Ông Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng Viện CODE |
(DĐĐT) - "Cứ làm theo kiểu “đâm lao phải theo lao” có thể chúng ta sẽ càng lún sâu vào những khó khăn. Nhất là khi tất cả những tính toán về kinh tế chưa tính hết thiệt hại về môi trường và xã hội."
Sau khi nhận được văn bản của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) gửi báo chí ngày 24/2 công bố về một số vấn đề liên quan đến dự án bôxit, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi xung quanh nội dung văn bản này với ông Phạm Quang Tú, Viện phó Viện Tư vấn phát triển (CODE), người từng trực tiếp khảo sát tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng.
Ông Tú phân tích:
- Trước đây, khi chuẩn bị cho dự án bôxit ở Tây nguyên, với những thông tin đầu vào mà TKV cung cấp, các chuyên gia của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) đã tính toán mỗi tấn alumin sản xuất ra sau quá trình chế biến bôxit sẽ lỗ 50-100 USD.
Như vậy, với công suất 650.000 tấn/năm, mỗi năm một nhà máy của TKV có thể lỗ 30 đến trên 60 triệu USD.
Từ năm 2009 đến nay nhiều con số thay đổi. TKV cũng chưa công bố thêm các số liệu đầu vào mới, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, các thông số đầu vào cơ bản vẫn dẫn đến lỗ...
Phải tìm giải pháp thống nhất cho dự án
Sản xuất thép từ bùn đỏ: liệu có hiệu quả?
Viện hóa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam vừa được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế quy trình công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ. Ông Vũ Đức Lợi (phó viện trưởng Viện hóa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN) xác nhận thông tin này vớiTuổi Trẻ vào chiều 25-2.
Bước đầu, Viện hóa học đã thử nghiệm với quy mô 10 tấn bùn đỏ/mẻ, hiệu suất thu hồi sắt đạt trên 70%. Sản phẩm thép thu được có thể chế tạo các loại thép cacbon hoặc thép hợp kim đạt tiêu chuẩn VN. Quy trình công nghệ này được cho là có thể sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai thác bôxit tại Tây nguyên theo hướng bền vững. Ngày 21-2, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã báo cáo Chính phủ các vấn đề liên quan đến quy trình công nghệ nêu trên.
Về quy trình công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ, ông Nguyễn Thành Sơn (trưởng Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc TKV) cho rằng về mặt lý thuyết cũng như công nghệ là khả thi nếu chỉ làm thử nghiệm, vì trong bùn đỏ có tỉ lệ quặng sắt nhất định.
“Vấn đề là hiệu quả kinh tế. Thế giới đã biết điều này từ lâu, nhưng tách quặng sắt từ bùn đỏ không đơn giản. Chúng ta hình dung những mỏ sắt lớn như ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) là quặng nguyên với tổng sản lượng lên đến khoảng 400 triệu tấn mà triển khai dự án còn nhiều vấn đề, còn ở đây sản xuất thép từ bùn đỏ chỉ là tận thu quặng” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, sản xuất thép từ bùn đỏ là tách quặng sắt, còn chất xút trong bùn đỏ gây rủi ro đối với môi trường là một vấn đề khác.
V.V.THÀNH
|
* Nhưng thưa ông, TKV đã công bố giá thành sản xuất 1 tấn alumin 295 USD, trong khi giá đang bán 340 USD/tấn. Vấn đề lỗ hiện tại chỉ do nhu cầu thấp nên nhà máy chạy dưới công suất thiết kế?
- Trong cơ cấu giá thành đó, chúng tôi cho rằng có thể đã bỏ ra ngoài một số khoản như thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên. Liệu giá thành này đã tính đầy đủ phí vận chuyển nguyên vật liệu từ cảng đi lên chưa?... Theo tôi biết, TS Nguyễn Thành Sơn - trưởng ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng của TKV - sau khi khảo sát thực tế tại tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng cùng CODE và Văn phòng hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội,
VUSTA hồi tháng 9-2012 đã tính toán giá thành 1 tấn alumin tại cổng nhà máy khoảng 375 USD/tấn. TKV có đơn chào giá mua 340 USD/tấn, như vậy mỗi tấn họ sẽ lỗ 35 USD. Một năm sẽ lỗ khoảng 20 triệu USD/nhà máy, đó là chưa kể không rõ giá mua 340 USD/tấn đã tính phí vận chuyển ra cảng chưa, vì phía nước ngoài thường mua ở cảng. Lãnh đạo TKV cũng công nhận hiện tại nhà máy lỗ, vấn đề là chưa công bố lỗ bao nhiêu.
* Nhưng TKV cho rằng tính hiệu quả phải tính cả đời dự án?
