(DĐDN) Với các loại hình du lịch độc đáo và khác biệt so với các vùng, miền của cả nước như: Du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, biển đảo, du lịch tín ngưỡng và du lịch văn hóa..., nữ phóng viên Brienne Walsh của tờ New York Times - Hoa Kỳ đã phải thốt lên khi đến với ĐBSCL: “Tôi bị chinh phục bởi vẻ đẹp yên bình với những cảnh quan kỳ thú, sự kết hợp hài hòa và tinh hoa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng với tính cách con người đất Phương Nam...”.
Một góc chợ nổi miền Tây
ĐBSCL hiện có 19 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao trong tổng số 900 cơ sở lưu trú, với 17.000 phòng, có khả năng đón tiếp khoảng 6,2 triệu lượt khách mỗi năm. Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2012, ngành du lịch vùng ĐBSCL đã đón tiếp gần 11 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng, trong đó có gần một triệu lượt khách quốc tế, tăng 13,18%, doanh thu đạt trên 2.200 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Nỗ lực liên kết
Để thu hút khách du lịch, từ năm 2010, cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) đã phối hợp với các sở Văn Hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng "lợi thế dùng chung” qua việc xúc tiến bình chọn các sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi địa phương để từ đó hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa. Từ đó xây dựng thành các cụm như cụm trung tâm gồm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm là du lịch tham quan sông nước, thương mại, lễ hội và nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm thứ hai là bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng với sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của tổ quốc, gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch lễ hội. Tiếp đó là cụm duyên hải gồm : Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh với sản phẩm chủ đạo là du lịch miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề truyền thống gắn với tham quan di tích lịch sử và cuối cùng là cụm Đồng Tháp Mười gồm Long An - Đồng Tháp với sản phẩm là du lịch sinh thái rừng đặc dụng ngập nước nội địa.
Lonely Planet - tạp chí du lịch uy tín nhất thế giới đã bình chọn ĐBSCL là 1 trong 10 điểm đến giá trị nhất trong năm 2012.
|
Việc hình thành các cụm này nhằm giúp cho ngành du lịch và các Cty lữ hành xây dựng từng chủ đề, các chương trình tour ngắn ngày, dài ngày phù hợp với nhu cầu và thời gian của du khách nhưng vẫn tạo cho du khách một tour du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với ĐBSCL nhiều hơn.
“Một điểm đến bốn địa phương”
Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du lịch phê duyệt đã xác định mục tiêu đưa vùng ĐBSCL trở thành điểm đến tham quan du lịch sôi động và hấp dẫn. Đồng thời, từ các sản phẩm đặc thù sẽ hợp tác, kết nối nội vùng, liên vùng, liên quốc gia và quốc tế gắn với dòng sông MêKông.
Trước mắt, ngành du lịch trong vùng thống nhất và hoàn thiện việc xây dựng sản phẩm “ĐBSCL – một điểm đến bốn địa phương”. Và để chuẩn bị cho việc công bố và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch này, các địa phương cũng đã thống nhất lựa chọn các đơn vị tư vấn xây dựng các ấn phẩm để xúc tiến quảng bá cho sản phẩm du lịch với kinh phí dự kiến khoảng 200 triệu đồng do các địa phương trong vùng cùng tham gia đóng góp. Trong đó, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang làm đầu mối thực hiện quay video clip dài từ 10 – 15 phút và ấn phẩm du lịch để giới thiệu khái quát về sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh Kiên Giang, An Giang, TP Cần Thơ, Cà Mau và Bạc Liêu, sử dụng hai ngôn ngữ Việt – Anh.
Theo MDTA, dự kiến thời gian công bố sản phẩm du lịch “ĐBSCL - Một điểm đến bốn địa phương” vào ngày 7/9/2012 tại tỉnh Kiên Giang trong dịp tổ chức hội nghị tổng kết vai trò cụm trưởng điều phối chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL năm 2011. Sau đó sẽ tổ chức đoàn Famtrip dành cho 30 đại biểu gồm các phóng viên báo đài địa phương và trung ương đi thực tế tại các tuyến, điểm du lịch nhằm tuyên truyền và quảng bá sản phẩm đến với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ:
Liên kết là chìa khóa
Do các địa phương trong vùng nhận thức được mối liên kết sẽ là chìa khóa để phát triển ngành du lịch, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp cùng với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) nỗ lực tạo mối liên kết giữa các địa phương trong vùng với nhau, cũng như tạo được tiếng nói chung qua các hoạt động như Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm cùng với nhiều hoạt động và chủ đề phát triển du lịch vùng, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo và trùng lắp. Hiện TP HCM là đối tác quan trọng trong chương trình hợp tác, phát triển du lịch với ĐBSCL.
Ông Phạm Phước Như - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA):
Giao thông là đòn bẩy
Việc phát triển của hệ thống giao thông thủy, bộ và đường hàng không, đã tạo điều kiện thuận lợi để du lịch ĐBSCL chuyển mình. Hy vọng con số du khách sẽ tăng vọt trong tương lai gần, khi các chuyến bay Đà Nẵng – Cần Thơ; Cần Thơ – Côn Đảo; Cần Thơ – Liên Khương và Cần Thơ đi quốc tế được hình thành.
|
Quốc Chánh (Báo DĐDN)
Nhận xét
Đăng nhận xét