Chuyển đến nội dung chính

Ba Động đâu rồi ?

Bài trên báo Tiền Phong

Gia đình ông Phương ở Cồn Nhàn đang dời nhà

Gia đình ông Phương ở Cồn Nhàn đang dời nhà

TP - Nằm kẹp giữa cửa biển sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Trà Vinh hiếm hoi (và cả ĐBSCL) có những giồng cát dài hình vòng cung song song với bờ biển, càng về phía biển càng cao và rộng.
Ba giồng cát cuối cùng cao hàng chục mét ở huyện Duyên Hải, làm nên địa danh Ba Động nổi tiếng từ thời Pháp với những bãi biển thơ mộng có các khu nghỉ mát, ngọn hải đăng đầy huyền tích. Nhưng nay, Ba Động lở mất rồi.

Bài 1: Bĩ cực nơi chân sóng


Kinh hoàng là ấn tượng bao trùm khi giữa tháng 3 này về huyện Duyên Hải, PV Tiền Phong không còn thấy những giồng cát kỳ vĩ chục năm trước trải dài mênh mông với rừng phi lao vi vu xanh. Hầu hết đã nằm dưới lòng biển sục sôi, thi thoảng gặp vài cụm phi lao xơ xác. Hàng nghìn hộ dân ở Ba Động đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Mất đất, mất nhà
Giữa trưa nắng như đổ lửa mà gia đình ông Đặng Văn Phương ở khu vực Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) vẫn lúi húi dời nhà. Căn nhà lụp xụp mấy tấm tôn gác trên cột gỗ chôn thẳng vào bãi cát, nhưng ở đúng cái chỗ triều cường đánh tan đê biển, toang hoác dài 1.400m, sâu vô mấy chục mét hồi tháng 10/2013. 
Ông Phương kể, nhà ông vốn xa biển nhưng bờ biển lở dần đến cuối năm ngoái, đang đêm nghe ầm ầm, mở mắt thì nước đã ngang ống chân. Sau đó, chính quyền cho xe máy đến đóng cọc đắp tạm đê mới để ngăn sóng dữ, con đê tạm ấy nằm sát sau nhà ông Phương. Vợ chồng ông cùng 3 đứa con nơm nớp sống qua Tết, nay lo chuyển nhà cho xa cái miệng Hà Bá đầy hiểm nguy.
Nói dời nhà đi xa nhưng cũng chỉ độ trăm mét, vì vẫn làm trên mảnh đất của gia đình, chứ không có đất đâu mà đi xa hơn. Ông Phương 42 tuổi, kỳ cựu ở xứ trồng dưa hấu Ba Động nổi tiếng ĐBSCL này, ngửa mặt than “dân Cồn Nhàn khổ lắm rồi”. Trớ trêu cái tên gọi, Cồn Nhàn mà dân tình tất bật, vất vả quanh năm. 
Năm ngoái bể đê, nước biển tràn vô xoá sạch vụ dưa hấu trồng tính bán Tết của ông Phương. Ra năm, ông trồng vụ mới thì đất cát nhiễm mặn nên dưa không sống được. Bờ biển lở còn cuốn mất nhiều đất đai của ông. Cả Cồn Nhàn có 197 hộ đều bị thiệt hại.
Bờ biển xã Hiệp Thạnh bị sóng biển tàn phá
