“Xóm nhà giàu” là cách người dân huyện Châu Thành (Long An) gọi cụm nhà cổ ở xã Thanh Phú Long. Những ngôi nhà có hàng trăm năm tuổi, là chứng nhân lịch sử của bao sự kiện quan trọng, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2007. Thế nhưng, cụm di tích này đang trong tình trạng... chờ sập. Thậm chí, ngôi nhà cổ nhất, đẹp nhất trong số này đã trở thành chuồng gà.
Bà Ba bên căn nhà đã trở thành phế tích.
Nhà cổ thành phế tích
Bốn ngôi nhà cổ ấy được 3 anh em trong dòng họ Nguyễn Hữu, vốn là những bậc hào phú trong vùng, xây nên trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Nhà xây theo kiểu biệt thự thời Pháp gồm 3 gian, 2 chái với 4 hàng cột, mỗi cột cả ôm tay bằng gỗ căm xe. Hoành phi, liễn... được chạm trổ thủ công với hình hoa lá, chim thú và nhiều hoa sen, búp sen lẫn đài sen. Cụm nhà này đều làm từ gỗ quý lâu năm, từ ngoại đến nội thất đều do những nhóm thợ tài hoa ở Huế vào làm ròng rã nhiều năm mới xong.
Đến giờ chỉ duy nhất nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh là còn giữ nguyên vẹn những đường nét chạm trổ nguyên sơ. Và đây cũng là ngôi nhà còn nhiều vật dụng cổ xưa nhất từ đôi bức hoành phi, bộ ngựa, bàn uống nước đến ấm trà, chén cơm... Thế nhưng nó lại bị thời gian tàn phá nhiều nhất.
Bà Trần Thị Ba, vợ ông Nguyễn Hữu Niên (đã mất, là cháu nội ông Hoanh), người duy nhất sống tại ngôi nhà này nay đã gần 80 tuổi vẫn ngày đêm phập phồng bởi nhà có để đổ sập bất cứ lúc nào. Khi chúng tôi đến, cửa chỉ khép hờ, kêu mãi bà Ba không lên tiếng.
Khẽ đẩy nhẹ cánh cửa, một bầy gà kêu quang quác vỗ cánh bay nháo nhào trong nhà. Thì ra chủ nhà đã sử dụng ngôi nhà di tích này để nuôi gà, khắp nơi bề bộn với máng thức ăn, nước uống, nền đất bừa bộn lông gà, phân gà. Mở cửa lùa gà ra ngoài, bà Ba mời khách vào nhà trò chuyện. Bà phân trần: “Nhà mối mọt nhiều quá, tôi nuôi gà vừa cải thiện cuộc sống, vừa cho gà ăn mối, níu kéo ngôi nhà được lúc nào hay lúc đó...”.
Bảo tồn quá muộn
Dẫn chúng tôi đi thăm khắp căn nhà, bà Ba luôn miệng dặn dò: “Mấy chú coi chừng ngói rớt xuống đầu!”. Rồi bà kể, khi mới được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cách đây 5 năm, căn nhà này đã xuống cấp nhưng không tệ đến mức này. Mãi đến năm 2009, Sở VHTTDL tỉnh Long An mới chi hơn 200 triệu đồng dựng khung thép trùm lên ngôi nhà, rồi lợp tôn để... che mưa cho nó. Có lẽ do sợ ngói rơi vào đầu người trong nhà và khách tham quan nên cơ quan chức năng dùng lưới B40 chăng bên dưới kiểu lưới bảo hiểm ở các công trình xây dựng.
Nói về việc bảo tồn căn nhà, bà Ba chùng giọng: “Mình không có tiền, nhà nước cũng không có tiền nên đành ngậm ngùi nhìn công trình mục ruỗng theo thời gian. Cách đây mấy năm, có đoàn cán bộ ở tận Hà Nội vào đây đo vẽ, chụp hình, quay phim. Họ bảo tôi cứ yên tâm chờ, họ sẽ giúp gia đình tôi bảo vệ căn nhà này. Nhưng nay thì căn nhà đã rệu rã không biết sẽ sập khi nào, tôi thì đã quá già yếu để có thể nhìn thấy căn nhà được trùng tu...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tài – Trưởng phòng Xây dựng cơ bản, Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh Long An) cho biết, trong cụm di tích, căn nhà bà Ba đang ở xuống cấp nặng nhất nhưng mấy năm nay chưa có vốn trùng tu. “Chúng tôi đã phối hợp cùng Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung lập dự án trùng tu. Chỉ riêng căn nhà bà Ba đã cần tới 7 tỉ đồng. Hiện vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích đã chi khoảng 3 tỉ đồng và chúng tôi sẽ triển khai làm ngay trong năm nay” – ông Tài nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét