|
Để tránh
tình trạng ly nông, cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ
tam nông và được thực thi có hiệu quả. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
|
(TBKTSG) - Đồng bằng
sông Cửu Long - vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nước, nhưng hiện
có một bộ phận không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ bỏ ruộng
đồng, di cư lên thành thị để mưu sinh.
Thực trạng này cần được nhìn nhận
trên cả hai mặt, tích cực và tiêu cực của nó. Nên xem đây là một chỉ dấu
quan trọng để rà soát lại kết quả triển khai các chủ trương lớn về tam
nông, về xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao
động nông thôn; nhằm có chủ trương, cơ chế, chính sách và hệ thống giải
pháp thích hợp cho vùng này.
Chỉ dấu để rà soát
chính sách tam nông
Xét trên bình diện chung, thì sự
dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát
triển là một tất yếu. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong mối quan hệ
giữa các đô thị và khu vực nông thôn trong vùng, giữa đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL) - là một vùng nông nghiệp lớn nhất nước - với TPHCM và một số
tỉnh miền Đông Nam bộ có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh.
Cũng phải thừa nhận mặt tích cực của sự dịch chuyển lao động nông thôn ra
thành thị. Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống gia đình nông
thôn, đáp ứng nhu cầu lao động tập trung, khan hiếm ở các đô thị, nó còn giúp
nông dân có thêm nghề mới, hình thành và phát triển thêm các loại hình dịch
vụ nông thôn.
Cần những sửa đổi
cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ
lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn,
một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi
thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua.
|
Tuy nhiên, việc di cư tự do, tự
phát sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật
tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị đón nhận dòng
nhập cư ồ ạt và tác động xấu trở lại khu vực nông thôn, làm tiêm nhiễm các
tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc, lối sống không lành mạnh. Theo một kết quả
nghiên cứu gần đây, ĐBSCL là vùng có số dân di cư cao nhất nước. Ba phần tư
số dân di cư từ đây đến TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đáng lo ngại là
họ di cư trong điều kiện thiếu kiến thức, chủ yếu là lao động phổ thông,
một bộ phận lao động nữ hành nghề nhạy cảm...
Thực trạng đó đang đặt ra bài toán
cần lời giải căn cơ, không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành
chính hay chỉ xem xét, giải quyết về mặt xã hội, mà cần lời giải tổng thể,
phải tính đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông
nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới; các giải pháp, cách thức thực
thi hiệu quả, thiết thực hơn.
Người trồng lúa đang
nghèo đi trên vựa lúa?
Cần phải khẳng định là vùng ĐBSCL
đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo. Trong 62 huyện nghèo
nhất của cả nước, toàn vùng không có địa phương nào. Sự tăng trưởng về kinh
tế, đặc biệt là sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL và ổn định xã
hội đã mang lại sự cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của số đông người
dân. Số hộ nghèo trong vùng liên tục giảm, hiện nay còn khoảng 8%, tuy còn
cao hơn các vùng miền khác, nhưng thấp hơn Tây Bắc và Tây Nguyên. Đáng chú
ý là tỷ lệ và số hộ cận nghèo của vùng này cao nhất so các vùng, miền khác.
Làm sao để hạt gạo
không bị cắn chia làm tám phần, con cá tra, cây mía không bị chặt làm
nhiều khúc, để phần của người nông dân được nhận phải tương xứng với công
sức họ bỏ ra.
|
Tình trạng nghèo khó ở nông thôn
ĐBSCL có nhiều nguyên nhân. Do người dân không có đất, thiếu đất sản xuất,
người có đất nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức, không biết cách làm ăn, sản
xuất nông nghiệp kém hiệu quả, gặp rủi ro. Cũng có người thiếu sự phấn đấu
vươn lên để thoát nghèo... Có cả nguyên nhân chính sách hỗ trợ của Nhà nước
chưa hợp lý, cách làm cứng nhắc, thiếu lồng ghép các chính sách phát triển
kinh tế với việc giải quyết vấn đề xã hội khiến sự hỗ trợ của Nhà nước chưa
đến được người nghèo một cách thiết thực, hiệu quả. Nhưng, đáng quan tâm là
những bức xúc của vùng ĐBSCL nổi lên gần đây. Làm sao để hạt gạo không bị
cắn chia làm tám phần, con cá tra, cây mía không bị chặt làm nhiều khúc, để
phần của người nông dân được nhận phải tương xứng với công sức họ bỏ ra.
Nghịch lý vẫn đang diễn ra khi mà
tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chưa giảm tương ứng với tỷ lệ tăng sản lượng
lúa được cha mẹ chúng làm ra. Người nông dân không định được từ giá thành
đến giá bán các sản phẩm nông nghiệp của mình. Thực tế là, thu nhập của
những người tạo ra kỳ tích cho nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang bấp bênh
theo giá cả thị trường. Một kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng
lúa gạo” cho thấy, với bình quân đất sản xuất hiện tại, một gia đình thuần
nông không thể làm giàu. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nên 30% lợi nhuận của
nông dân (nếu có) chia cho số nhân khẩu trong hộ còn thấp hơn mức thu nhập
một đô la Mỹ/người/ngày! Đó là những vấn đề gốc rễ của tình trạng “ly nông”
đang diễn ra đáng lo ngại gần đây.
Định vị lại cuộc mưu
sinh
Đã có nhiều phân tích, cảnh báo về
tình trạng ly nông. Ở ĐBSCL, miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá đã bao đời gắn
bó với người nông dân. Đất đai ở đây không chỉ là tư liệu sản xuất chủ yếu,
nó còn là không gian sáng tạo, sản sinh ra nền văn minh sông nước miệt
vườn, cốt cách chân chất, thật thà của người dân; nếu tách rời với những
người nông dân cần cù, sáng tạo, chịu khó, thì nó sẽ không còn là không
gian của lao động sản xuất và không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần
phải thấy rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, người nông dân không
chỉ là những người cần cù, lao động giỏi, mà còn phải là những người làm ăn
giỏi; không chỉ biết làm ra nhiều lúa gạo, mà còn phải biết làm ra nhiều
giá trị lợi nhuận để làm giàu.
Để làm được điều đó, cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ tam
nông và được thực thi có hiệu quả. Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ
thuật cho sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang
cần sự sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình
khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách
hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo
đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua.
Người nông dân cần được giải phóng
gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp,
tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng lúa, đào tạo nghề phi nông
nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông
thôn. “Doanh nhân hóa nông dân” ĐBSCL phải được diễn ra trong không gian
của nông thôn đồng bằng, trong những đặc thù của nông nghiệp, nông dân,
nông thôn ĐBSCL.
Trong phiên họp thường kỳ tháng
2-2014 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất chủ trương triển khai chương trình
tín dụng hỗ trợ tam nông cho ba lĩnh vực bức xúc nhất hiện nay là: hỗ trợ
đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ
phát triển mô hình tốt kiểu như cánh đồng lớn trong sản xuất lúa và hỗ trợ
tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chương trình này cần được triển khai đồng bộ,
thực chất và đến được với người nông dân một cách hiệu quả nhất.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét