Hữu Hiệp
Tuần qua, chuyện lấy phiếu tín nhiệm được
bàn luận sôi nổi từ nghị trường đến … quán cà phê, được xem là dấu hiệu tích
cực của dân chủ. Biện pháp “dùng phiếu” này được kỳ vọng trở thành công cụ đắc
lực để cơ quan dân cử làm tốt hơn vai trò giám sát của mình, nâng cao năng lực
lãnh đạo, hiệu quả quản lý điều hành của các chức danh chủ chốt trong bộ máy
nhà nước, có tác dụng kiềm chế lạm dụng quyền lực, góp phần phòng ngừa và chống
tham nhũng, …
Song, việc gì cũng có mặt trái của nó. “Lá phiếu tín nhiệm” nếu
được dùng không đúng cách, bằng cảm quan, không có tiêu chí đánh giá rõ ràng cho
từng chức danh, công việc quản lý, thì chẳng những không đáp ứng được kỳ vọng
mà còn cổ súy cho “căn bệnh thành tích”.
Lâu nay, việc lãnh đạo, điều hành chạy theo
thành tích ngắn hạn với “tư duy nhiệm kỳ” bị phê phán; nay còn ngắn hơn, là “tư
duy niên kỳ” theo đợt lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Kết quả là nhiều “chỉ tiêu,
cơ cấu đẹp” được chế biến, phù phép hơn là có thật. Thí dụ như để có “thành
tích” học sinh đậu tốt nghiệp phổ thông ngất ngưỡng 99,99%, giải pháp ngắn hạn
sẽ được chọn không phải là “nâng cao chất lượng dạy và học” mà là ra đề thi dễ,
tổ chức thi không khó. Hoặc để tăng nhanh nguồn thu ngân sách, người ta sẽ
chẳng khuyến khích kinh doanh mà phải tận thu thuế, phí ... Để đối phó với “lá
phiếu tín nhiệm”, một Bộ trưởng hay Giám đốc Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ
không xiết chặt chi tiêu ngân sách, cắt giảm đầu tư công mà tìm cách “ban phát”
kinh phí, phân bổ vốn đầu tư nhiều hơn cho các ngành, địa phương để “lấy lòng”.
Lá phiếu tín nhiệm lúc đó trở thành công cụ tạo ra kiểu quản lý điều hành “dễ
quản, khó buông hoặc cấm”.
Nhìn ở góc khác, nếu giải quyết nợ xấu, ngân
hàng siết chặt cho vay, gián tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động
mất việc làm …Giải pháp “chịu đau” này có thể kéo dài 2,3 năm làm tín dụng tăng
trưởng chậm lại, ngân sách phải gánh khoản chi lớn để làm sạch hệ thống ngân
hàng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, nhưng người điều hành sẽ bị “mất
tín nhiệm”. Tương tự, các chức danh thuộc ngành nội chính: công an, thanh tra,
kiểm tra … nếu làm “quyết liệt” ắt sẽ đụng chạm nhiều ngành, nhiều địa phương,
tức đụng đến chủ nhân của “lá phiếu”, liệu họ có ủng hộ?
Mấu chốt của việc lấy phiếu tín nhiệm là tạo
động lực làm việc, trách nhiệm cho người lãnh đạo chứ không phải làm vừa lòng
người bỏ phiếu. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm không nên mở rộng ra quá nhiều chức
danh để tránh hình thức, không công bình giữa người làm nhiều, làm ít, triệt
tiêu động lực phát triển dài hạn. Người đứng đầu bộ máy, bộ phận bên cạnh việc
luôn “bị soi” của tập thể vẫn cần có thực quyền quyết định ê-kíp làm việc,
quyền nhận xét, đánh giá cấp dưới, quyền chọn lựa và loại thải những người giúp
việc mình chứ không phải cứ chờ tập thể quyết, dẫn đến tình trạng “trên bảo,
dưới không nghe”. Giải quyết cả 2 mặt, lá phiếu tín nhiệm mới thực sự được tín
nhiệm.
Nhận xét
Đăng nhận xét