Trần Hữu Hiệp
Một kỳ họp Quốc hội “sôi động chuyện đại sự và đời
thường” khép lại. “Cuộc sống đang rất bức xúc” là câu của TS. Trần Du Lịch
dùng khi đề nghị Luật Thuế thu nhập
cá nhân nên có hiệu lực ngay từ 1.1.2013, thay vì 1.7.2013 như đề xuất của
Chính phủ. Người dân cảm nhận được, không chỉ có vị đại biểu Quốc hội này mang
“hơi nóng cuộc sống” vào nghị trường mà là cả Quốc hội đã làm việc đó.
Em chọn "big size" đi để đủ tiêu chuẩn đi xe gắn máy nhé! |
Bức xúc đời thường đã lan tỏa từ “chuyện vàng”, thủy điện
Sông Tranh 2, “phong bì” trong bệnh viện, … đến phạt “xe không chính chủ”. Cuộc
sống đang đặt ra nhiều vấn đề cho người làm chính sách, pháp luật. Chính sách,
pháp luật ban ra không chỉ để “cai trị”, mà trên hết là “phục vụ” nhân dân, nên
pháp luật phải được người dân dùng “ngon miệng”.
“Cũng như xúc xích, muốn
dùng được, luật pháp phải gần với cuộc đời, phải thoả cơn đói của người dân và
từng bước chắp cánh cho họ vươn tới những giá trị ẩm thực ngày một thanh cao” (PGS.TS luật Phạm Duy Nghĩa). Người làm luật không phải chỉ biết nắm bắt “công nghệ làm luật” để làm ra các quy phạm có giá trị dùng chung, răn đe và
giáo dục, mà còn phải dễ hiểu, dễ thực hiện, tự nhiên đi vào lòng
người để dân vui lòng cung kính mà tuân thủ. Nhiều “Hai Lúa” Miền Tây chắc chắn không hiểu lý
thuyết “bộ ba bất khả thi” đoạt giải Nobel kinh tế là gì, nhiều người dân Quảng
Nam chắc cũng không biết rõ những chỉ số kỹ thuật “trên ngưỡng an toàn” của
thủy điện Sông Tranh 2 là sao, nhưng họ cần những chính sách, qui định pháp
luật “hợp lòng dân” như cần “cơm để ăn, nước để uống”.
Quốc hội chắc sẽ ít mất thời gian hơn nếu những văn
bản pháp qui được ban hành có chất lượng hơn, mang “hơi thở cuộc sống” nhiều
hơn. Tầm
nhìn dài hạn và thực tiễn trong lập pháp, lập qui là một trong những yêu cầu
tiên quyết, tránh cho việc văn bản pháp luật mới ban hành đòi hỏi phải sửa đổi,
bổ sung. Đáp ứng được yêu cầu đó, thì sẽ không còn chuyện “án tử hình tồn đọng”
mấy năm vì qui định “tiêm thuốc độc” nhưng không có thuốc. Sẽ không còn những
văn bản pháp qui cấm “người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” không được đi xe gắn
máy; hay cách hiểu lầm, phạt xe “không chính chủ” mới dây.
Pháp luật không chỉ
để cai trị, pháp luật còn là văn hóa, là cuộc sống. Luật phải được dùng “ngon
miệng”. Làm sao để mỗi người dân cần pháp luật như “đói phải ăn cơm, khát phải
uống nước”. Đó là mục đích tối thượng của pháp luật.
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 20-11-2012
Bài trên BÁO LAO ĐỘNG ngày 20-11-2012
Nhận xét
Đăng nhận xét