Chuyển đến nội dung chính

Mỹ Tho đại phố


Khoảng năm Quí hợi (1623) dân Đại Việt từ vùng Ngũ Quảng đã đến xứ Đồng Nai khai hoang mở ruộng mỗi ngày một đông. Thấy được mối lợi chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) đã thỏa thuận với quốc vương Chân Lạp cho lập hai đồn thu thuế tại Sài Gòn (tức Chợ Lớn) và Bến Nghé (tức Sài Gòn). Sau đó, chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) vào đầu năm Kỷ Mùi (1679) lại lập thêm đồn Tân Mỹ tức Tân đồn cũng ở vùng đất ấy. Việc chúa Nguyễn liên tiếp lập mấy đồn thu thuế chứng tỏ xóm làng chợ phố đã  trù mật sung túc.
Cầu Quay - Mỹ Tho xưa (ảnh: Internet)
Khoảng tháng tư năm Kỷ Mùi (1679) có khoảng 3000 người trung thành với nhà Minh vì bị nhà Thanh đàn áp nên chạy sang nước ta tỵ nạn. Họ vốn là bọn cướp biển khét tiếng ở vùng Hoa Nam, theo Trịnh Thành Công chiếm Đài Loan chống lại nhà Thanh một thời gian nên có đầy đủ chiến thuyền và khí giới. Lúc ấy ở Bắc Hà đang có biến. Những người Minh này ở từ xa mới đến, y phục ngôn ngữ bất đồng, hư thực chưa rõ, chúa Nguyễn chưa giải quyết ngay. Họ đang lúc cùng quẩn mà chạy sang nước ta, đến cửa biển Đà Nẵng bày tỏ lòng trung thực để xin được làm người dân mọn. May nhờ có quần thần bàn bạc nên đưa họ vào đất Đồng Nai vì vùng đất này đang khai phá. Do đó chúa Nguyễn cho làm tiệc an ủi, khen ngợi, cho họ nhận chức hàm cũ, rồi sai Xá sai Văn Trinh (phụ trách pháp luật) và Tướng Thần lại Văn Chiêu (phụ trách thuế vụ) đưa thơ báo tin cho quốc vương Chân Lạp rồi cho hộ tống họ vào Nam. Nhóm Tổng binh ba châu Cao, Liêm và Lôi là Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và phó tướng Trần An Bình đến đất Bằng Lăng lập Nông Nại đại phố (cù lao Phố - Trấn Biên). Nhóm Tổng binh Long Môn là Dương Ngạn Địch và phó tướng là Huỳnh Tấn đến Mỹ Tho lập Mỹ Tho đại phố. Họ qui tập thuyền buôn các nước Tây  Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Việt, Đồ Bà (Java)... tới lui buôn bán tấp nập. Mấy năm sau kinh tế Mỹ Tho phát triển nhanh chóng, nên vào năm Mậu Thìn (1688) tháng sáu, đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (chúa Ngãi), phó tướng Long Môn là Huỳnh Tấn nổi lòng tham lam, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch rồi dời quân đến xứ Nam Khê (xứ rạch Năn, nay thuộc vùng Vàm Cỏ) chiếm cứ vùng hiểm yếu, đắp lũy, đóng chiến thuyền, đúc đại bác, không cho thương nhân qua lại, cướp bóc người địa phương và cầu viện Chân Lạp. Phó vương Chân Lạp báo cáo, tháng mười năm ấy chúa Nguyễn liên tiếp sai Thống suất Mai Vạn Long, rồi Cai đội Nguyễn Hữu Hào cùng nhiều quân tướng đánh dẹp, dụ được Huỳnh Tấn và giết chết tại Rạch Gầm. Sau đó chúa Nguyễn giao quân Long Môn cho Tổng binh Trần Thượng Xuyên quản lý. Họ Trần nhập hai toán quân ở Nông Nại và Mỹ Tho rồi chia ra đóng tại rạch Cái Cá (Ngư Khê) cù lao Giêng.