Đi quá xã Dân Thành là xã Trường Long Hòa, nằm dài theo bờ biển 6,9 km. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Uol cho biết, xã có 5 ấp thì 3 ấp bị sóng biển trực tiếp đe dọa là ấp Cồn Trứng, Khoán Tiều và Nhà Mát.
Gọi ấp Nhà Mát vì đầu thế kỷ 20, người Pháp chọn Ba Động làm điểm du lịch cuối tuần và cất ở đây một ngôi nhà nghỉ mát vào loại tráng lệ nhất vùng. Nay ông Uol buồn bã nói, có 146 hộ ven biển sống không yên. Nhất là 85 hộ ở khu vực Khâu Lầu, vì đê biển và rừng cây đã bị quét sạch, mùa gió chướng tháng 10 năm trước đẩy triều cường lên ngập hết nhà cửa, bà con phải sơ tán đi ở đậu. Giữa tháng 3 này, bà con lục tục trở về, dọn dẹp sửa nhà cửa để rồi từng ngày sống trong sợ hãi.
Lên xã Hiệp Thạnh trên nữa, thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp hơn. Vì bờ biển hình vòng cung của huyện Duyên Hải nhô về hướng Đông Bắc, xã Hiệp Thạnh nằm trên cùng, cạnh cửa Cung Hầu của sông Tiền nên trực tiếp đón luồng gió chướng (gió Đông Bắc) dữ dội hàng năm. 
Rừng phi lao còn sót lại mấy cụm xác xơ, nhiều thân phi lao cao lớn bị bẻ gãy vụn, vứt chỏng chơ trên bãi biển. Cuối năm 2013, triều cường đã làm sạt lở 2 km đê biển từ ấp Chợ sang ấp Bào. 
Khi đó, tỉnh cho xe, máy xuống đóng cọc đổ đá hàn vá nhưng lại bị sóng biển bóp nát. May mà từ giữa tháng 3, trời chuyển gió Nam, bờ biển ở đây được yên ổn. Trong cái yên ổn phẳng lặng, cảnh tan hoang trước đó để lại càng hiện rõ sự ghê gớm.
Nên ông Trần Công Lập, 51 tuổi, ở ấp Bào, cùng vợ ngồi nhớ lại vẫn rùng mình. Vợ chồng ông sinh ra, lớn lên, lấy nhau đẻ 2 đứa con ở đây, cất nhà trên giồng cát sống yên ổn nhiều năm. Nhưng rồi biển trở chứng xói lở giồng cát, ông kể, cuối năm 2010, triều cường tràn vô nhà ông cuốn trôi hết lúa gạo “không còn cái ăn”. Gà vịt cũng trôi hết. Gia đình ông có 5 công đất, lở mất 4. Trong ấp Bào, nhiều gia đình mất hết đất đai nhà cửa, như ông Nguyễn Văn Tùng mất 7 công đất, nay đưa con rời quê, làm mướn.
Hàng trăm hộ dân bị triều cường xói lở mất đất đai ở xã Hiệp Thạnh, thường nói “bị bà Thuỷ lấy mất đất”. Bà Trương Thị Đinh, 74 tuổi, vợ liệt sỹ, ở ấp Bào “bị bà Thủy lấy mất đất lẫn nhà”, được vào khu tái định cư, không còn lo chỗ ở nhưng lo cái ăn. Trong căn nhà nhỏ thờ chồng và cả mẹ chồng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bà kể ở với một đứa con, nuôi mấy đứa cháu, “không có đất nên phải làm mướn, cuộc sống bấp bênh lắm”.

