nước mắt.

    Anh Nguyễn Văn Rong - người con lớn trong nhà - nhiều lúc nghĩ đến chuyện bỏ học để cùng cha mẹ lo cho đàn em. Đọc được ý nghĩ của con, ông nghiêm mặt: “Làm anh hai phải làm tấm gương cho em út noi theo chớ”. Vậy là anh không dám cãi lời. Bác sĩ Nguyễn Văn Bọt nhớ lại: “Là học sinh vùng sâu, vùng xa, kiến thức hạn chế nên thi đại học lần đầu không đậu. Khi nghe tin con thi trượt cha tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền. Buồn cho mình thì ít, nhưng thương cha thì nhiều, nên đi đến đâu tôi cũng mang sách theo học, quyết tâm không để cha buồn trong lần thi năm sau”.

    Với suy nghĩ như vậy, những đứa con của ông Tư Trì lần lượt tốt nghiệp đại học và đều có việc làm ổn định. Bây giờ trong đại gia đình hiếu học ấy có đến 11 người con, dâu, rể là bác sĩ, một người đang nghiên cứu sinh chuyên ngành trồng trọt.

    Hiếu, tính ở đời

    Cuối đời, ông Tư Trì “sở hữu” một tài sản lớn, đó là sự thành đạt của những đứa con, đứa cháu. Dẫu vậy, hiện tại ông vẫn sống một mình tại căn nhà cũ ở vùng quê nghèo cách trung tâm huyện Hồng Dân 13 cây số. Ông vẫn chưa quên cái nghèo, cái đói của ngày nào, nên hằng ngày vẫn chăm sóc đàn heo và mảnh vườn của mình. Ông nói: “Sau 4 đứa con Rong, Rêu, Bèo, Bọt ra đời thì chiến tranh kết thúc, nên sinh đứa con gái tôi đặt tên Diệu. Lúc này cuộc sống còn vất vả, nhưng sống trên đời cần phải có tín nghĩa nên thằng Hiếu, thằng Tính ra đời, rồi đến con Hồng, con Tuyết nữa. Bây giờ tụi nó có chồng, có vợ, ở nhà riêng hết rồi. Đứa nào cũng muốn rước tôi về sống, nhưng tôi không quen chốn thị thành nên chịu không được. Ở đây buồn không mần gì nên nuôi con heo, con gà cho vui và cũng có đồng vô đồng ra chớ. Con cái thành đạt, tiền không thiếu, nhưng xin con tiền xài đâu có được. Mình không giúp con thì thôi, chớ chờ con cái giúp mình coi hổng được”.

    Không thể để cha sống một mình, các con ông chia nhau hằng đêm vượt hàng chục cây số về ngủ với cha. Không so bì, không phân công, ai rảnh việc là về nhà với ông. Hôm tôi đến, căn nhà cũ đã được dỡ bỏ chuẩn bị làm nhà mới. Một trong những người con của ông là thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu - Phó phòng NNPTNT huyện Hồng Dân - nháy mắt: “Mấy anh em về năn nỉ muốn gãy lưỡi, cha tôi mới chịu dỡ nhà cũ làm lại nhà mới. Ổng tiết kiệm dữ lắm. Cái nón lá ổng đội đi làm, khi bỏ nó giống như cái tổ chim vậy đó”. Nghe anh Hiếu nói vậy, ông mắng yêu: “Không tiết kiệm làm sao nuôi tụi bây như bây giờ”.

    Tôi đùa: “Bây giờ thì chú là người giàu nhất vùng, khi sở hữu đến 11 bác sĩ, 2 kỹ sư gồm con, dâu, rể và ai cũng kinh tế khấm khá”. Ông đăm chiêu nhìn ra cửa sổ: “Tiếc là vợ tôi không sống đến ngày này để nhìn các con mình khôn lớn. Đêm nào tôi cũng thắp nhang và hứa với bả sẽ tiếp tục dạy dỗ con làm sao được Hiếu, Tính ở đời và sống cho tử tế, nhưng không biết bả có nghe thấy không...”.

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    "Tính cách người Việt theo vùng miền"

    Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

    ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

    Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

    Nhớ Cần Thơ phố

    Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...