ThS. Trần Hữu Hiệp
Tham luận Hội thảo Khoa học Vai trò của KH&CN vùng ĐBSCL đối với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do Tạp chí Cộng sản phối hợp BCĐ Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức tại Tỉnh ủy Sóc Trăng ngày 19-10-2012
TÓM TẮT:
Khoa học và công nghệ (KH & CN)
có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng
nông thôn mới ở ĐBSCL. Để góp phần làm rõ thực trạng nghiên cứu, triển khai, ứng
dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn trong vùng ĐBSCL thời
gian qua, từ đó đề xuất mô hình, kiến nghị giải pháp tập trung đầu tư, nghiên cứu,
ứng dụng thời gian tới; tham luận này khái quát thực trạng, tập trung đề xuất mô
hình xây dựng các Cluster - Cụm kinh tế ngành trong nông nghiệp dựa trên thế mạnh
các sản phẩm chủ lực vùng (lúa gạo, thủy sản và trái cây) gắn với xây dựng nông
thôn mới ở ĐBSCL.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
ĐBSCL có diện tích gần 40 nghìn km2, dân số khoảng 18 triệu người,
đường biên giới trên bộ giáp Campuchia khoảng 340 km, ba mặt Đông, Tây, Nam
giáp Biển Đông và Biển Tây, bờ biển dài hơn 700 km với 360 ngàn km2
đặc quyền kinh tế.
Đây là vị trí thuận lợi cho phát
triển kinh tế biển. ĐBSCL là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc
biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Tổng giá trị sản xuất nông,
lâm, thủy sản của vùng 10 năm qua tăng từ 56 nghìn tỷ đồng lên 101 nghìn tỷ đồng,
tăng bình quân gần 7%/năm. Đến nay, đã hình thành những mô hình tập trung
chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng
lợi thế cạnh tranh trên thương trường.
Thời gian
qua, Chính
phủ đã có những định hướng và nhiều chương trình cấp quốc gia về KHCN được
triển khai trong vùng ĐBSCL như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia;
phát triển công nghệ cao; đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH&CN;
Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp
Việt Nam; phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ
KH&CN phục vụ nông thôn, miền núi; Chương trình hỗ trợ hình thành, phát triển
doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự
chịu trách nhiệm. Trong đó phải kể đến các chương
trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện
đạt được kết quả quan trọng bước đầu như: Chương
trình nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường, kinh tế, xã hội và đề
xuất luận cứ KH&CN phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến
năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền
vững vùng ĐBSCL. Ngoài ra, nhiều đề án quan trọng đã được phê duyệt và triển
khai tạo điều kiện ứng dụng KHCN cấp vùng như: đề án Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020
và tầm nhìn đến năm 2050; thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, xác định vai trò của vùng là trung tâm lớn trên
4 lĩnh vực: sản xuất lúa gạo, thủy sản; chuyển giao công nghệ
sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản
phẩm nông nghiệp; trung
tâm năng lượng lớn của cả nước; tà trung tâm dịch
vụ lớn của cả nước; nhiều qui hoạch: tổng thể KT-XH,
xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin – viễn thông …
vùng kinh tế trọng điểm và vùng ĐBSCL.
Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KHCN
vào sản xuất nông nghiệp – thế mạnh bậc nhất của vùng đối với cả nước, đạt được
nhiều kết quả nổi bật. Trong công nghệ sinh học, đã tạo ra giống cây, con có
năng suất, chất lượng và giá trị cao. Nổi bậc và thành tựu sản xuất giống lúa. Hàng
năm Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu, phóng thích các giống lúa đáp ứng khoảng 79%
nhu cầu toàn vùng; còn lại khoảng 20% được cung cấp bởi Viện Nghiên cứu – Phát
triển ĐBSCL (MDI) và mạng lưới cung cấp giống của tư nhân các câu lạc bộ nhân
giống. Thành tựu trong sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm, cá tra
sinh sản nhân tạo. KHCN cũng được nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực canh tác
lúa gạo, cây ăn trái, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch … Đặc biệt,
gần đây Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Trường ĐH Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL và Viện
Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh,
thành trong vùng xây dựng Đề án liên kết vùng ĐBSCL trong nông nghiệp, nông
dân, nông thôn với 5 dự án sản xuất và tiêu thụ: (1) Lúa gạo (2) Cây ăn trái
(3) Thủy sản: tôm, cá tra (4) Đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất và
tiêu thụ trên 3 sản phẩm chủ lực: lúa gạo, trái cây, thủy sản (5) Cơ chế, tổ chức
và chính sách để phát triển các sản phẩm chủ lực và đào tạo nghề cho nông dân
ĐBSCL.
