Báo Tuổi Trẻ, 03/03/2014 17:01 (GMT + 7)
TTO - Đó là một trong nhiều ý kiến nổi bật được đóng góp trong hội thảo góp ý cho dự thảo Luật phá sản do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 3-3 tại TP.HCM.
Ông Justin Yap, chuyên gia cao cấp của IFC về pháp luật phá sản, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.Điệp |
Một trong 3 vấn đề mà nhóm các chuyên gia biên tập và soạn thảo dự thảo Luật phá sản sửa đổi nêu ra để xin ý kiến các chuyên gia trong buổi thảo luận chính là chức danh quản lý tài sản phá sản.
Theo đó, quản tài viên là những người sẽ thay thế những người quản lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để xử lý các công việc liên quan đến việc phá sản.
9 năm: 83/600.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản
Theo ông Justin Yap, chuyên gia cao cấp của IFC về pháp luật phá sản, một số quốc gia châu Âu, châu Á hiện đang có chức danh quản lý tài sản phá sản để quản lý và giải quyết tài sản cho những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đây chính là người giữ vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, góp ý với vấn đề này, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng điều kiện để trở thành người quản lý tài sản cần phải chặt chẽ hơn và cần phải có chế tài nếu người làm quản lý tài sản không thực hiện được tốt chức năng và công việc của mình.
Còn bà Đào Thị Thiên Hương (giám đốc dịch vụ tư vấn tái cấu trúc và tài chính doanh nghiệp) cho rằng quyền lợi của chủ nợ không có đảm bảo thường gắn liền với việc doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển, vì hầu như toàn bộ tài sản hữu hình đã được thế chấp cho các chủ nợ có đảm bảo.
Trong rất nhiều trường hợp, đợi đến khi tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp thì đã quá trễ cho các chủ nợ không có đảm bảo, và việc doanh nghiệp phá sản và thanh lý tài sản thường không mang lại lợi ích đáng kể gì cho các chủ nợ không có đảm bảo. Đây cũng là lý do nhiều chủ nợ không có đảm bảo không mặn mà với việc nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp không mặn mà đối với việc làm thủ tục phá sản cũng được chứng minh qua các số liệu mà đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra, đó là trong gần 10 năm Luật phá sản doanh nghiệp có hiệu lực nhưng chỉ có 83 trong tổng số 600.000 doanh nghiệp của Việt Nam phá sản.
Theo ông Trần Văn Sự - nguyên phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, trong thời gian còn công tác ông đã nhiều lần có ý kiến về việc phải có chế tài đối với những doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, phá sản nhưng không tuyên bố phá sản và làm thủ tục phá sản, bởi khi làm đầy đủ thủ tục thì làm hạn chế quyền lợi của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý hay thành lập một doanh nghiệp mới.
Bởi vậy, theo ông Sự, dự thảo Luật phá sản sửa đổi nếu không có các chế tài cụ thể, quy định cụ thể thì dù Luật phá sản sửa đổi có ra đời thì cũng chẳng giải quyết được việc gì.
Bà Đào Thị Thiên Hương trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp |
Cần “cứu” trước khi để cho “chết”
Giải pháp mà bà Hương đưa ra là cần có một cơ chế để “cứu” doanh nghiệp trước khi để doanh nghiệp phá sản.
“Khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, cũng tương tự một người bệnh khá nặng, cơ hội sống sót và phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm bắt đầu điều trị, càng sớm càng tốt. Vì vậy, trong điều khoản chỉ định người quản lý tài sản nên bổ sung cơ chế cho phép chủ nợ, hay ít nhất cũng là chủ nợ lớn, được phép chỉ định người quản lý tài sản vào tiếp quản và điều hành doanh nghiệp ngay khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán mà không cần phải đợi đến khi chủ nợ hay doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp lên tòa án và đợi tòa án thụ lý đơn rồi mới chỉ định người quản lý tài sản”, bà Hương nói.
Và đương nhiên, theo bà Hương, luật sẽ cần quy định rõ ràng người quản lý tài sản, mặc dù có thể được chỉ định bởi một chủ nợ lớn, nhưng phải hành động vì lợi ích công bằng cho tất cả các chủ nợ.
Vai trò của người quản lý tài sản vì thế cũng cần nhấn mạnh vào vai trò tiếp quản, bảo vệ tài sản và khôi phục hoạt động của doanh nghiệp. Nếu vai trò của người quản lý tài sản chỉ tập trung vào việc thanh lý các tài sản khi doanh nghiệp phá sản thì sẽ không tạo được sự khác biệt lớn với vai trò của tổ quản lý, thanh lý tài sản do tòa án lập ra theo Luật phá sản 2004.
Sau góp ý của bà Hương, ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho rằng vấn đề bà Hương nêu hiện vẫn chưa được đề cập đến trong các bộ luật, và vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp để duy trì quyền lợi không chỉ doanh nghiệp, chủ nợ mà còn cả của người lao động. Bởi vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ rất lưu tâm ý kiến của bà Hương trong quá trình xây dựng, sửa đổi luật.
HOÀNG ĐIỆP
Nhận xét
Đăng nhận xét