Hữu Hiệp
Sở Văn hóa, TT&DL Kiên Giang – Cụm trưởng điều phối chương trình hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) ĐBSCL - vừa đệ trình kết quả phối hợp khảo sát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch chung của tiểu vùng với tên gọi “ĐBSCL – Năm địa phương, một điểm đến”.
Đua bò vùng Bảy Núi, An Giang |
Du lịch ĐBSCL được nhìn nhận giàu tiềm năng, mang nhiều bản sắc riêng; song, mấy năm qua vẫn quanh quẩn khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có với các yếu tố miệt vườn, sông nước … Kiểu làm du lịch rập khuôn, các loại hình và “sản phẩm du lịch đặc thù” nhưng tỉnh nào cũng có, rời rạc, thiếu liên kết, không tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng du khách. Du lịch ĐBSCL đẹp, nhưng còn là “nàng công chúa ngủ trong rừng” cần được đánh thức.
Nỗ lực của ngành du lịch các tỉnh trong vùng đang được kỳ vọng cho ra đời các sản phẩm “liên kết vùng” của đất Chín Rồng; là việc làm cụ thể hướng đến mục tiêu xây dựng vùng này thật sự trở thành “một trung tâm dịch vụ - du lịch lớn của cả nước” như Quyết định 492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.
Các sản phẩm du lịch cho “ĐBSCL – Năm địa phương, một điểm đến” thuộc Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau – “Tứ giác động lực” và Bạc Liêu - quê hương câu vọng cổ đậm tính cách Nam Bộ, gồm: khai thác tour liên hoàn qua các địa danh nổi tiếng thuộc Hà Tiên hoặc đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang; các danh thắng vùng Bảy Núi nhiều huyền thoại miệt Châu Đốc hay chốn biên thùy Tây Nam thuộc An Giang; rồi về Cần Thơ – trung tâm vùng với chợ nổi Cái Răng, Phong Điền; xuống Bạc Liêu thăm “Nhà công tử” nổi tiếng một thời và khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; về nơi cuối đất, tận hưởng không khí thiên nhiên lý thú của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Một chiến dịch tuyên truyền, quảng bá cho du lịch vùng được đề xuất với nhiều sự kiện như tổ chức Fresstrip, hưởng ứng “Ngày du lịch thế giới” 27 tháng 9 với thông điệp “Du lịch và bền vững năng lượng: chung tay vì sự phát triển bền vững”, họp báo công bố các sản phẩm du lịch vùng …
Việc các Sở VH, TT & DL “chung tay” tạo ra sản phẩm cụ thể cho liên kết vùng phát triển du lịch ĐBSCL là cần thiết, nhưng chưa đủ. Đó chỉ mới là liên kết của các cơ quan quản lý, một dạng “liên kết nhà nước” tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng để có sản phẩm du lịch cụ thể, nhất thiết phải có sự tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp du lịch, người dân làm du lịch. Làm được điều đó mới tạo được các sản phẩm du lịch cụ thể, “liên kết thị trường”, đảm bảo chia sẻ lợi ích, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị của ngành du lịch ĐBSCL. Liên kết doanh nghiệp, chung sức của người dân là sự đảm bảo cho một ĐBSCL thật sự là điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước.
Bài trên báo Lao Động ngày 11-9-2012
Nhận xét
Đăng nhận xét