Tuy nhiên, các đề án, chương trình
trên chỉ tập trung giải quyết một lĩnh vực như: đầu tư phát triển kinh tế vùng
kinh tế trọng điểm, xây dựng, giao thông vận tải, cấp thoát nước. Các đề án
liên quan tới KH&CN mới chỉ tập trung ở tầm vĩ mô với các giải pháp về chủ
trương, chính sách hay một vấn đề cụ thể của địa phương trong vùng, hoặc còn rời
rạc, thiếu tính đồng bộ, toàn diện, liên kết các nguồn lực. Các hành động tương ứng giải
quyết các vấn đề thực tiễn ở cấp vùng thì chưa thể hiện rõ. Vấn đề ở đây là cần
những nghiên cứu nối tiếp, phát triển và ứng dụng kết quả từ các chương trình
Quốc gia này phục vụ cho các mục tiêu cụ thể của vùng, địa phương; chọn lựa để
tập trung đầu tư một số mô hình.
Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm
vụ, giải pháp phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL, thời
kỳ 2011-2020 xác định: “Xây dựng và phát
triển ĐBSCL theo hướng hiện đại, phát triển công
nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng
cao, bền vững … điều chỉnh qui hoạch theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của
từng địa phương, phát huy sức mạnh tổng thể của
vùng, hình thành vùng kinh tế công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông
nghiệp, thủy sản và công nghệ cao”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI
cũng đã xác định: “Phát triển mạnh KHCN làm động lực đẩy nhanh quá trình
công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh
năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển
nhanh, bền vững của đất nước; nâng tỉ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp
vào tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu: nâng cao năng lực KHCN;
đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng”.
Những chủ trương, định
hướng quan trọng nêu trên cần được cụ thể hóa bằng các mô hình tổ chức sản xuất
cụ thể thông qua tác động của KHCN, cơ chế, chính sách phù hợp và sự tham gia
tích cực, gắn kết lợi ích của Nhà (tạo môi trường, qui hoạch, tác động bằng cơ
chế, chính sách), các Viện, trường (nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, chuyển giao
KHCN), doanh nghiệp và nông dân (kể cả ngân hàng với vai trò của một doanh
nghiệp tín dụng) là “chủ thể quyết định” trước yêu cầu liên kết vùng ứng dụng
KHCN đầu tư phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản và trái
cây. Tham luận này đề xuất xây dựng mô hình Cluster - Cụm kinh tế ngành trong
nông nghiệp.
2. NỘI DUNG & GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Thống nhất khái niệm về Cluster – Cụm
kinh tế ngành:
theo Michael E. Porter,
“cha đẻ” của Chiến lược cạnh tranh hiện đại, "Cluster" được các dịch
giả chuyển ngữ tương đương trong tiếng Việt là “tổ hợp” hoặc “cụm liên hoàn”. Tuy nhiên, khó có từ tiếng Việt nào để
chuyển tải đủ nghĩa khái niệm này. Nó là tập hợp các doanh nghiệp cùng với các
tổ chức tương tác qua lại trong một lĩnh vực cụ thể. Xung quanh nhà sản xuất
hình thành các nhà cung cấp chuyên môn hóa các dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng. Khu vực sản xuất gắn kết với các kênh phân
phối và khách hàng, bên cạnh là những nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ, các công
ty thuộc các ngành liên quan về kỹ thuật, công nghệ hoặc cùng sử dụng một loại
đầu vào.
Cùng với các khu công
nghiệp hoặc cụm công nghiệp tập trung, thành phần của một Cluster, còn có sự
tham gia của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ như các trường đại học, các
viện công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề.
Với
cách hiểu đó, trên cơ
sở kết quả quá trình phát triển sản xuất kinh doanh trong nhiều thập kỷ qua và
những điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL, có thể xác định một số sản phẩm mũi nhọn,
tạo điều kiện hình thành và phát triển một số cụm liên kết (cluster) tiềm năng
của vùng. Đó là lúa gạo, cây ăn trái, thủy
sản vùng ĐBSCL trên cơ
sở liên kết, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến và dịch vụ theo chuỗi giá trị
các sản phẩm. Việc xây dựng các Cụm ngành sản phẩm
chủ lực cần được thực hiện trên cơ sở nền tảng liên kết vùng từ
khâu qui hoạch, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, sử dụng các nguồn lực đầu tư, ứng
dụng tiến bộ khoa học từ khâu lai tạo, chọn giống, tổ chức sản xuất, chế biến
và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, trái cây; phản hồi cơ chế, tổ chức và chính sách về liên kết vùng và liên
kết “4 nhà” đến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho cả vùng. Giải quyết
“nút thắt” đất đai do tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún bằng
cách nghiên cứu ứng dụng mô hình Công ty cổ phần nông nghiệp, xây dựng những
cánh đồng nguyên liệu, trang trại sản xuất thủy sản, nhà vườn, có điều kiện tổ
chức sản xuất hàng hóa lớn. Qua đó, người nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất,
phá bờ ruộng, tăng diện tích canh tác từ 5-10% diện tích, giảm khoảng 50% chi
phí bơm tưới tiêu, cơ giới hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ.
