Chuyển đến nội dung chính

Khi đàn bà miền Tây… nhậu


Báo Lao Động, thứ năm 13/09/2012 06:00

Chiếc ly “xây chừng” được chuyền tay nhau, chị Ba giữ phần cầm cái, rót rượu. Chị và các nữ “chiến hữu” uống sòng phẳng với đàn ông chúng tôi, không bỏ sót vòng nào.
Khi đàn bà miền Tây… nhậu
Cảnh nhậu của phụ nữ miền Tây.
Vừa nhậu, chị Ba vừa cười, nói: “Nam nữ bình đẳng, mấy em tới đâu, mấy chị tới đó”. Ban đầu uống 2 người 1 ly, nhưng sau 3 vòng đầu, tôi… sợ toát mồ hôi khi nghe chị Ba tuyên bố: “Đến vòng tăng tốc, mỗi người 1 ly, chị uống trước”...

Cuộc nhậu nhớ đời ở Cà Mau

Nghe đồn phụ nữ Cà Mau nhậu có tiếng, nên trong một chuyến công tác về đó, khi  mấy đồng nghiệp rủ đi “so ly” với mấy chị em phụ nữ, tôi hào hứng nhận lời ngay. Chừng 11 giờ trưa, chúng tôi đã có mặt ở nhà anh Ba, một cán bộ huyện C.

Vừa thấy khách, anh Ba đã cười khà: “Nghe tụi bây xuống chơi, tao kêu chị Ba mày làm mồi bén đãi khách”. Không phải đợi lâu, chị Ba dọn lên đĩa vịt xiêm luộc chấm nước mắm gừng và thau tôm nướng đỏ au. Chị Ba xách ra can rượu đế 10 lít, tuyên bố: “Đây là tăng 1, tăng 2 tới bia”. Tôi nhẩm tính: Chỉ có 4 người chúng tôi, cộng với vợ chồng anh chị là 6, làm sao “cõng” nổi 10 lít rượu. Vừa dứt đã thấy chị Ba móc điện thoại alô, chưa đầy 5 phút sau 4 chị “chiến hữu” của chị Ba có mặt, ngồi vào bàn tiệc.

Chiếc ly “xây chừng” chạy quanh bàn nhậu, chị Ba làm “chủ xị”... Đến khi can rượu vơi hết phân nửa, chị Ba tuyên bố: “Bây giờ tăng tốc, chị uống sao mấy em uống vậy”. Nói xong, chị Ba rót liền 3 ly rượu, lần lượt uống hết từng ly, rồi rót rượu cho từng người. Vòng 3 ly đầu, tôi gắng gượng cầm cự, nhưng đến vòng thứ hai, vừa nốc xong, tôi vội vàng chạy ra hè “cho chó ăn chè”, trong khi chị Ba và các “chiến hữu” ngồi cười ha hả. Anh Ba chủ nhà cũng chỉ khá hơn tôi một chút, chứ không cầm cự nổi với vợ và bạn vợ.

Khi đã ngà say, anh Ba ôm tôi tâm sự: “Mỗi tháng không dưới 20 ngày bà con, lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, ăn mừng... Anh đi không xuể, chị Ba mấy em phải đi thế, bả nhậu riết rồi lên đô”. Chiều hôm đó, tôi “quắc cần câu” nằm trên võng, còn nghe chị Ba và các “chiến hữu” vừa thu dọn “chiến trường” vừa rủ nhau đi uống bia, hát karaoke...

Hôm sau trên đường về TP.Cà Mau, anh bạn tôi điện thoại cho ai đó rồi cười nói: “Ghé xã Lương Thế Trân nhậu tiếp, có một nhóm nữ trẻ hơn đang sẵn sàng tiếp tụi mình”. Nhớ tới trận nhậu kinh hoàng hôm qua, tôi nổi da gà, nhưng vì tò mò, tôi gắng gượng đồng ý. Chúng tôi ghé vào một căn nhà lá nằm giữa các ao nuôi tôm. Trên bộ ván, 4 phụ nữ tuổi khoảng 30 - 40 đang ngồi “lai rai” chờ khách, trước mặt là mâm bánh xèo nhân tôm và một can rượu đế 10 lít đã vơi một phần ba. “Vào cửa bửa 1 ly”, “ngồi xuống uống 1 ly”, “cầm đũa dủa 1 ly”, tôi tá hỏa với 3 ly rượu “chào sân” theo đúng quy định của chủ nhà.