“Không biết làm gì để sống”

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh Nguyễn Văn Kiêm nom trẻ hơn tuổi 34 bởi dáng khỏe mạnh, lanh lẹ. Ông Kiêm cho biết, tổ tiên ông nhiều đời ở đây nhưng cho đến đời của ông mới chứng kiến xói lở bờ biển. Đứng trên đoạn đê tan hoang, chỉ tay ra biển khơi, ông nói: “Gần chục năm trước bờ biển còn ở ngoài kia, rừng phi lao cũng còn ở ngoài kia”. Theo lời ông, mới mấy năm nhưng biển đã xâm thực nơi sâu nhất khoảng 2 km, nơi ít cũng vài trăm mét, chỉ tính đất màu trồng trọt Hiệp Thạnh đã mất khoảng 200 ha.
“Không có đất nên phải làm mướn, cuộc sống bấp bênh lắm”.

Bà vợ liệt sỹ Trương Thị Đinh, 74 tuổi
Xứ Ba Động hồi xưa được bồi đắp, một năm lấn ra biển có chỗ gần cây số. Đó là nhờ có rừng ngập mặn, thời chiến tranh mấy chục năm trước rừng còn che chở cả đoàn quân bộ đội, du kích. Nên gió chướng dẫu hung dữ cũng không xói lở được bờ.
Nhưng năm 1997, Chủ tịch Kiêm kể, trận bão thế kỷ tàn phá rừng ven biển còn sót lại qua chiến tranh, rồi tình trạng phá rừng nuôi tôm, nên dăm năm nay, bờ biển bị xói lở ngày càng dữ dội. 
Cuối năm 2010, Hiệp Thạnh bị xói lở thiệt hại nhà cửa 3,7 tỷ đồng, hoa màu 500 triệu đồng. Năm 2011, phải di dời 52 hộ dân vì sạt lở. “Xói lở bờ biển đang ảnh hưởng tới cuộc sống của trên 500 hộ, chiếm một nửa số hộ của xã. Trong đó, đe dọa trực tiếp 3 ấp, có 165 hộ cần di dời gấp”, Chủ tịch Kiêm nói.
Ngân sách thiếu tiền nên mấy năm qua, ở Hiệp Thạnh mới xây dựng được một khu tái cư cho 48 hộ. Mỗi hộ di dời được cấp nền đất và hỗ trợ 10 triệu đồng. Dân vào ở từ năm 2011 nhưng đến nay chưa có trường học, trạm y tế. 
Chủ tịch Kiêm cho biết: “Đang xây dựng trạm y tế còn trường mẫu giáo thì mới có dự kiến đầu tư”. Trong lúc, số hộ cần di dời khẩn cấp tăng hằng năm và một điểm trường tiểu học với 6 phòng đã sạt lở. Vào khu tái định cư làm gì sinh sống lại là bài toán nan giải tiếp theo.
Câu chuyện gia đình ông Lý Văn Chủ ở khu vực Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành, đang là điển hình của cuộc sống người dân ven biển. Ông Chủ 35 tuổi, có vợ hai con với căn nhà xa biển mấy trăm mét. Khi bờ biển xói lở tới nhà thì ông được cấp nền tái định cư và cất nhà mới. 
Nhưng không biết làm gì sinh sống, ông lên Bình Dương làm thuê. Mấy năm, tay trắng về bán nhà đất tái định cư được 70 triệu đồng, trở lại cất nhà lá trên khoảnh đất cát còn hơn công ở bờ biển, mua chiếc ghe nhỏ cùng mấy cái lú, đêm đêm đánh bắt cá tạp. Nhưng một đêm sóng lớn, chiếc ghe nhỏ của ông bị đánh gãy đôi.
Tháng 10/2013, triều cường phá đê tràn nước vô nhà ông, vợ chồng con cái kéo giường lên khoảnh đất cao ngồi chờ trời sáng. Sau đó dời nhà. Còn công đất cát, vợ chồng ông trồng hành bán dịp Tết, bị lỗ. Ra Tết, trồng dưa hấu, gánh nước tưới hằng ngày nên dưa xanh tốt, trái nhiều nhưng đột ngột mất giá, tiếp tục lỗ.
Vật vã như ông còn có hằng trăm hộ ở khu vực Cồn Nhàn bị biển đe dọa trực tiếp, đang trồng dưa hấu. Ông Chủ ôm con đứng trước căn nhà lá giữa bãi cát, nhìn biển gầm gừ trước mặt, nhìn ruộng dưa vắt kiệt sức gia đình ông bên cạnh, thốt lên: “Giờ không biết làm gì để sống?”.
Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh Nguyễn Văn Kiêm: “Gần chục năm trước bờ biển còn ở ngoài kia, rừng phi lao cũng còn ở ngoài kia”. Theo lời ông, mới mấy năm nhưng biển đã xâm thực nơi sâu nhất khoảng 2 km, nơi ít cũng vài trăm mét, chỉ tính đất màu trồng trọt Hiệp Thạnh đã mất khoảng 200 ha.