2.1. Liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ, xây dựng các “Cluster lúa gạo”
ĐBSCL
nổi lên không chỉ với vai trò là “vựa lúa” cả nước, “chén cơm châu Á” mà còn là
vùng đầu tiên sản xuất lúa hàng hóa, chiếm lĩnh vị trí độc tôn trong xuất khẩu
gạo cả nước qua nhiều thời kỳ, trong giai đoạn hiện nay và chắc chắn còn đảm
trách vai trò quan trọng này trong tương lai. Nhờ áp dụng
các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng giống lúa mới nên năng suất lúa đã
tăng từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha, sản lượng tăng từ 16 triệu tấn năm 2001 lên hơn 23 triệu tấn (năm 2011), hàng năm xuất khẩu 6 triệu tấn
gạo, năm 2011 hơn
7 triệu tấn gạo. Hàng năm, vùng này sản xuất
55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu.
Trong khi người
nông dân ĐBSCL là tác giả của “công trình” đưa Việt Nam trở thành và giữ vững vị
trí thứ 2 thế giới của một “cường quốc xuất khẩu gạo”, thì đời sống của họ lại
luôn bị đe dọa bởi những yếu tố bất ổn định như giá cả, thời tiết, dịch bệnh,….
Thông qua cơ chế liên kết vùng, xây dựng chính sách ưu
đãi tương xứng cho nông dân – “người lính” trên mặt trận “an ninh lương thực”, có
sự phân biệt giữa người sản xuất lúa cho mục tiêu an ninh lương thực và người sản
xuất lúa gạo cho mục tiêu thương mại. Hỗ trợ nghiên cứu giống lúa mới, nâng cao
năng lực chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và thương hiệu gạo, đặc biệt
là khâu xay xát và lưu trữ gạo trước khi đưa ra thị trường. Trên cơ sở nghiên cứu phát huy những
kết quả đạt được, tháo gỡ các “nút thắt” của “Cánh đồng mẫu lớn” để xây dựng mô
hình xây dựng Cluster lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Đề xuất nghiên cứu thí
điểm xây dựng mô hình Cluster lúa gạo tại 2 tỉnh lúa lớn nhất cả nước là An
Giang và Kiên Giang.
Cùng với lúa gạo,
thủy sản là 1 trong 11 mặt hàng của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ
USD. ĐBSCL là vùng nuôi
trồng thủy sản lớn nhất nước với diện tích chiếm 70%, sản lượng
chiếm 58%, tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của
cả nước. Diện tích nuôi trồng thủy
sản của vùng tăng từ 236 nghìn ha năm 2001 lên 762 nghìn ha
năm 2011. Riêng
cá tra, chỉ với 5.000 ha mặt nước nuôi, cho sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn/năm, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu cá tra năm 2011
đạt khoảng 650 ngàn tấn,
kim ngạch 1,7 tỉ USD. Nhiều
năm qua, đặc biệt là từ năm 2000 trở lại đây, khi mà công nghệ sản xuất giống
được phát triển thì nghề nuôi cá tra của ĐBSCL đã có bước phát triển nhảy vọt,
nếu tính trong 10 năm qua (1997-2007) thì diện tích nuôi tăng khoảng 8 lần, sản
lượng nuôi tăng 45 lần, sản lượng fillet xuất khẩu tăng 55 lần và kim ngạch xuất
khẩu tăng 50 lần. Ở ĐBSCL đã hình thành các cụm nhà máy chế biến phát triển ở
Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ, đã hình thành mối liên kết
giữa nghiên cứu – chủ động khoảng 40% nguồn nguyên liệu - chế biến – và xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc
phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản một cách tự phát quá nóng, thiếu
đồng bộ; đầu tư cho phát triển, đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong kỹ thuật làm
giống, kỹ thuật nuôi, kiểm soát dịch bệnh … còn nhiều hạn chế, cơ sở
hạ tầng yếu kém, rõ nhất là ngành nuôi tôm, cá tra ĐBSCL. Để tạo điều kiện thuận
lợi cho việc hình thành cụm liên kết thủy sản, cần chú ý một số vấn đề như: đảm
bảo giống, phòng tránh dịch bệnh, tăng cường năng lực chế biến, kết nối chuỗi
giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ thủy sản, liên kết nghiên cứu ứng dụng khoa học - sản xuất –
chế biến – xuất khẩu. Đề xuất thí điểm xây dựng mô hình Cluster thủy sản tại Sóc Trăng, Bạc
Liêu.
