Ước mơ (Ảnh: Nguyễn Phương Mỹ) |
Hơn 2,8 triệu học sinh phổ thông và hàng trăm ngàn sinh viên (SV) cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trong vùng ĐBSCL bước vào năm học mới 2012-2013. Trong khi đó, còn nhiều trường trung cấp (TC) chuyên nghiệp, TC nghề, CĐ và ĐH dân lập “top dưới”, không tổ chức thi tuyển vẫn đang hồi hộp chờ đợi nhóm thí sinh “trên sàn, dưới chuẩn” tiếp tục đăng ký để xét tuyển cho đủ chỉ tiêu. Đáng lo ngại hơn, do qui chế tuyển sinh mới cho phép các em được nộp hồ sơ ở nhiều trường, tạo ra một lượng “hồ sơ ảo”, nên cuộc đua đến ngày nhập học ở các trường này càng khó khăn hơn.
Không thể phủ nhận, giáo dục-đào tạo (GDĐT) và dạy nghề ở ĐBSCL thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, ĐT nguồn nhân lực. Song, trong ngành vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết căn cơ; trong đó đáng lo ngại là chất lượng đào tạo CĐ, ĐH, dạy nghề, nhất là các hệ ĐT ngoài chính qui không đáp ứng yêu cầu; nhiều nơi ngán ngại tuyển dụng người học tại chức, liên thông.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu năng động của các trường, cơ sở GD, ĐT. Nhiều trường chỉ lo tuyển cho đủ chỉ tiêu hoặc xin thêm chỉ tiêu ngoài chính qui để “tạo nguồn thu”, nhưng lại ít chú ý chất lượng đầu ra. Nhiều SV tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cơ quan, doanh nghiệp và địa phương. Nhiều trường thiếu gắn kết nhu cầu của xã hội mà biểu hiện rõ nhất là chưa tiếp cận được chiến lược nguồn nhân lực của vùng, địa phương và thiếu “thông tin thị trường sử dụng lao động”. Dù hàng năm, các trường có tổ chức các đợt tư vấn tuyển sinh, nhưng chủ yếu cung cấp thông tin đầu vào; việc tiếp thị, quảng bá ngành học của các trường, cơ sở đào tạo chưa được quan tâm. Một doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với chu kỳ vài tuần, vài tháng hay một năm đều dựa trên kết quả khảo sát thị trường, nắm thị phần để cạnh tranh. SV ĐH, CĐ là “sản phẩm đào tạo” chất lượng cao, mà “chu kỳ” kéo dài từ 3-6 năm, không lý do gì lại thiếu một chiến lược tương tự để đáp ứng tốt nhu cầu xã hội tương xứng. Đặc biệt, các trường phải tăng cường gắn kết sau ĐT, phải nắm được có bao nhiều SV đã ra trường, đang làm gì, ở đâu để điều chỉnh qui mô, ngành học cho phù hợp.
Các trường, cơ sở đào tạo cần khảo sát thị trường lao động một cách nghiêm túc, có chiến lược quảng bá, tiếp thị một cách khoa học, thiết thực. Tiếp thị GDĐT, tại sao không?
Nhận xét
Đăng nhận xét