Bài cuối: Vì đâu nên nỗi?


 Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải bên đê biển. ẢNH: SÁU NGHỆTrung tâm Nhiệt điện Duyên Hải bên đê biển. ẢNH: SÁU NGHỆ
TP - Trong một báo cáo mới đây, UBND huyện Duyên Hải đánh giá: “Các công trình trọng điểm khai thác, nạo vét tận thu cát san lấp mặt bằng cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây ra sạt lở”.
Công trình trọng điểm là Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Kênh đào Trà Vinh mở luồng vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Trà Vinh, nói rằng, nguyên nhân biến đổi khí hậu nước biển dâng thì đã rõ; còn nguyên nhân hút cát cho các công trình trọng điểm thì phải nghiên cứu thêm vì nhiều điểm sạt lở cách xa nơi hút cát hàng chục cây số và xảy ra trước khi xây dựng công trình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, ông Châu Hoàng Nghĩa, đồng ý là cần nghiên cứu nhưng cũng nói, hút cát nhiều có thể gây biến động cả vùng rộng lớn và thực tế, từ khi mở ra các công trình thì sạt lở dữ dội hơn.
Trầy trật đắp đê
Kênh đào Trà Vinh mở luồng mới từ biển vào sông Hậu, khởi công cuối tháng 12/2009 nhưng suy thoái kinh tế nên tạm dừng và mới khởi động lại vào ngày 15/3/2014. Còn Trung tâm Điện lực Duyên Hải có 3 nhà máy nhiệt điện, rộng 641 ha (306 ha lấn biển) ở xã Dân Thành và Trường Long Hòa; khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 ngày 19/9/2010, khởi công xây dựng cảng biển tiếp nhận than ngày 21/4/2013. Tổng thầu đều là doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông cựu chiến binh Phạm Văn Cứng: “Chiến tranh đã khổ, hòa bình còn phải di cư khổ hơn”.
Trung tâm Điện lực cần hơn 26 triệu m3 cát san lấp mặt bằng. Một số nhà thầu phụ cho tổng thầu Trung Quốc, hút cát san lấp mặt bằng có nhiều vi phạm, thậm chí do quen thân với lãnh đạo địa phương nên hoạt động không có giấy phép.
Sau thời gian dài phạt hành chính không có kết quả, ngày 24/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định tạm ngừng việc khai thác cát ven biển để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường (chỉ những điểm hút cát cách bờ biển 300 - 500 m trở ra và có giấy thép mới được tiếp tục). Đây cũng là thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bị đồn thổi chuyện không hay và ông đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
“Việc lấy cát từ bãi biển để tôn nền dẫn đến hậu quả khôn lường vì sẽ làm thay đổi địa hình bãi biển và tạo nên một dòng chảy xoáy. Dòng chảy này sẽ xói lở bờ biển tại chỗ và trong một vùng lân cận, rộng hay hẹp tùy thuộc vào khối lượng cát lấy đi”.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Tình trạng khai thác cát lậu nóng bỏng cả cuộc họp HĐND tỉnh Trà Vinh tháng 12/2013 và sạt lở bờ biển thì vẫn dữ dội. Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, ông Châu Hoàng Nghĩa, cho biết, huyện có bờ biển dài 55 km. 
Năm 2011, triều cường gây sạt lở mất hàng trăm héc-ta đất, phá nhiều cánh rừng phi lao, phải di dời khẩn cấp 52 hộ dân. Năm 2012, sạt lở tấn công vào đê biển phòng hộ ở nhiều điểm, tổng chiều dài hàng cây số.

