Bài 1: Làm lúa thôi chạy theo sản lượng
Nhiều lúa nông dân thêm vất vả
TP - Giảm diện tích, giảm sản lượng để tập trung nâng cao chất lượng hạt lúa. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ĐBSCL có 102 giống lúa, nhưng gạo chưa có thương hiệu. “Cường quốc xuất khẩu gạo” mà trên thị trường, gạo Việt Nam chỉ hàng xá đổ đống, phân loại theo tỷ lệ phần trăm tấm
Năm 2014, dự báo của Bộ NN&PTNT, 50% sản lượng gạo ở ĐBSCL (hơn 8,6 triệu tấn) dành cho xuất khẩu. Điều đó cũng đồng nghĩa: liên tục từ năm 1989, nước ta đã rất thành công trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, luôn có dư thừa gạo để tham gia vai trò an ninh lương thực quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả từ xuất khẩu gạo ngày càng thấp khiến Chính phủ và các bộ ngành thấy đã đến lúc cần xem lại vai trò lúa gạo trong động lực phát triển nông thôn giai đoạn mới.
Cuộc họp bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa ĐBSCL hôm 15/3, ở TP Cần Thơ, có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và nhiều bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tham dự, chính thức công bố chủ trương sản xuất lúa gạo thôi chạy theo sản lượng. Những thay đổi từ chính sách vỹ mô rất có thể sẽ mở ra một thời kỳ nông nghiệp mới tại ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề xuất, giảm 112 nghìn héc-ta lúa ở ĐBSCL để giảm sản lượng, triển khai từ năm nay cho đến 2015. Lãnh đạo các địa phương tán thành. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý và nhấn mạnh, tập trung giảm diện tích trồng lúa năng suất thấp.
Bỏ lúa trồng gì thay thế ?
Giảm diện tích, giảm sản lượng để tập trung nâng cao chất lượng hạt lúa. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ĐBSCL có 102 giống lúa, nhưng gạo chưa có thương hiệu. “Cường quốc xuất khẩu gạo” mà trên thị trường, gạo Việt Nam chỉ hàng xá đổ đống, phân loại theo tỷ lệ phần trăm tấm.
Cũng vì nhiều giống lúa mà ở tỉnh Đồng Tháp đang “bể kèo” giữa Cty CP Docimexco với nông dân. Cty ký hợp đồng cung cấp giống và tiêu thụ lúa hơn 1.300 ha, khi thu hoạch lại có nhiều giống khác lẫn vào, bên mua chê lẫn nhiều, bên bán cãi lẫn ít nên không thống nhất được giá, đang phải nhờ UBND tỉnh phân xử.
“Chúng ta không cần đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo và cũng không có trách nhiệm lo ăn cho thế giới, mà cần nghĩ cách giúp nông dân sống khá giả”.TS Lê Anh TuấnTrường ĐH Cần Thơ
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nay cần tập trung vào một ít giống có chất lượng cao để xây dựng thương hiệu. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho biết, VFA đã thành lập công ty chuyên lo đưa giống ra đồng ruộng. Thủ tướng chỉ đạo, VFA cần phối hợp với Viện lúa ĐBSCL.
Nhưng bỏ lúa thì trồng cây gì, khi rất nhiều rau màu ở ĐBSCL đang ế ẩm, nông dân bị lỗ nặng? Bộ trưởng Phát trả lời: Nên trồng ngô, vì năm 2013 phải nhập 2,2 triệu tấn; nếu chuyển khoảng 100 nghìn héc-ta lúa sang ngô sẽ có 500-600 nghìn tấn, thay một phần nhập khẩu. Thủ tướng nhấn mạnh, phải áp dụng khoa học công nghệ để có năng suất cao, chất lượng tốt, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu nếu không thì cũng thua lỗ. “Ngô và đậu nành, mỗi năm nước ta đang phải nhập khoảng 3 tỷ USD để làm thức ăn chăn nuôi, nếu chuyển đổi thành công, thay thế nhập khẩu được khoảng 1,5 tỷ USD thì Chính phủ sẽ khen thưởng”, Thủ tướng tuyên bố.
Giữ diện thích lúa bao nhiêu?
Ngân hàng Thế giới từng đề xuất, Việt Nam chỉ nên giữ diện tích lúa 3-3,3 triệu ha. Đề xuất này được nêu trong báo cáo tại hội thảo quốc tế “Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao-Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Festival Lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng cuối năm 2011. Trong đó, phân tích ba kịch bản, đến năm 2030, diễn tiến “mọi việc như bình thường” thì năng suất lúa 7 tấn/ha, còn “năng suất trung bình” 6,3 tấn/ha, và “tình huống xấu nhất” năng suất chỉ còn 5,8 tấn/ha. Ứng với ba kịch bản năng suất này là các dự đoán về biến đổi khí hậu và thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Với các điều kiện bất lợi nhất, cũng chỉ cần 3-3,3 triệu ha lúa, năm 2030, Việt Nam vẫn dư nhiều triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, giảm diện tích lúa không có nghĩa chuyển sang đất phi nông nghiệp, mà “chuyển đổi đất lúa cho những mục đích nông nghiệp khác”. Bởi vì “đất lúa chuyển đổi để làm một khu công nghiệp sẽ bị mất đi mãi mãi đối với một nền nông nghiệp” và do đó “Chính phủ nên tiếp tục giám sát chặt chẽ và thực sự hạn chế những hình thức chuyển đổi đất này”. Còn chuyển đổi đất lúa sang mục đích nông nghiệp khác như trồng cây lâu năm, đồng cỏ chăn nuôi, lúa-tôm/cá, hoàn toàn có thể đảo ngược trở lại để làm lúa khi cần.
Đòn bẩy chính sách
Cũng tại cuộc họp ngày 15/3, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị, hỗ trợ 50% chi phí giống cây trồng mới, trên đất lúa chuyển đổi, khoảng 2 triệu đồng/ha. Lãnh đạo Bộ Tài chính ủng hộ, chỉ đề nghị tính cụ thể cho từng loại giống, không bình quân.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, lần đầu tiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đoàn cán bộ của Bộ NN&PTNT sang làm việc với NHNN, hai bên đã thống nhất chương trình thí điểm nâng cao chất lượng nông sản, sử dụng công cụ lãi suất làm đòn bẩy.
Theo đó, áp dụng lãi suất một năm 7% với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu nông sản thế mạnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia chương trình đều được vay.
Mỗi lĩnh vực, Bộ NN&PTNT cùng NHNN chọn 5 đơn vị, mức cho vay bằng 80% giá trị của phương án (dự án), miễn tài sản thế chấp (ví dụ, doanh nghiệp vay để mua vật tư tạm ứng cho nông dân, khi nông dân bán lúa trả tiền tạm ứng thì ngân hàng thu nợ). Thí điểm một năm, sau đó tổng kết để mở rộng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, làm thí điểm nhanh để nhân rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nông nghiệp đóng góp 19% GDP nhưng lao động lại đang chiếm đến 48%, cần giảm lao động nông nghiệp xuống một nửa, thu nhập của nông dân mới tăng lên được. Cần chính sách đủ mạnh và Chính phủ sẵn sàng thay đổi những chính sách không còn phù hợp để “hỗ trợ tối đa”.
Thủ tướng nhấn mạnh, hỗ trợ nông dân, bảo vệ nông nghiệp là chính sách nhất quán của ta, các nước trên thế giới cũng làm như thế, đó không phải là bao cấp.
Nhận xét
Đăng nhận xét