Trần Hữu Hiệp
BáoTuổi Trẻ, 09/09/2014
TT - Có
thêm những ý kiến ủng hộ việc cho phép trồng giống cây biến đổi gen nhằm có
nguồn thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia đề
nghị cần buộc dán nhãn trước khi đưa ra thị trường...
Việc Bộ NN&PTNT cấp giấy xác
nhận bốn giống bắp biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi
và Bộ Tài nguyên - môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đã chính
thức mở đường cho thực phẩm biến đổi gen vào VN.
Dư luận chung có hai luồng ý
kiến trái ngược nhau về “sự kiện mang tính lịch sử” này: ủng hộ và phản đối.
Ưu thế nổi trội
Cần phải thừa nhận giống cây
trồng, vật nuôi biến đổi gen là thành tựu của công nghệ sinh học, giúp tăng đột
biến năng suất, sản lượng sản phẩm. Từ góc nhìn kinh tế nông nghiệp, thành tựu
này có thể giải nhiều bài toán hóc búa, trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản Việt và thu nhập nông dân.
ĐBSCL đã từng chuyển trồng lúa
sang trồng đậu nành, bông vải, mè, nuôi bò sữa... nhưng không thành công vì
thiếu giải pháp đồng bộ. Ngoài yêu cầu phải rà soát quy hoạch, tổ chức sản
xuất, gắn sản xuất với thị trường, yêu cầu giống mới với những ưu thế nổi trội
hơn là rất quan trọng. Nhiều loại giống lúa, bắp, đậu nành truyền thống khó
cạnh tranh về giá trước giống mới, đặc biệt là các loại sản phẩm sản xuất từ
giống biến đổi gen được phép nhập khẩu vào nước ta.
Trên thế giới, các sản phẩm từ
giống biến đổi gen đi từ đồng ruộng vào nhà người tiêu dùng đang gặp phải vấn
đề về đảm bảo an toàn sinh học.
Hiện khoa học chưa có câu trả
lời đảm bảo mức độ an toàn chắc chắn cho người, nên ngoài một số nước cho phép
sử dụng hạn chế, phần lớn các nước “cấm cửa” khi ra thị trường.
Lâu nay chúng ta không chấp nhận
sử dụng giống cây biến đổi gen, nhưng thực tế hàng chục triệu tấn thực phẩm
biến đổi gen đã được nhập khẩu về VN mỗi năm. Đó không chỉ là điều đáng lo ngại
ở góc độ sức khỏe cộng đồng, mà còn là thiệt thòi kinh tế, giảm sức cạnh tranh
về giá cho các sản phẩm không biến đổi gen trong nước.
Hơn 2,2 triệu tấn bắp, 1,3 triệu
tấn đậu tương, khoảng 3 triệu tấn bánh dầu đậu tương và bã bắp đã được nhập
ngoại phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó là lượng ngoại tệ lớn
phải trả chẳng thua kém kim ngạch xuất khẩu gạo hằng năm của nước ta. Hạt gạo
bị cắn làm tám phần, con cá tra bị chặt làm nhiều khúc, trong đó giá thành được
tạo nên từ thức ăn thủy sản được các nhà kinh tế chỉ ra chiếm đến hơn 70% giá thành
con cá tra; làm cho ngành kinh tế quan trọng này của nước ta trở thành ngành
gia công.
Thực trạng đó có nguyên nhân từ
việc giống bắp, đậu nành biến đổi gen chưa được phép sử dụng, buộc nhà sản xuất
phải nhập khẩu.
Cần kiểm soát nghiêm ngặt
Về lý thuyết, loại sản phẩm này
chỉ được phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nhưng thật là thiệt
thòi cho các sản phẩm không sử dụng biến đổi gen và lo ngại cho an toàn sinh
học và sức khỏe cộng đồng, trong khi các cơ quan chức năng chưa có cơ chế công
khai, minh bạch về kiểm soát sản phẩm này như việc bắt buộc dán nhãn sản phẩm
cảnh báo “không dùng cho người” để người dân biết lựa chọn.
Việc các bộ chức năng áp dụng
quy trình đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, khoa học cho các sản phẩm bắp biến đổi
gen được cấp phép cũng như yêu cầu các công ty được phép sử dụng phải tổ chức
quản lý, giám sát an toàn sinh học là cần thiết.
Nhưng đó mới là đầu vào sản
xuất, cần phải tăng cường hậu kiểm chắc chắn để đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt
đầu ra thị trường đối với thực phẩm biến đổi gen nhằm đảm bảo sức khỏe người
tiêu dùng. Một nhà sinh học, một bác sĩ bằng mắt thường và cảm nhận của người
tiêu dùng không thể nào đảm bảo phân biệt được đâu là sản phẩm từ giống biến
đổi gen.
Ai đảm bảo chắc chắn rằng bắp,
đậu nành chỉ được phép dùng cho thức ăn chăn nuôi, thủy sản chứ không được chế
biến thành sữa dùng cho người, làm quà bánh cho trẻ em? Khi nào khoa học chưa
có một đảm bảo chắc chắn về an toàn sinh học, thì bài toán sức khỏe con người
cần được xem là ưu tiên. Việc cho sử dụng hạn chế, có kiểm soát nghiêm ngặt các
giống bắp, đậu nành biến đổi gen là rất cần, nhưng phải đồng thời nâng cao năng
lực quản lý của cơ quan chuyên môn.
Câu chuyện giống bắp biến đổi
gen được cấp phép không chỉ là chuyện kinh tế của người sản xuất mà còn là
chuyện của người tiêu dùng, năng lực, trình độ của nhà quản lý và vấn đề pháp
lý. Việc mở cửa cho lĩnh vực sinh học này cần được tiếp cận đa ngành và yêu cầu
quản lý cao hơn thực tại rất nhiều. Cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm
ngặt và minh bạch hơn nữa cho việc quản lý sản phẩm từ giống biến đổi gen.
Nhận xét
Đăng nhận xét