Hữu Hiệp
Ngày 25.9.2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo
Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (sau đây gọi tắt là TCT) do ông Nguyễn Phong Quang,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm tổ trưởng; 2 phó tổ trưởng gồm: Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng
Huy Đông và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi. Các thành viên tham gia
TCT là lãnh đạo các bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, VHTTDL
và Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
hiepcantho |
TCT có nhiệm vụ nghiên cứu các mô
hình phát triển đảo trong và ngoài nước, đề xuất chủ trương, cơ chế, chính sách
ưu tiên thúc đẩy phát triển đảo Phú Quốc. TCT tăng cường phối hợp với các bộ,
ngành và tỉnh Kiên Giang rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chủ
trương, cơ chế, chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước về phát triển đảo Phú
Quốc và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế đầu tư
phát triển đảo.
Phú Quốc được xem là đảo ngọc, một
“Singapore của Việt Nam”. Tuy nhiên, thời gian qua huyện đảo này chưa phát
triển tương ứng với tiềm năng, lợi thế, cần tập trung dồn sức đầu tư, tạo động
lực thúc đẩy bằng các cơ chế, chính sách đặc thù. Khu kinh tế đảo Phú Quốc và
cụm đảo Nam An Thới cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ xác định là 1 trong 5 khu
kinh tế biển của cả nước được ưu tiên tập trung đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách
nhà nước đến năm 2015 với tổng mức vốn bố trí tối thiểu là 65% tổng nguồn hỗ
trợ trong kế hoạch hàng năm và 3 năm, giai đoạn 2013 - 2015.
Ngay trong ngày 25.9 vừa qua, Tổ
trưởng TCT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và bộ phận giúp việc để
chuẩn bị triển khai quyết định thành lập, qui chế hoạt động, kế hoạch công tác
đến cuối năm 2012 và năm 2013. TCT xác định 4 lĩnh vực bức xúc cần tập trung rà
soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát
triển Phú Quốc là: (1) Quy hoạch, cơ sở hạ tầng; (2) Cơ chế tài chính, vốn đầu
tư; (3) Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ; (4) Thể chế, mô hình tổ chức, bộ
máy. Sau khi tham vấn ý kiến nhà đầu tư, các chuyên gia, góp ý của của các bộ,
ngành trung ương và địa phương tại hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định
178/2004/QĐ-TTg, dự kiến diễn ra vào dịp khánh thành sân bay quốc tế Phú Quốc
cuối năm 2012, các kết quả nghiên cứu sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành.
Theo lộ trình hướng đến một Phú Quốc
“đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc trung ương” vào năm 2020, một vấn đề
lớn cũng đang đặt ra là cần một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về phát
triển đảo Phú Quốc đến năm 2020 để khẳng định quyết tâm chính trị, tập trung
mọi nguồn lực biến Phú Quốc thành đảo ngọc thực sự.
Nhận xét
Đăng nhận xét