“Chung tay vun đắp nhân tài” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) khởi sướng và vận động đóng góp đã trở thành chương trình học bổng lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước đến nay. Buổi lễ trao học bổng đợt I tại Trường ĐH Cần Thơ cuối tuần qua cho sinh viên các tỉnh, thành trong vùng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nỗ lực vượt khó đã thu hút sự quan tâm, góp sức của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.
10 tỉ đồng trao cho 5.000 sinh viên đang theo học ở 3 trường: ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ và Tây Đô chưa phải là điểm dừng; còn nhiều sinh viên miền Tây đang theo học tại các trường ĐH khác trong vùng, ở TPHCM... đã và đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, học giỏi, rất cần sự động viên, tiếp sức để được tiếp tục đến trường. Vì vậy, chương trình học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài” đang được kỳ vọng mở ra cuộc vận động lớn, cách làm mới để chăm lo tốt hơn sự học cho con em vùng ĐBSCL.
Cùng với hạ tầng giao thông, sự “tụt hậu, yếu kém” nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL đã được nhận diện từ nhiều năm qua. Sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của gia đình và bản thân từng học sinh, sinh viên trong vùng để chăm lo cho sự học là rất đáng ghi nhận. Nhiều chương trình đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, Mê Kông 1.000, khuyến học, khuyến tài, tiếp sức đến trường, chỗ trọ miễn phí cho thí sinh mùa thi... đã mang lại kết quả tích cực. Song, thực tế đòi hỏi cần phải quan tâm lồng ghép, kết nối, tập hợp để tạo ra chuyển biến tốt hơn từ nhiều chương trình, tạo ra cuộc vận động lớn, thiết thực và hiệu quả hơn. Nhìn ở góc độ vùng, ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ TNB - người có sáng kiến và tích cực vận động cho học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài” đề xuất thành lập Hội Khuyến học TNB để tập hợp các hoạt động chăm lo sự học cho con em ĐBSCL tốt hơn. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất việc thành lập Quỹ khuyến học TNB, là một quỹ từ thiện, phi lợi nhuận để có nguồn lực ổn định, lâu dài khuyến học, khuyến tài.
Trong cuộc vận động chăm lo sự học cho con em miền Tây, báo chí và truyền thông có vai trò rất quan trọng. Chính sự “tiếp sức” của lực lượng này, không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động chăm lo cho giáo dục - đào tạo, mà còn có thể tận dụng lợi thế “quảng cáo - tiếp thị”, tạo quan tâm của công chúng, dẫn đến tính hấp dẫn doanh nghiệp tài trợ kinh phí. Khó trách doanh nghiệp khi họ bỏ ra hàng trăm triệu trao thưởng cho các người đẹp, hoa hậu, khi mà nó mang lại hiệu quả cao cho việc quảng bá thương hiệu doanh nghiệp. Cần gắn trách nhiệm xã hội của các doanh nhân với nhiệm vụ kinh doanh và nhu cầu chính đáng của doanh nhân. Đó cũng là cách làm mới để cuộc vận động lớn chăm lo sự học cho con em miền Tây được hưởng ứng mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực xã hội.
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 18-9-2012
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 18-9-2012
Nhận xét
Đăng nhận xét