- Nói thế cũng có lý, nhưng những tính toán trước đây của VUSTA cho toàn bộ dự án, kể cả giai đoạn đầu lẫn giai đoạn hoạt động sau này, cũng... chưa thấy khả năng hiệu quả.
Để giải quyết được những vấn đề hiện nay, theo tôi, nhà khoa học, cơ quan nhà nước, chủ đầu tư nên ngồi lại với nhau cùng tính toán và đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất cho bài toán bôxit. Việc này càng cần khi chủ tịch TKV Trần Xuân Hòa trong trả lời báo chí từng nói chưa biết bao giờ hết lỗ.
* Với thực tế lỗ như thế, theo ông, liệu có đủ sức giải quyết vấn đề môi trường?
- Với thực tế lỗ như tôi đã nói thì rõ ràng cần xem xét nghiêm túc, đưa ra giải pháp tốt nhất cho dự án. Cứ làm theo kiểu “đâm lao phải theo lao” có thể chúng ta sẽ càng lún sâu vào những khó khăn. Nhất là khi tất cả những tính toán về kinh tế chưa tính hết thiệt hại về môi trường và xã hội.
Khi tính thêm vào, theo tôi, bài toán kinh tế sẽ khác. Chủ đầu tư khi đánh giá dự án thường chỉ đánh giá hiệu quả tài chính trên đồng vốn. Những tác động tiêu cực rất cần được lượng hóa, trong đó có cả chi phí khắc phục môi trường.
* TKV cho biết dự án có tác động tích cực tới kinh tế - xã hội khu vực Tây nguyên. Theo ông, nhận định này đã đầy đủ chưa?
- Trong một khía cạnh nào đó là đúng, bởi các dự án tốt sẽ có tác động đến kinh tế - xã hội vùng. Nhưng những tác động đó cho đến nay, khi Nhà máy Tân Rai đã đi vào vận hành thử nghiệm thì chủ yếu vẫn chỉ là mong muốn.
Chúng tôi có đi khảo sát xung quanh khu vực Nhà máy Tân Rai, ra chợ ở thị trấn Bảo Lâm thì thấy ảnh hưởng của hiệu ứng đầu tư khá mờ nhạt. Chỉ có một số chuyên gia của dự án ra ngoài thuê nhà nhưng rất ít. Còn tăng nhu cầu tiêu dùng thì thực tế là không lớn. Bản thân Nhà máy Tân Rai đang lỗ và cũng chưa biết khi nào hết lỗ thì cha ông ta có câu “ốc không mang nổi mình ốc”...
Nhân đây tôi cũng nói thêm TKV cho biết hiện Nhà máy Tân Rai có tới 1.500 người đang làm việc, qua khảo sát chúng tôi thấy không nhiều như vậy. TKV cần minh bạch về nhân lực, có bao nhiêu người là lao động trực tiếp, bao nhiêu người là lao động gián tiếp, cơ sở nào để khẳng định một lao động trực tiếp có thể tạo việc làm cho gần mười lao động gián tiếp?
Dồn nhân lực, vật lực cho Tân Rai
* Xuất khẩu alumin hiện nay cũng cơ bản là xuất khẩu thô. Có nên chờ đến khi chúng ta có đầy đủ công nghệ để chế biến sâu, điều kiện thuận lợi và khi giá cao hãy tính đến chuyện phát triển ngành công nghiệp này?
- Theo tôi, alumin không hẳn là nguyên liệu thô, nhưng nó cũng chỉ là sản phẩm trung gian để chế biến nhôm, chứ chưa phải sản phẩm chế biến sâu. Tài nguyên bôxit của VN đúng là dồi dào, vì lấy con số khách quan của Cục Địa chất Liên bang Mỹ năm 2012 thì VN có khoảng 2,1 tỉ tấn quặng tinh.
Tôi cũng đồng ý VN không nhất thiết phải sản xuất nhôm mà có thể một phần là alumin. Nhưng sản xuất như thế nào, quy mô ra sao, vào thời điểm nào thì cần tính toán kỹ.
Trong bối cảnh hiện nay cùng nhu cầu tiêu thụ nhôm chưa cao, kinh tế thế giới lại đang khủng hoảng, cho nên chúng tôi đề xuất chỉ sản xuất thí điểm ở một nhà máy. Cần dồn nhân lực, vật lực cho Tân Rai để nó hoạt động tốt nhất đã.
* Với nhà máy alumin, còn vấn đề gì về công nghệ phải tập trung giải quyết?
- Khi chúng tôi đi khảo sát nhà máy, người ta không cho chúng tôi vào khu vực có thể xem xét công nghệ. Nhưng qua khảo sát chung, đặc biệt là khu vực tuyển quặng, chúng tôi phát hiện hai vấn đề.
