Chuyển đến nội dung chính

Giọng Miền Tây

Trần Hiệp Thủy
Bài trên báo LAO ĐỘNG ngày 8-9-2011 (Click vào)


Nước ta trải dài hơn 2.000km, qua nhiều vùng miền khác nhau, phong thổ, tập quán sinh hoạt khác nhau, giọng nói và từ ngữ giao tiếp hàng ngày mỗi vùng, miền cũng khác nên mới có giọng Hà Nội, giọng Nghệ, giọng Huế, giọng Quảng, giọng miền Nam mà Sài Gòn là đặc trưng. Cùng là chất giọng miền Nam, không khác mấy Sài Gòn, nhưng nghe dân Miền Tây chính gốc phát âm là nhận ra ngay quê tôi: "con cá gô bỏ dzô gổ kêu gột gẹc".

Có người nói, giọng miền Tây“rặt” nghe dân dã, bình dị và dễ thương lắm. Bạn bè tôi dân miền Trung, miển Bắc, những năm tháng sinh viên “choảng” nhau vì “nhạy giọng” (chửi cha không bằng pha tiếng mà!), nhưng xa nhau mấy mươi năm vẫn nhắc hoài cái chất giọng chân chất, khó quên - giọng miền Tây! Nhiều người miền Tây xa quê mấy mươi năm, hàng ngày nói tiếng Tây, tiếng Tàu hay đã pha tạp chất giọng của các vùng miền khác, nhưng chỉ cần đôi ba tuần sống hòa mình với chốn xưa, lại trở về cái chất giọng của cố hương.
Cùng là dân miền Tây, nhưng người Bến Tre, lại nói âm giọng “Bến Te”; cùng là người Cần Thơ, nhưng miệt Thốt Nốt lại nói “ăn cơm dzồi”. Đặc biệt, miền Tây có nhiều từ ngữ “đặc sản” chỉ vùng này mới có. Sự giao thoa ngôn ngữ Việt - Hoa - Khmer như món lẩu mắm của xứ này (cái lẩu – tiếng Hoa, món mắm – người Kinh, Khmer đều quen dùng).

Người miền Tây hay nói “xấu quắc” để diễn tả rất xấu, xấu lắm. Hay để biểu thị sự giống nhau, thường nói “y hệt”, “y chang”. Bạn bè thân nhau, gọi là “ní” (nị, ngộ) – đều có gốc từ tiếng Hoa. Nhưng cũng có nhiều từ là sự giao thoa ngôn ngữ  Việt – Khmer: Gặp một em gái miền Tây đi đâu một mình, hỏi: “Em đi với ai?”, trả lời: “Dạ, em đi mình ên”. Thì ra trong tiếng Khmer, “êng” có nghĩa là “một mình”. Ca sĩ, nhạc sĩ Đình Văn có bài hát rất hay “Buồn mình ên".

Qua ngõ nhà em, thương lắm rồi mà làm bộ dửng dưng (một chút làm cao), không rẽ vào nhà mà đi qua luôn, gọi là “đi huốt”cũng có gốc từ tiếng Khmer. Dân miền Tây hào hiệp, phóng khoáng, sống luôn mở rộng lòng mình (chơi thì xả láng, sáng về sớm), nên không câu nệ khi dung nạp từ ngữ của người khác, há gì những cộng đồng người từng gắn bó với mình từ thuở khai hoang, mở đất, rồi sống chết giữ gìn từng mảnh ruộng, bờ mương qua bao cuộc chiến tranh. 
Dân Miền Tây nói "hun nhau" thay cho từ "hôn" - cách biểu lộ tình cảm bằng hành động môi, mũi, miệng ... Có người còn "lột tả" "Cái hun" Nam Bộ, mà Miền Tây là đại diện: "Trong hàng ngàn năm lịch sử ca dao dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ thì cái hôn là từ đại kỵ, không được phép hiện diện trong lời ca câu hát huê tình. Cùng lắm thì chỉ nói rất nhẹ nhàng: "Còn đêm nay nữa mai về/ Ngàn vàng chẳng tiếc, tiếc kề môi son". Người Miền Tây, thích hun thì bảo rằng hun, nói huỵt toẹt ra cho rồi. Nghe con trai Miền Tây tỏ tình nè: "Trâm vàng giắt chặt tua rung/Em day mặt lại anh hun đỡ lòng", hay: "Dao vàng tra cán gỗ mun/Thương em bất tử muốn hun bây giờ"/"Thấy em gò má hồng hồng/Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun". Cô con gái cũng đáo để với ngôn từ: "Xung quanh cô bác giáp vòng/Anh muốn hun về chốn loan phòng sẽ hun". Đang cấy dưới ruộng, mình mẩy đầy bùn sình, trả lời anh con trai bằng câu hỏi cắc cớ: "Hai tay em cắm xuống bùn/Cả mình lấm hết, anh hun chỗ nào?". Anh con trai cũng không nản: "Cầu trời đổ trận mưa rào/Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!". Chỉ có cái "hun" thôi cũng thành "đặc sản" miền này. Trong ngôn ngữ "Lục Tỉnh" xưa còn nhiều từ "cổ" mà bi giờ chỉ có những cụ tầm ngoài sáu mươi mới dùng như "qua" (tôi), "bậu" (anh, em, ... ngôi thứ hai số ít - Ví dầu tình bậu muốn xa/Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu xa). Những từ ngữ tương tự phần nhiều đọc thấy trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.