Trường College Nguyễn Đình Chiểu cùng với
College Cần Thơ (Phan Thanh Giản) là 2 trường cổ nhất lục tỉnh
Mỹ Tho đại phố là một thương cảng xuất nhập khẩu hàng hóa. Nằm dọc theo sông Tiền hễ nơi nào có đông cư dân là có những khu thị tứ vệ tinh như Chợ Gạo, Bến Chùa, Cái Bè, Long Hồ, Sa Đéc, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, Tân Châu, Châu Đốc, và lên tận các khu thị tứ của Chân Lạp. Những khu thị tứ này làm nhiệm vụ cung cấp những mặt hàng nông sản, thổ sản cho Mỹ Tho đại phố xuất khẩu đồng thời cũng nhận hàng hóa của nước ngoài được Mỹ Tho đại phố phân phối và bán cho người tiêu dùng.
Tuy gọi là "đại phố" nhưng Mỹ Tho lúc bấy giờ có chừng hơn trăm căn phố vựa hàng nằm dọc theo hai con đường (nay là đường Nguyễn An Ninh và đường Nguyễn Huỳnh Đức) ngó mặt xuống vàm Mỹ Tho (rất tiếc đoạn vàm rạch này đã bị lấp năm 1935-1936). Dãy phố phía Đông nằm trên địa phận thôn Mỹ Chánh rất sung túc, lưng dựa vào Gò Cát. Năm Nhâm Tý (1792) chúa Nguyễn xây thành Trấn Định tại Gò Cát, các thương nhân cũng xây Toàn Bửu hội quán làm trung tâm giao dịch. Dãy phố phía đông nằm trên một cù lao (cù lao Cầu Dài) trên địa giới thôn Điều Hòa, việc qua lại khá bất tiện nên kho vựa thưa thớt hơn. Hai thôn Điều Hòa và Mỹ Chánh là hai thôn sung túc vào bậc nhất nhì của vùng đất này. Phía hậu, cộng đồng cư dân Hoa Việt ở lẫn lộn. Họ thường làm nghề nông: làm ruộng, làm vườn,... đặc biệt là trồng cau để chế biến xuất khẩu. Tại Mỹ Chánh có nghề làm vôi ăn trầu, nấu rượu. Tại Điều Hòa đặc biệt có hai xóm Minh Hương làm nghề đánh cá, một xóm Việt làm nghề đưa đò, đi trạm... Theo Gia Định thành  thông chí tại Gò Cát có nhiều nhà nấu rượu. Rượu Gò Cát được bán tận kinh đô, nổi tiếng ngon.
Tại đại phố có chợ Mỹ Tho (chợ Cũ) ngó ra vàm Cầu Kè, có từ thời Dương Ngạn Địch. Đến năm 1826 đời Minh Mạng, nhà Nguyễn xây thành Định Tường trên đất  Điều Hòa và Bình Tạo, ông Dương Văn Tuyên đã xây thêm một ngôi chợ Mỹ Tho mới (chợ Mới) bên cạnh nên có tên là chợ Tân Thành (địa điểm tại chợ Mỹ Tho ngày nay).
Rạch Mỹ Tho có hai vàm nên trong bài thơ "Mỹ Tho tức cảnh" của Học Lạc có câu:
Lớn ròng chung rạch chia đôi ngã
Cũ mới phân ranh cũng một đò.
Đoạn vào Mỹ Tho tả (bên trái) cong và nhỏ hơn vàm Mỹ Tho hữu (bên phải), nhưng rất quan trọng vì là một cái ụ ghe khổng lồ của Mỹ Tho đại phố. Trịnh Hoài Đức cho biết thuyền buôn các nước đã đến Mỹ Tho như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn. Khi đến nơi thì thuyền phải vào ụ, thả neo, rồi lên bờ mướn phố (khách sạn) ở tạm. Sau đó chủ thuyền buôn đã đến nhà chủ vựa - chủ chành (tức chủ hóa sạn) giới thiệu hàng hóa, nhờ chủ vựa kê khai toàn bộ trình sổ thuế. Chủ vựa thương lượng giá cả mua sỉ toàn bộ hàng hóa tốt xấu không còn sót món gì. Từ khi có Toàn Bửu hội quán thì có Ban Trị sự làm trung gian giới thiệu. Đến ngày trương buồm về nước, nếu chủ thuyền muốn mua thứ gì thì cứ kê khai trước, người chủ vựa theo đơn đặt hàng mua giùm, chủ khách đều tiện. Thanh toán hóa đơn rõ ràng rồi, khách cứ đàn hát vui chơi, được nước ngọt sạch sẽ lại chẳng lo trùn hà ăn thủng ván thuyền, chỉ đợi tới ngày lui thuyền chở hàng đầy khoang mà về xứ. Thuyền buôn các nước tới lui tùy theo mùa gió. Thường họ đến vào mùa xuân, thuận theo gió Đông Bắc. Qua mùa hạ thuận theo gió Nam mà về. Nếu cuốn buồm đậu lâu quá, từ Thu sang Đông gọi là "lưu Đông".