 Chiếc ly không xoay vòng như trận nhậu hôm qua, ở đây mấy chị nhậu theo kiểu chia phe: 4 phụ nữ ngồi đối diện với 4 đàn ông chúng tôi, ly rượu chuyền qua lại liên tục giữa hai phe. Đến khi chị Năm chủ nhà quyết định tăng tốc lên 2 ly một lượt, tôi muốn hoa mắt, nhìn thấy phe bên kia có đến... 8 người. Chỉ thêm 1 vòng nữa, tôi giơ tay đầu hàng, xin ra võng nằm, sau lưng là tiếng “trăm phần trăm” của mấy chị.

Mua chuột về làm mồi nhậu - chuyện không phải hiếm của phụ nữ miền Tây.

Làm cán bộ phải biết nhậu!

“Không phân biệt nam nữ, làm cán bộ ở miền Tây mà không biết nhậu thì không phải là... cán bộ” - cô bạn tôi hiện đang làm Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh X nói xanh rờn. Bạn và tôi thân nhau từ hồi học trung học, sau này mỗi người một nơi, nhưng hình ảnh người con gái dịu dàng, có phần nhút nhát ngày nào vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Cho tới một ngày, tình cờ cùng có mặt trong tiệc nhậu, tôi không tin vào mắt mình khi thấy bạn liên tục nốc cạn những ly rượu đầy mà mặt không hề biến sắc. “Không uống không được bạn à” -  cô ấy giải thích - “Ban đầu mình “né” dữ lắm, nhưng cuối cùng cũng phải nhậu”.

Rồi bạn kể cho tôi nghe có những cuộc làm việc cả ngày, nhưng cuối cùng chỉ được “gút lại” ở bàn nhậu. “Tửu lượng mình không cao như bạn thấy đâu. Phụ nữ tụi này khi nhậu phải biết “ăn gian” mới cầm cự nổi” - bạn tâm sự. Rồi bạn kể những màn “ăn gian” trong tiệc nhậu mà cánh cán bộ nữ dày công “nghiên cứu”, truyền tai nhau áp dụng: Trà trộn nước lã vào ly rượu trắng; cho nước trà vào ly rượu Tây; nhả rượu vào ly trà đá hoặc ra khăn tay; đổ rượu xuống gầm bàn... “Khi bị “đối phương” để ý, không “ăn gian” được, buộc phải uống, thì phương cách cuối cùng là vào nhà vệ sinh móc cổ ói cho rượu bia ra hết, rồi nhậu tiếp. Ban đầu rất khó chịu, nhưng dần cũng quen” -  bạn thú nhận.

Sau lần nghe cô bạn cũ tâm sự về chuyện nhậu, mỗi lần dự tiệc nhậu có phụ nữ tôi đều kín đáo quan sát, đúng như bạn tôi nói, các chị em đều khéo léo “ăn gian”. Họ đi nhậu phần nhiều vì “lễ nghĩa”, muốn cho công chuyện được thuận lợi, cho vừa lòng mọi người, chứ thực ra ít có người thấy “đã”. Tôi chợt thấy “thương” họ, họ trở thành nạn nhân của một thói quen hình thành đã lâu, ai cũng thấy không nên, nhưng không ai muốn sửa và dám sửa!

Tối trước, tôi đến rủ người bạn vốn sành sỏi trong chuyện ăn nhậu đi uống vài chai. Cửa vừa mở đã thấy bạn cười méo xệch miệng: “Tao phải giữ con cho đứa em gái, bữa nay nó đi nhậu tới tối”. Em gái của bạn là cán bộ cấp sở ở tỉnh Tiền Giang, hôm nay đi tiếp khách, nhờ anh trai rước và giữ đứa con học lớp 1, vì chồng cô công tác vắng nhà. Anh bạn cho biết, mấy cô bây giờ đi nhậu cũng “tăng 2, tăng 3”, sau rượu rồi tới bia, kết thúc bằng chầu karaoke, có bữa 9 giờ tối cô em mới ghé nhà anh rước con. “Phải thông cảm cho nó thôi, đi nhậu cũng là “công tác”, giữ con cho nó cũng như giúp nó công tác tốt”.