2.3. Liên kết vùng phát triển sản
xuất và tiêu thụ, xây
dựng các “Cluster cây ăn quả”
ĐBSCL là vùng có truyền thống trồng cây ăn
trái với diện tích hơn 400 ngàn ha, chiếm
38%, cho sản lượng hơn 7 triệu
tấn/năm, chiếm 70% sản lượng cây ăn
trái cả nước. Đã hình thành các vùng chuyên
canh cây ăn trái ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ; các HTX, nhà vườn đã ứng dụng ngày
càng nhiều VietGap, GlobalGap. Nhiều giống cây ăn trái chất lượng
cao phát triển nhanh, một số giống
cây trồng có thương hiệu và được thị trường ưa chuộng như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa
Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm (Bến Tre), bưởi năm roi, cam sành (tỉnh Vĩnh
Long). Viện
Cây ăn quả Miền Nam cùng các Trung tâm giống đã có nhiều đóng góp trong việc
nghiên cứu, chuyển giao giống, kỹ thuật canh tác, phòng trị bệnh cây trồng; đã
hình thành bước đầu mối liên kết giữa nhà vườn – nhà khoa học – thương lái (chủ
vựa, chành), doanh nghiệp, hiệp hội trái cây … trong các khâu nghiên cứu, sản
xuất, tiêu thụ.
Tuy nhiên, cần tiếp tục tổ chức mạng
lưới liên kết theo mô hình các “Luster cây ăn trái” làm hạt nhân liên kết chặt
chẽ hơn là các hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản lỏng lẻo, thường bị phá vỡ
hợp đồng do những biến động về giá cả như thời gian qua. Đề xuất nghiên cứu thí
điểm xây dựng mô hình Cluster trái cây tại Tiền Giang và Bến Tre.
3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
3.1. Liên kết vùng ĐBSCL là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn sôi động
của vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước, lực lượng nông dân đông đảo
nhất và trình độ sản xuất hàng hóa nông nghiệp vào loại bậc nhất cả nước. Chủ
chương liên kết vùng cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn là sự “khuyến
khích” hay các hình thực ký kết hợp tác lỏng lẻo giữa chính quyền các tỉnh với
nhau thời gian qua. Việc liên kết cần được tổ chức theo cơ chế, mô hình liên kết
hiệu quả. Tham luận này đề xuất mô hình 3 “Cụm ngành sản phẩm chủ lực vùng” là
lúa gạo, thủy sản, trái cây vận hành theo chuỗi giá trị và tiến trình xây dựng
nông thôn mới ở ĐBSCL. Trên cơ sở đó tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, tập huấn,
chuyển giao KHCN gắn với từng Cluster chuyên ngành.
3.2. Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều
hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng. Trước
mắt cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối Vùng
kinh tế trọng điểm để thử nghiệm cho Chương trình liên kết vùng ĐBSCL. Từ đó,
có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các “Cluster” hơn là việc sử dụng
ngân sách đầu tư xây dựng các Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với
định hướng chung chung tốn kém, lãng phí.
3.3. Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù
thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm mũi nhọn của vùng ĐBSCL, tập trung hoàn thiện
CSHT kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, OAD, FDI, vốn doanh nghiệp
tham gia và vốn tín dụng ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các
sản phẩm mũi nhọn này.[2]
3.4. Tăng cường hơn nữa các hình thức liên kết, hợp tác theo
nhu cầu và thực chất hơn các hình thức ký kết hợp tác kinh tế giữa chính quyền
các tỉnh, thành trong vùng với nhau và với TP HCM thời gian quan chủ yếu mang
tính cam kết, còn nặng hình thức và theo phong trào. Từ các hình thức “liên kết
nhà nước” giữa các chính quyền địa phương với nhau và với các Bộ, ngành, cần
chuyển sang chủ yếu liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường dựa trên nền tảng
lợi ích.
Nhận xét
Đăng nhận xét