Cuối năm 2013, tổng chiều dài các điểm sạt lở đê biển phòng hộ lên tới gần 14 km, phá nốt nhiều cánh rừng phi lao, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Mỗi năm, ngân sách chi hàng tỷ đồng để gia cố lại đê biển nhưng đều tan thành bọt nước ở mùa gió chướng tiếp theo.
Ông Phạm Văn Cứng, 67 tuổi, ở ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, cho biết sau khi bãi biển rộng cả cây số bị sạt lở hết, dăm năm nay đê biển cũng bị sạt lở. Lúc đầu, đê sạt lở ít thì dân tự đắp lại nhưng về sau sạt lở nhiều, chính quyền phải huy động xe, máy đến đắp.
“Năm 2013 lở nhiều quá, đến nay, nhiều đoạn tỉnh chưa có tiền đắp lại”, ông Cứng nói và chỉ đoạn bờ biển hàng trăm mét trống trơn trước mặt. Từ năm 2010, một số nơi được xây kè bê tông nhưng năm 2013, kè bê tông cũng bị sóng biển phá mấy chỗ, sửa chữa tốn tiền tỷ.
Dù vậy, phân tích của ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Trà Vinh, bây giờ muốn hạn chế sự tàn phá của biển, giữ đất huyện Duyên Hải, chỉ có giải pháp xây kè bê tông ở những khu vực xung yếu. 
Vì giồng cát, các loại cây trồng không chống chọi được với triều cường, đê biển đắp đất thì không thể đứng vững. Phải xây kè bê tông phía ngoài để đương đầu với sóng biển, rồi lùi vào trong trăm mét mới xây đê biển kết hợp giao thông.
Mấy năm qua ở huyện Duyên Hải đã xây dựng 3 đoạn kè bê tông, dài hơn 2 km, tốn 83 tỷ đồng, bảo vệ được đất phía trong. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Đồng Văn Lâm cho biết, nhu cầu cấp bách của tỉnh hiện nay cần 475 tỷ đồng để làm 6 km kè bê tông ở những khu vực xung yếu, 743 tỷ đồng xây dựng đê biển. Khi có hệ thống này, hàng vạn hộ dân ven biển mới hy vọng an cư.

“Đừng quên tiếng sóng gào”
Hy vọng vì ông Chi cục trưởng Nguyễn Văn Trưởng nói: “Trồng được rừng ngập mặn thì mới giữ được bờ biển ổn định lâu dài”. Ông Trưởng giải thích, vùng biển Ba Động có hai mùa, từ tháng 10 năm trước tới đầu tháng 3 năm sau là mùa gió chướng xói lở bờ biển, những tháng còn lại là mùa gió Nam bồi lắng phù sa. Khi không có rừng ngập mặn, phù sa bồi lắng trong mùa gió Nam sẽ bị gió chướng cuốn đi; cây trồng trong mùa gió Nam vừa bén rễ cũng bị gió chướng quét sạch.
Một đoạn đê biển vừa gia cố sạt lở, hy vọng đứng vững trong mùa gió chướng cuối năm nay nếu xây được kè bê tông bên trái để ngăn bớt sóng dữ

