TRẦN HỮU HIỆP
Chuyện nông dân (ND) Nguyễn Văn Hồng ở xã Mỹ Đức (Châu Phú, An Giang) vừa chế tạo thành công máy hốt lúa 15 tấn/giờ, làm việc hiệu quả bằng 30 lao động, một lần nữa không chỉ chứng minh sức sáng tạo đáng khâm phục của ND miền Tây Nam Bộ, mà còn gợi nhiều suy ngẫm về nhiều đề tài “nghiên cứu khoa học” (NCKH) tiêu tốn nhiều ngân sách (NS) hằng năm được “sản xuất” ra rồi xếp xó.
Dù còn nhiều khó khăn, việc chi cho khoa học công nghệ (KHCN) của các địa phương vẫn đảm bảo mức 2% tổng chi NS hằng năm, nhưng hiệu quả sử dụng thấp. Trong lúc kinh phí NCKH ở nhiều địa phương xài không hết, tồn đọng hàng tỉ đồng/năm, thì những “Hai Lúa” mê NC, thích sáng tạo lại khó tiếp cận nguồn vốn này. Không ít “công trình KH” lấm bùn của ND miền Tây đã cho ra đời các sản phẩm hữu dụng như máy hút bùn, máy bắt rầy, máy tạo nhiệt từ năng lượng mặt trời, từ các phế phẩm nông nghiệp hay chiếc máy hốt lúa của anh Hồng ở An Giang đã biến sức 3 người bằng 30 người ... phục vụ thiết thực đời sống và sản xuất của người dân.
Thời gian qua, hoạt động KHCN vùng ĐBSCL đã có nhiều đóng góp tích cực đối với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản (cá tra, tôm), trái cây. Song, còn nhiều vấn đề đặt ra cho “quốc sách hàng đầu” này. Tại buổi đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và VTV gần đây, vị “tư lệnh ngành” cũng thừa nhận, việc sử dụng kinh phí KHCN chưa đạt hiệu quả, còn nhiều địa phương, bộ - ngành sử dụng “tiền quốc sách” này để... xây trụ sở, làm đường sá...
Thời gian tới cần phải đổi mới cơ chế điều hành, quản lý, sử dụng kinh phí NCKH theo tiêu chí hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Ngành, địa phương, đơn vị nào làm tốt cần được đầu tư nhiều hơn, nơi nào làm không tốt sẽ bị cắt giảm. Cùng với hoàn thiện cơ chế đấu thầu, cũng cần áp dụng cơ chế đặt hàng NCKH. Người “nắm tiền” chủ động đặt hàng nhà khoa học, doanh nghiệp và ND sáng tạo, chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả và đưa kết quả vào sản xuất kinh doanh. Một cơ chế “rót tiền theo đầu việc, không theo đầu người” chính là “bà đỡ” cho nhiều sáng kiến ND hiệu quả, thiết thực trong tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét