Báo Văn Hóa Việt Nam
Nhờ chủ động liên kết nên chương trình bình ổn giá tại TP.HCM đã có hiệu quả |
Vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng cao thì đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng găm hàng, đầu cơ trục lợi. Thực tế việc găm hàng tạo ra nhiều đợt khan hàng giả tạo gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.
Do đó, năm 2002 lần đầu tiên TP.HCM triển khai chương trình bình ổn giá, đến nay sau 12 năm thực hiện đã có 48 doanh nghiệp tham gia chương trình, lượng hàng hóa năm sau tăng hơn năm trước từ 20 – 50% và đặc biệt đến nay đã có gần 3.000 điểm bán hàng bình ổn giá trên toàn thành phố. Thực tế chương trình bình ổn giá đã có những tác động tích cực trong việc dẫn dắt mặt bằng giá để từ đó tạo nên tính ổn định ở các địa phương khác.
Nói về tính ưu việt của chương trình, thạc sĩ Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng: Thành công của chương trình là đã làm hạn chế và dần phá sản tình trạng găm hàng, đầu cơ tạo nên hiện tượng tăng giá “ảo”.
Đặc biệt là việc chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu góp phần bình ổn thị trường thời điểm nhạy cảm trước, trong và sau Tết. Ngoài ra chương trình còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt.
Từ những thành công nhất định đó, vấn đề đặt ra đó là làm sao phát huy hơn nữa tính hiệu quả, ổn định của chương trình bình ổn giá.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, bình ổn giá ngay từ nguồn cung ứng hàng hóa là giải pháp căn cơ và bền vững. Song để làm được điều này đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ nơi cung ứng sản xuất với nơi tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa hai bên.
Đại diện doanh nghiệp nhiều năm tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá, ông Văn Đức Mười, Tổng GĐ Công ty Visan nói, chỉ có thực hiện biện pháp liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu và thực hiện quản lý theo chuỗi cung cấp mới quản lý được chất lượng và tạo ra sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Đồng thời đây cũng là biện pháp để loại trừ sự biến động cung, cầu giá cả.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Hữu Hiệp, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, TP.HCM và ĐBSCL một bên là thị trường tiêu thụ sản phẩm một bên là nơi cung ứng sản phẩm, do đó việc tăng cường liên kết giữa hai vùng nói trên có thể xem là cơ sở, là giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường. Bởi thực chất bình ổn giá là biện pháp tác động lên mối quan hệ giữa cung và cầu nhằm điều tiết thị trường, do đó việc liên kết cần phải được tổ chức theo cơ chế, mô hình hiệu quả.
Về phía Sở Công thương TP.HCM, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở nhấn mạnh: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải đảm bảo nguyên tắc khi thị trường có tăng giá đột biến, doanh nghiệp phải can thiệp bằng cách đưa hàng hóa ra thị trường để bình ổn. Do đó để bảo đảm nguồn cung hàng hóa ổn định, TP.HCM luôn xác định tính kiên kết bền vững, căn cơ với các vùng kinh tế, vùng nguyên liệu phụ cận như ĐBSCL, các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên…
Bên cạnh đó, chương trình bình ổn giá TP còn chủ động liên kết với các đơn vị phân phối hàng hóa nhằm triển khai sâu, rộng mạng lưới bán hàng để đưa hàng hóa của chương trình bình ổn ngày càng đến gần hơn với người dân.
Tân Phong
Nhận xét
Đăng nhận xét