Người miền Nam nói chung và dân miền Tây nói riêng không dùng lẫn lộn các từ “đắc” và “mắc”, “vay” và “mượn”. Bán “mắc” là bán hàng giá cao hơn giá trị thực, còn bán “đắc” là đông khách hàng đến mua. Anh em giúp đỡ nhau chút ít tiền gọi là “cho mượn”, không bao giờ nói là “cho vay” – có tính lãi (do dân miền Tây sớm hội nhập với kinh tế thị trường, quá rành các nguyên tắc giao dịch trong luật dân sự chăng?). Người Miền Tây phân biệt rõ ngữ nghĩa của từ "thóc" và "lúa". Thóc trong tiếng Miền Nam là phần lẩn lộn trong gạo, cần phải được nhặt ra để có nồi cơm ngon, chứ không đồng nghĩa với lúa. Nhớ có lần, một cô biên tập viên tờ báo có tiếng tăm là người gốc Bắc đã sửa tựa đề bài báo của tôi từ HẠT GẠO CẮN LÀM TÁM, thành HẠT THÓC CẮN LÀM TÁM. Báo ra sạp, đọc bài, mất vui mấy ngày.
Nếu để ý, người miền Tây có cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba trong tiếng Việt rất đơn giản (không cần thêm từ) mà dễ hiểu; thí dụ như để chỉ anh ấy, chị ấy, ông ấy, em ấy, bà ấy,họ nói ảnh, chỉ, ổng, ẻm, bả – gọn thế là xong.




Tiếng miền Tây chân chất, đơn giản, cũng dễ hiểu, dễ nói, nhưng khó viết một chút; nếu phiên âm nguyên xi thì sai lỗi chính tả. Người Việt do đặc điểm tiếng nói và tư duy ngôn ngữ khác (ngôn ngữ đơn âm tiết, nói chuyện uốn lưỡi bảy lần) nên nói chung học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga – thuộc ngôn ngữ đa âm) rất cực. Ngoại ngữ là một trong những yêu cầu rèn luyện của mọi người, nhất là giới trẻ, doanh nhân. Nhưng giới trẻ ngày nay hội nhập vào nhiều nền văn hoá, học nhiều, biết nhiều ngôn ngữ quốc tế (nhất là tiếng Anh, tiếng Hàn), đã cung cấp thêm vốn từ “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ nghe cũng vui  tai nhưng thấy kỳ kỳ.
Nhiều người báo động sự phong phú, giàu đẹp và trong sáng của tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ “xâm lăng” của ngôn ngữ ngoại lai. Giọng nói, từ ngữ vùng, miền cũng không nằm ngoài nguy cơ đó.

Nhận xét

  1. Cái này tui học gồi nè.
    hồi ở chường đại học á.
    môn dẫn lựng ngôn ngử hay ngôn ngử đại cương gì đó thì phải..
    (kekeke.. lâu quá nên hỏng có nhớ gõ.)

    bài diết hay lắm anh ấy ơi.
    dữ dìn sự chong sáng của tiếng Diệt cũng dống như dữ dìn nét đẹp Dăn quá đặc chưng của người Diệt dậy.
    "Chiện Kiều còn, chữ ta còn, nước ta còn" mà hen?!
    hy dọng sau những bài diết thế này, tiếng của dân miền tây tui ko những ko bị chê la lúa, sến, nhà quê một cục... mà sẽ được ghi nhận dà chân chọng chong cộng đồng các dân tộc Diệt Nam.
    Wất Wy.
    (Thật ra là Quốc Huy... kekeke).

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...