Chuyển đến nội dung chính

Xu hướng lao động: Tìm cửa sáng trong suy thoái

03/03/2014 09:29 (GMT + 7)

TTCT - Kỹ năng mềm, khả năng thích ứng linh hoạt, thái độ làm việc có trách nhiệm và sự đáng tin cậy... sẽ là những tiêu chí mới trên thị trường tuyển dụng lao động?
TTCT trao đổi với TS Đỗ Quỳnh Chi - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, đồng tác giả của nghiên cứu mới về xu hướng lao động trong khu vực FDI của Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA) và Công ty nhân sự ManpowerGroup.
Nguồn: Nghiên cứu “Xu hướng các nhu cầu kỹ năng trong khu vực FDI” - Đồ họa: M.N.
* Nghiên cứu mới của chị cho thấy trong tình hình suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp FDI vẫn ăn nên làm ra, thậm chí xét riêng về khía cạnh lao động thì họ gặp nhiều thuận lợi hơn trước. Điều này xảy ra như thế nào?
- Nghiên cứu này cho thấy có tới 52% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho biết họ đã tăng trưởng khá đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2013, và chỉ có 5% nói rằng họ bị thua lỗ. Chúng tôi tổng kết rằng có ít nhất ba lý do vì sao các doanh nghiệp FDI lại có sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy trong điều kiện kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, các doanh nghiệp FDI có lợi thế rất lớn về vốn, quy mô lao động cũng như công nghệ so với các đối thủ trong nước.
Thứ hai, khi các doanh nghiệp trong nước cùng ngành gặp khó khăn, thua lỗ, lực lượng lao động rất quý giá của các doanh nghiệp này vốn đã có kinh nghiệm và được đào tạo bị thu hút sang các doanh nghiệp FDI là đối thủ của chính họ ở Việt Nam.
Thứ ba, trong một thị trường như ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp trong nước đều đang lao đao, khó khăn, mức độ cạnh tranh giảm sút, nên doanh thu cũng như mức độ bán hàng của doanh nghiệp FDI tăng dễ dàng.
* Nghiên cứu ghi nhận hiện tượng người lao động có bằng cấp nhưng chấp nhận làm công việc giản đơn trong các nhà máy sản xuất hàng gia công. Chuyện đó nói lên điều gì?
- Không phải đến khi kinh tế khủng hoảng hiện tượng này mới xuất hiện mà vào thời điểm 2006-2007, khi chúng tôi đi nghiên cứu ở một doanh nghiệp lớn - nơi có hơn 1.000 công nhân trực tiếp có bằng đại học - thì được họ cho biết đây là tình trạng khá phổ biến. Đó là điều rất đáng buồn.
Qua nghiên cứu nhiều năm, chúng tôi đúc rút một số lý do khiến nhiều sinh viên đại học thất nghiệp. Một là, đây là lỗi của hệ thống giáo dục - đào tạo chưa kịp thời cập nhật những sự thay đổi trong thực tế.
Chúng ta đều biết rằng để duy trì khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp hiện nay thay đổi hằng ngày về công nghệ, cách quản lý... Trong khi đó, chương trình học tại các trường dạy nghề có khi cả chục năm vẫn chưa thay đổi nhiều. Điều đó khiến một sinh viên mới ra trường hoặc mới tốt nghiệp một trường nghề có khi phải mất sáu tháng đến một năm mới có thể bắt đầu làm việc được.
Doanh nghiệp nhìn vào chi phí phải bỏ ra để đào tạo lại như vậy thì thấy ngại. Hai là, kỹ năng mềm (còn gọi là kỹ năng tổng quát) của các bạn rất yếu, dù kỹ năng chuyên môn rất tốt. Ví dụ làm thế nào có thể hợp tác với mọi người trong cùng một nhóm, giao tiếp như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, hay phải đến đúng giờ..., những điều rất đơn giản nhưng không được sinh viên chú ý.
Các nhà tuyển dụng phàn nàn rất nhiều về thái độ tiếp nhận công việc của sinh viên mới, nhất là tâm lý không muốn làm những việc bị cho là “không xứng tầm”. Giám đốc sản xuất của một công ty kể khi dưới xưởng có vấn đề về máy móc cần một kỹ sư mới ra trường xuống cùng nhân viên sửa chữa, tân kỹ sư từ chối: “Tôi chỉ thiết kế máy móc thôi, sửa máy không phải việc của tôi”.
Một giám đốc nhân sự của Nhật Bản đã nói với chúng tôi: “Ở Nhật Bản, chúng tôi coi việc một kỹ sư biết làm mọi công đoạn trong một chu trình sản xuất dù lớn hay nhỏ là một niềm tự hào. Tôi có thể làm được mọi việc mà công nhân của chúng tôi làm. Tôi rất ngạc nhiên vì sao kỹ sư của Việt Nam lại cảm thấy xấu hổ hoặc ngại ngùng khi phải xắn tay áo làm cùng công nhân của mình”.
Họ đánh giá điều này là một trong những điều cơ bản để quyết định nhân viên đó có đáng được thăng chức hay không, có đáng được duy trì tại doanh nghiệp đó hay không. Đó chính là kỹ năng mềm.
Một điểm nữa là lựa chọn việc làm của sinh viên chưa mang tính chiến lược. Đa số chọn việc làm dựa vào mức lương mà không lưu tâm những vấn đề khác, chẳng hạn một doanh nghiệp trả lương không cao lắm nhưng cơ hội học hỏi, cơ hội thăng tiến, cơ hội phát triển rất tốt.
Có bạn thích làm ở doanh nghiệp lớn, không thích vào doanh nghiệp nhỏ dù để chứng tỏ được mình ở một doanh nghiệp lớn có thể mất ít nhất 3-4 năm, trong khi doanh nghiệp nhỏ có thể chỉ mất khoảng một năm khi được giao những việc quan trọng.