Thuyền buồm các nước thời bấy giờ đều làm bằng gỗ nhẹ và mỏng, do đó muốn vững vàng khi ra khơi thì phải chất các loại hàng nặng cồng kềnh ở khoang dưới, còn các loại hàng nhẹ thì chất khoang trên. Thuyền buôn các nước thường chở đến Mỹ Tho đại phố các loại hàng có giá trị cao và nhẹ như tơ sợi, vải bố, giấy mực, dược liệu, đồ sành sứ.... do đó ở khoang dưới thường chất thêm gạch đá, kim loại và lu chứa nước. Khi về, thuyền buôn thường mua gạo nếp, cau khô, gỗ quí... và bên trên thường chở thêm ngà voi hoặc một số dược liệu đặc biệt như Hậu phác, Đậu khấu hoặc một số cây cỏ làm thuốc nhuộm như chàm, vỏ già, vỏ đước...
Mỹ Tho đại phố là một trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, là một phố thị trung tâm có nhiều vệ tinh xung quanh. Sự thành hình và phát triển Mỹ Tho đại phố tùy thuộc vào sự hình thành và phát triển kinh tế của vùng đất đồng bằng vừa mới khai phá. Tuy nhiên, nhiều lần kinh tế Mỹ Tho đại phố bị suy sụp do chiến tranh, do thù trong giặc ngoài... Lần thứ nhất vào năm Mậu Thìn (1688) do Huỳnh Tấn nổi loạn. Lần thứ nhì do quân Xiêm xâm lược vào năm Ất Tị (1705) và lần thứ ba do chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785.
Có thể nói Mỹ Tho có vị trí trung tâm nên nước ngoài nhiều lần muốn đánh chiếm, định cắt đứt vùng đất nầy thành hai mảnh để dễ dàng thôn tính. Thế nhưng sau mỗi lần suy thì Mỹ Tho đại phố lại được khôi phục.Sau đó, vào khoảng năm Nhâm Tý (1792), theo Gia Định Thành thông chí thì hai đại phố nầy có khôi phục nhưng không bằng trước. Vì vậy về sau các sử gia thường qui tội cho Tây Sơn. Thực tế, vào giai đoạn nầy lực lượng của Nguyễn Ánh ở tại Gia Định rất mạnh, tình hình an ninh đảm bảo nên các chủ vựa giàu có ở Mỹ Tho hoặc Trấn Biên đều rút về Sài Gòn đại phố (nay gọi là Chợ Lớn). Thỉnh thoảng cũng có thuyền buôn đến Mỹ Tho hay Trấn Biên nhưng ở đây không còn người mua sỉ, bán sỉ, bắt buộc họ phải tự đi bán lẻ, nhiều phiền phức. Tiếp theo, nhà Nguyễn lại áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, không buôn bán với người nước ngoài, trừ Trung Quốc. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà Nguyễn lại lập ải Mỹ Tho, có tính chất ngăn sông cấm chợ, nhưng sau đó cảm thấy bất ổn nên vào đầu năm 1848, đời Tự Đức lại bãi bỏ. Tuy nhiên do kẻ hở của luật pháp, hai quan đầu tỉnh Định Tường lúc bấy giờ là Tuần phủ Đỗ Quang và Án sát Lê Văn Thành đã che chở cho bọn lái buôn người Tàu làm bậy, bị Hội đồng xử cách chức, đánh đòn và lưu đày.
Đến đời Pháp thuộc, Mỹ Tho vẫn còn là "đầu đường sáu tỉnh", là đầu mối của ga xe lửa đến từ Sài Gòn và bến tàu thủy đi miền Tây, đi Campuchia, tuy nhiên vị trí trung tâm xuất khẩu đã chuyển về vùng Chợ Lớn.
Trương Ngọc Tường

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...