Những hệ lụy của đàn bà nhậu

“Một người chồng hư, chỉ hư người chồng. Một người vợ hư, hư cả gia đình”. Điều đó cũng đúng trong chuyện nhậu, khi người phụ nữ vốn là linh hồn của gia đình sa đà vào chuyện nhậu, hậu quả sẽ nặng hơn người chồng “nát rượu”. Tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), người ta vẫn còn nhắc chuyện một phụ nữ đã đánh mất tất cả vào những trận nhậu nổ trời. Người phụ nữ này cũng thuộc loại sắc nước hương trời, có mái ấm gia đình, trước đây chẳng hề biết đến rượu bia. Nhưng về sau do quan hệ làm ăn, chị trở thành “cao thủ” nhậu lúc nào không hay, một mình có thể “cõng” cả chai Chivas loại 70cl, còn bia thì phải hơn nửa thùng.

Từ khi biết mùi bia rượu, ngày nào chị cũng có “độ”, nhiều khi một ngày “đánh” 2 - 3 trận. Người chồng không thể nào chấp nhận một người vợ hết say rồi xỉn, nên lẳng lặng chia tay, đứa con gái cũng đi theo cha vì không chịu nổi người mẹ lúc nào cũng nồng nặc mùi bia rượu, về tới nhà là lăn ra ngủ như chết. Chồng con bỏ rơi, chị càng nhậu bạo hơn và cặp bồ với một bạn nhậu. Nhưng sau một thời gian, anh chồng hờ cũng lẳng lặng chia tay với nữ đệ tử lưu linh thứ thiệt.

Mới đây, gặp lại đồng nghiệp ở Cà Mau, tôi hỏi thăm vợ chồng anh Ba và các chị ở huyện C ngày trước, anh bạn cho biết chị Ba bị bệnh xơ gan rất nặng, nhóm nhậu của chị cũng tan rã. Tôi thầm nghĩ, nhậu như các chị mà không bệnh mới là lạ. Cô bạn phó giám đốc sở của tôi chưa thấy bệnh gì, nhưng những tiệc nhậu triền miên đã làm cho vóc dáng “tơ liễu” ngày nào giờ trở nên quá khổ.

Cô em gái của bạn tôi cũng vậy, trong nhà có đủ các loại máy chạy bộ, máy đánh tan mỡ bụng, nhưng mỡ cứ tích tụ quanh người theo năm tháng. Hay chuyện bà Thúy Liễu đốt chết chồng là nhà báo mới đây vẫn còn gây đau xót nhiều người. Bà Liễu cũng từng là tay nhậu có hạng trong giới nữ ở TP.Tân An. Bà có một nhóm bạn nữ khoảng 4 – 5 người, thỉnh thoảng tổ chức “chén thù chén tạc”. Từ nhậu nhẹt, tới cờ bạc, rồi thảm họa, chỉ là những bước ngắn!

Nhưng nhậu đến mức để lại hậu quả như 2 cặp vợ chồng ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang thì đúng là “độc nhất vô nhị”. Chuyện của họ luôn là đề tài đàm tiếu ở các tiệc nhậu vùng rừng U Minh heo hút này. Họ là hàng xóm của nhau, thường xuyên ăn nhậu “đồng vợ đồng chồng”. Một tối, 2 cặp vợ chồng cùng ngồi nhậu hết 5 lít rượu. Rượu vào lời ra, một người chồng đề nghị “đổi vợ”. Anh chồng kia đồng ý. Hai cô vợ ban đầu phản đối, nhưng đến lúc say mèm thì “chơi luôn”.

Đến sáng tỉnh rượu, mọi chuyện đã rồi! Một trong 2 người lẳng lặng dắt cô vợ mới (đổi) ra đi sau khi để lại 1 cây vàng và mấy dòng cho người hàng xóm: “Cây vàng này tui bù lỗ cho chú vì vợ chú trẻ hơn vợ tui”.

Say rượu đâm chết bố chồng

Chiều 9.9.2012, ông Trần Văn Kịp (45 tuổi, ngụ ấp Bà Chăng, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) ngồi nhâm nhi ly trà nóng sau 1 ngày lao động mệt nhọc. Phút thư dãn của ông bất ngờ bị phá tan khi cô con dâu 24 tuổi là Quách Hoài Thương đi nhậu ở đâu đó về say mèm, bị bà nội chồng rầy la, Thương còn hỗn hào cãi lại.

Không chịu được, ông Kịp mắng cô con dâu quá đáng, liền bị Thương cãi lại, suýt chút nữa ông bạt tai con dâu, may mà mọi người kịp can ngăn. Nằm bức bối không ngủ được, ông Kịp lại la mắng con dâu, dẫn đến xô xát giữa hai cha con. Bất ngờ, Thương chụp lấy con dao đâm 2 nhát chí tử, làm ông Kịp tử vong. 
Kỳ Quan – Anh Hùng 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...