Thứ nhất, khai thác bôxit phải dùng nước rất nhiều để rửa trôi tạp chất. Chúng tôi cho rằng công nghệ sử dụng tại nhà máy chưa tính đến đặc thù địa chất quặng của VN. Mùa mưa, quặng ở Tây nguyên có hàm lượng sét nhiều nên rất bết, khi phun nước vào không rửa hết được. Như vậy, công nghệ hiện tại chủ yếu sử dụng trong mùa khô, mùa mưa rất khó. Điều này dẫn đến một vấn đề đáng quan tâm là khi nhà máy vận hành công suất tối đa, có thể không đủ quặng cung cấp.
Thứ hai, sau khi có quặng tinh chuyển đi, bùn đỏ được đưa ra bể lắng. Họ đưa hóa chất vào để bùn lắng xuống, lấy nước trong đưa vào tuyển quặng tiếp. Nhưng khi chúng tôi khảo sát, bùn ở nhà máy Tân Rai khi đưa hóa chất vào vẫn không lắng xuống.
Điều này dẫn đến khả năng hồ thải quặng sẽ không đủ để thải, phải làm thêm, nếu cố sẽ có nguy cơ tràn ra. Điều chúng tôi rất quan tâm là lượng nước sẽ phải dùng rất lớn, dùng nước nhiều trong mùa khô ở Tây nguyên có lẽ cũng không phải vấn đề đơn giản.
* Ông nói chỉ nên duy trì một nhà máy thì việc làm cảng sẽ thế nào. Theo ông, có nên bỏ tiền ra làm cảng?
- Theo kết luận của Thủ tướng mới đây, đến năm 2020 VN sẽ chỉ làm hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, nếu có làm thì cũng là nâng công suất nhà máy. Tôi thấy kết luận Thủ tướng đã đi sát hơn với tình hình sản xuất alumin.
So với quy hoạch trước đây thì chúng ta đã thận trọng, sát thực hơn rất nhiều. Nhưng cũng có câu hỏi rằng có phải do chúng ta đã xây dựng nên buộc phải duy trì hai nhà máy?
Việc dừng cảng biển Kê Gà hoàn toàn không ngạc nhiên với những ai từng tham gia phản biện dự án bôxit. Với quy hoạch mới, không thể bỏ 1 tỉ USD để xuất khẩu cho hai nhà máy công suất 1,3 triệu tấn. Nhưng sắp tới làm cảng nào? Nói chung với định hướng chỉ duy trì hai nhà máy, việc làm một cảng riêng cho nó là hoàn toàn không khả thi, không cần thiết.
TKV: dừng dự án Nhân Cơ là không thực tế
Theo công văn số 909 của TKV gửi các cơ quan báo chí, truyền thông, trước ý kiến phản biện lập luận rằng dự án Tân Rai - Lâm Đồng đi vào vận hành không có hiệu quả kinh tế, TKV khẳng định dự án có hiệu quả kinh tế nhưng vì thời điểm hiện nay do kinh tế thế giới suy giảm và giá alumin giảm đã dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của dự án: “Chúng tôi cho rằng sẽ không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần của dự án đối với chủ đầu tư mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng của dự án đối với địa phương và khu vực Tây nguyên”.
TKV còn cho rằng dự án sẽ thu hút khoảng 1.500 lao động địa phương, có đóng góp cho ngân sách chung, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội cho địa phương và khu vực.
Với xu hướng nền kinh tế thế giới đang phục hồi, TKV tin chắc việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực. Cùng các biện pháp tăng cường quản lý, giảm chi phí và cơ chế chính sách thuế, phí hợp lý, về lâu dài TKV tin rằng “dự án Tân Rai - Lâm Đồng, mặc dù với tính chất là dự án thử nghiệm, sẽ có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể”.
Về đề nghị dừng dự án Nhân Cơ, TKV nêu lý do đến nay toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, nhà thầu đang lắp đặt thiết bị, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%, do đó việc dừng dự án Nhân Cơ trong bối cảnh hiện nay là không thực tế. Hiện TKV đang rà soát, cập nhật và tính toán lại tổng mức đầu tư, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế thuần túy cũng như hiệu quả kinh tế-xã hội tổng hợp của dự án.
Về việc tạm dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà, TKV cho biết dự kiến đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà là trên cơ sở định hướng của quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bôxit nhôm và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận, quy mô công suất cảng năm 2015 là 3,5 triệu tấn, năm 2020: 17,5 triệu tấn, năm 2025: 27 triệu tấn, năm 2030: 37 triệu tấn.
Việc dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hai dự án bôxit - alumin đã và đang đầu tư vì trong giai đoạn đầu, khối lượng sản phẩm cần thông qua cảng của hai dự án này còn thấp, nên TKV thực hiện phương án thuê cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép (cảng Gò Dầu, cảng Phú Mỹ...).
|
Nhận xét
Đăng nhận xét