* Diễn biến thị trường lao động như vậy tác động ra sao đến người lao động? Nguồn cung lao động (các trường đại học, dạy nghề) cần ứng xử ra sao trước điều này?
- Với diễn biến thị trường lao động hiện nay, tác động tiêu cực đối với người lao động khá rõ: các bạn mới tốt nghiệp đại học sẽ khó tìm việc làm hơn vì sự cạnh tranh trên thị trường lao động trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
Bản thân những người đang làm việc cũng có nguy cơ bị mất việc làm nếu hiệu quả làm việc của họ chưa tốt vì khi nguồn cung lao động dồi dào, người sử dụng lao động sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, có nhiều lợi thế mặc cả hơn trong quan hệ lao động.
Nhưng nếu chúng ta nhìn xa khoảng năm năm thì diễn biến hiện tại trên thị trường lao động là cơ hội để người lao động cũng như các doanh nghiệp và nền kinh tế thay đổi. Nghiên cứu của ManpowerGroup và ILSSA cho thấy đa số doanh nghiệp FDI đều muốn mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ ở Việt Nam trong năm năm tới. Như vậy họ sẽ cần nhiều lao động kỹ thuật cao, quản lý cấp trung hơn nữa.
Hiện nay một số doanh nghiệp FDI đã liên kết với các trường dạy nghề để đặt hàng đào tạo lao động kỹ thuật với số lượng lớn. Việc dư thừa cử nhân đại học trong các ngành như quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng hiện nay sẽ khiến phụ huynh và con em mình có suy nghĩ chiến lược hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Thay vì đổ xô vào một số ngành có vẻ “nóng” trong hiện tại, nên tìm hiểu kỹ sở trường và sở thích của con mình. Các bạn trẻ nên dũng cảm lựa chọn cho mình một ngành nghề thích hợp và theo học nghề nhiều hơn vì đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tương lai.
Trau dồi các kỹ năng mềm và ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng bên cạnh việc chọn nghề nghiệp, vì đó là những yếu tố quyết định bạn sẽ thành công đến mức nào trong công việc đó.
Họ cần gì?
Nghiên cứu “Xu hướng các nhu cầu kỹ năng trong khu vực FDI” do ILSSA và Công ty nhân sự ManpowerGroup thực hiện qua khảo sát 100 doanh nghiệp FDI trong ba lĩnh vực: nhóm hàng tiêu dùng nhanh (những mặt hàng có sức bán ra lớn và liên tục, nhu cầu khách hàng cao, thường được phân phối qua kênh siêu thị, cửa hàng bán lẻ...), nhóm hàng ôtô và nhóm hàng điện tử (tại Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP.HCM và Long An).
47% doanh nghiệp được khảo sát có trên 500 công nhân và 30% có doanh thu 10 triệu USD/năm.
Kết quả cho thấy vào thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp FDI đang hài lòng hơn với lực lượng lao động trong nước nhưng đã xuất hiện một xu hướng “đáng báo động” về việc nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào việc săn tìm kỹ năng cần thiết của người lao động từ các đối thủ cạnh tranh chứ không đầu tư vào đào tạo, gây ra nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh về lương và khiến các doanh nghiệp nản lòng trong việc nâng cao kỹ năng cho người lao động của mình.
Với nhóm lao động là nhân viên văn phòng, các chủ doanh nghiệp chú trọng hơn tới những đặc điểm như ý thức về chất lượng hay sự đúng giờ, đáng tin cậy - lại là những đặc điểm đang bị thiếu trầm trọng. Những kỹ năng liên quan tới công nghệ/kỹ thuật (như khả năng thích ứng với thay đổi hoặc kỹ năng sử dụng máy tính) lại bị đánh giá là kém quan trọng hơn cả.
Người quản lý sản xuất của Công ty Pepsico nói với nhóm nghiên cứu: “Tìm ứng viên xin việc có bằng cấp phù hợp là chuyện dễ dàng, nhưng tìm người có các kỹ năng mềm phù hợp khó hơn nhiều. Chúng tôi cần người lao động có tinh thần trách nhiệm cao, tính phản hồi tốt và đáng tin cậy”.
Nghiên cứu chỉ ra ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách tuyển nhiều người Việt Nam hơn để tiết kiệm chi phí nhân công, nhất là ở các vị trí quản lý cấp trung và nhân viên văn phòng. Tuy vậy, họ lại không đánh giá cao người xin việc đến từ khu vực công.
Theo các phỏng vấn mà nhóm tác giả thực hiện, các doanh nghiệp này từ chối nhận người từng làm cho các doanh nghiệp nhà nước vì “họ không có thái độ làm việc tích cực” hoặc “không có khả năng tiếng Anh tốt”, chậm thích nghi, kỹ năng giao tiếp tồi cũng như có thái độ làm việc tiêu cực.
Liên quan đến những dịch chuyển trong thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, các tác giả nhận định việc các nhà đầu tư tìm kiếm chi phí rẻ và kỹ năng thấp chuyển đổi cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ giúp tăng FDI cho Việt Nam về ngắn hạn, nhưng về dài hạn có thể khiến Chính phủ lơ là việc cải thiện kỹ năng cho người lao động.
“Đây là thời điểm then chốt cho Việt Nam trước hai lựa chọn: một là tương tự Trung Quốc, khuyến khích phát triển kỹ năng nhờ việc đầu tư vào đào tạo nghề, nghiên cứu và phát triển, sản xuất công nghệ cao; hai là giống như Ấn Độ, để cho việc thiếu kỹ năng cản trở các tiềm năng phát triển của đất nước”.
HƯƠNG GIANG thực hiện

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...