“Phải giữ phù sa thì mới trồng được rừng”, ông Trưởng khẳng định. Ông Trưởng kể, dưới tỉnh Cà Mau và cả ở nước ngoài đã thành công với giải pháp “đê mềm” phục hồi rừng. Đó là đê chỉ có cọc với rọ đá giăng ngoài biển, vừa hạn chế sóng dữ vừa cho nước biển tràn lên mà giữ phù sa ở lại. Vùng phù sa giữ được ấy, tích cực trồng cây với cây mọc tự nhiên sẽ cho rừng xanh tốt. 
“Lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương làm thí điểm 500 mét, sắp tới chúng tôi sẽ triển khai”, ông Trưởng phấn khởi. Cùng với trồng rừng ngập mặn sẽ trồng rừng trên dải đất giữa kè bê tông và đê biển, tạo thêm một lớp áo xanh ngăn sóng gió ở những khu vực xung yếu.
Tuy nhiên, hình ảnh yên ổn đẹp đẽ ấy còn trong mơ ước vì điều kiện đầu tiên giản đơn nhất cho nó hình thành vẫn chưa có, đó là tiền. Nếu tình trạng sạt lở làm biến mất Ba Động, thực sự có nguyên nhân ở việc lấy cát san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, thì quả là tai họa quá lớn so với lợi ích đã khai thác.
Năm ngoái, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân làm việc với Bộ GT&VT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào ngày 25/6/2013, đã cảnh báo việc khai thác cát cho Trung tâm Điện lực. 
Ông nói: “Việc lấy cát từ bãi biển để tôn nền dẫn đến hậu quả khôn lường vì sẽ làm thay đổi địa hình bãi biển và tạo nên một dòng chảy xoáy. Dòng chảy này sẽ xói lở bờ biển tại chỗ và trong một vùng lân cận, rộng hay hẹp tùy thuộc vào khối lượng cát lấy đi. Quy luật này đã được kiểm nghiệm qua thực tế, tại hiện trường”.
GS.TSKH Trân phát hiện, dự án Trung tâm Điện lực và mở luồng mới từ biển vào sông Hậu “đều chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng”, trong lúc “tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng không phải chỉ là ngập tĩnh mà còn là những thay đổi về động lực học biển ven bờ trong tương tác với công trình và đường bờ”. Nên nguy cơ ở đây rất lớn về nhiều mặt. Cũng theo GS.TSKH Trân, trong buổi làm việc, ông có hỏi khối lượng cát tôn nền Trung tâm Điện lực và nhận được hai con số là 1,7 triệu m3 và 3 triệu m3, ông đã nghĩ thực tế “phải cao hơn nhiều lần”. Thực tế, cần hơn 26 triệu m3.
Bây giờ Ba Động kỳ vĩ đã mất, người dân ven biển đang sống hết sức bất an và chưa biết bao giờ yên ổn trở lại. PV Tiền Phong đi cùng ông Phạm Văn Cứng trên bờ biển khu vực Khâu Lầu, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, chứng kiến sự mong manh có khi còn hơn quả trứng của vùng đất hiện nay. Khâu Lầu có 85 hộ dân, như vừa trải qua cơn đại hồng thuỷ, và đang thường trực nỗi lo bị xói lở.
Ông Cứng kể, năm 1966, ông đi bộ đội thì bãi biển này còn mênh mông rừng ngập mặn, ban ngày ở trong đó địch không thể phát hiện. Rồi địch rải chất độc hóa học làm rừng chết một phần, hòa bình có lúc trồng phi lao thì cũng đỡ. 
Mấy năm nay, biển xâm thực dữ dội, xói lở hết bãi biển, lấy vào của ông gần một héc-ta đất và đến mùa gió chướng, gia đình ông cùng nhiều gia đình khác phải di cư. “Chiến tranh đã khổ, hoà bình còn phải di cư khổ hơn. Mong nhà nước hỗ trợ để cuộc sống không phải di cư nữa”, giọng ông cựu chiến binh 67 tuổi tha thiết.
Biển Ba Động nước xanh cát trắng xưa có câu “Xin mời du khách về đây/Viếng thăm cho rõ chốn này thần tiên”, nay đục ngầu và bất ổn. Chao ôi, thiên nhiên tạo lập hàng trăm hàng nghìn năm, đến thời biến đổi khí hậu nước biển dâng, con người có thể phá trong thời gian ngắn và muốn tái lập thì khó khăn, tốn kém kinh khủng mà chẳng biết có được không. Nên cô gái Ba Động xưa nhắn nhủ “Anh đi dù tới phương nào/Cũng đừng quên tiếng sóng gào phía em”, đẹp nghĩa bóng nay nhức nhối thêm nghĩa đen.

Sau thời gian dài phạt hành chính không có kết quả, ngày 24/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định tạm ngừng việc khai thác cát ven biển để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường. Đây cũng là thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bị đồn thổi chuyện không hay và ông đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em trong giấc mơ …”.   Nhớ Cần Thơ phố thời bao