Vài lời: Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Cty CP bảo vệ thực vật An Giang - một doanh nghiệp được xem là khởi sướng và đi tiên phong xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" có lần nói với tôi là, trong cơ chế thị trường, ông không nghĩ có doanh nghiệp nào, dù "thương nông dân lắm" cũng không đi mua lúa cao hơn giá thị trường, và công ty ông chủ trương "mua đúng giá" (được vậy nông dân mừng rồi), không "bao tiêu sản phẩm" mà chỉ "mua theo hợp đồng". Tôi nghĩ, ông Thòn nói thật và điều này hoàn toàn đúng. Doanh nghiệp phải tính toán lời lỗ. Đừng quên doanh nghiệp sinh ra là đi tìm lợi nhuận. Đó là động lực, cũng là cơ sở để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Tại sao lại mua lúa cao hơn giá thị trường? Giá thị trường là giá nào? Ai xác định? Hay chỉ là "dụ khị" nông dân?
Cánh đồng mẫu lớn? Có đôi lần, tôi nghe ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã "chữa" cái tên này, phải gọi là "mô hình liên kết theo chuỗi giá trị" thì mới đúng. Tôi thấy gọi vậy thì phù hợp hơn. Nhưng thôi, thì cứ là "Cánh đồng mẫu lớn", nghe dân dã như nông dân quen gọi cũng được, dù hiện nay ở nhiều nơi nó chẳng có bao lớn.
Sau thời gian hồ hởi, tỉnh nào cũng học tập, cũng làm "Cánh đồng mẫu lớn" đã đến lúc nghiêm túc nhìn nhận những "nút thắt" để gỡ rối cho "Cánh đồng mẫu lớn" hơn là "ca vọng cổ". Cánh đồng mẫu lớn đã từ đồng lúa An Giang lan qua Đồng Tháp, lên Long An, sang Kiên Giang rồi chạy xuống Cần Thơ, Hậu Giang, vươn tới Sóc Trăng, Bạc Liêu, vòng về Trà Vinh ... Cả đồng bằng đều "học tập" và làm "Cánh đồng mẫu lớn" gần giống như phong trào hợp tác xã xưa kia. Tôi đọc trên báo thấy có vị lãnh đạo Bộ hăng hái phát biểu trong hội nghị gợi ý, đến năm 2015, ĐBSCL cần có khoảng 1 triệu ha "Cánh đồng mẫu lớn", tức hơn 50% diện tích trồng lúa hiện giờ. Thôi thì, đâu cũng là ĐBSCL với nhiều nét tương đồng. Nhưng đáng lo là phong trào "Cánh đồng mẫu tiến quân ra Bắc". Làm kinh tế chứ không phải làm "phong trào", kẻo hư một mô hình tốt. Nghe đâu, ở một tỉnh lúa ngoài Bắc, có vị lãnh đạo tỉnh đã đưa thành chủ trương, nghị quyết, có chỉ tiêu định lượng hẳn hoi cho việc xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn". Ai cũng biết, sản xuất lúa ngoài Bắc khác trong Nam không chỉ về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất, cơ giới hoá, mà đặc biệt là khác nhau về mức độ "tích tụ ruộng đất". Trước khi "mang cánh đồng mẫu lớn" ra Bắc, hãy tập trung tháo gỡ cái khó của nó đang ở trong Nam. Cánh đồng mẫu lớn muốn tồn tại, cần: (1) Có một doanh nghiệp đủ mạnh để làm hạt nhân liên kết (2) Điều kiện "tích tụ ruộng đất" mà nông dân vẫn "không mất đất" (3) Nối liền các "mắc xích" - liên kết chuỗi giá trị lúa gạo từ nghiên cứu - ứng dụng - sản xuất - chế biến và tiêu thụ đúng nghĩa ... Hiện nay, còn nhiều vướng mắc đang cần tập trung tháo gỡ về cơ chế pháp lý, thuỷ lợi, kết nối thị trường ... để "cánh đồng" thoát khỏi "cái mẫu" và đủ lớn.
Một góc đồng bằng xin chân thành "xin lỗi" vì vô tình "xúc phạm" những góc nhìn khác (nếu có). Song, cũng xin cho "dông vài ý kiến" một chút.
Liên kết để phát triển lúa gạo bền vững
Bài và ảnh: T.An - T.Dũng (Báo Tin Tức - TTXVN)
Việc xây dựng nhiều mô hình “cánh đồng mẫu lớn” gắn với vùng nguyên liệu đã giúp An Giang tạo ra được vùng liên kết sản xuất lớn với tổng diện tích trên 8.500 ha. Mối liên kết này càng bền chặt bởi có sự tham gia của “4 nhà”. Đây là cơ sở để An Giang duy trì là một trong những địa phương sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu cả nước.
Cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 12%
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, An Giang đã sớm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo bằng mô hình liên kết “4 nhà”. Bằng chứng là tạo điều kiện và cơ chế để từ năm 2007, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm Jasmine 85 tại huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành theo hình thức công ty ứng giống, phân bón cho nông dân và mua lại lúa với giá cao hơn thị trường tới 300 đồng/kg.
”Cánh đồng mẫu lớn” là cơ sở để phát triển lúa gạo bền vững.
|
Mới đây, Angimex tiếp tục liên kết với Công ty Kitoku - Nhật Bản sản xuất lúa Nhật có giá cố định theo hợp đồng ngay từ đầu vụ theo hình thức công ty cung ứng giống lúa japonica cho người nông dân, đến cuối vụ tiền thuốc bảo vệ thực vật sẽ được trừ vào tiền mua lúa. Vụ đông xuân 2011 - 2012, 950 ha diện tích lúa được hợp đồng giữa nông dân và công ty. Qua đó giúp người nông dân luôn giữ giá bán ổn định, yên tâm sản xuất.
Qua năm 2012, tỉnh An Giang đã quyết định mở rộng thêm 30 ha vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, nâng tổng diện tích GlobalGap toàn tỉnh lên 126 ha. Theo kế hoạch từ vụ đông xuân 2012 - 2013, Công ty ADC sẽ ký hợp đồng sản xuất ổn định toàn bộ diện tích lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGap với giá cao hơn thị trường tại thời điểm mua vào từ 10 - 12%.
Liên kết để phát triển bền vững
Không những mở nhiều mô hình liên kết “4 nhà”, ngay từ vụ hè thu 2011, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương An Giang còn thực hiện gắn mô hình “liên kết 4 nhà” với mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành là nơi được thí điểm thực hiện trên quy mô diện tích 75 ha.
Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân, tham gia vào mô hình này người trồng lúa được hỗ trợ 30% chi phí giống lúa cấp xác nhận; được tập huấn kỹ thuật quản lý tổ nhóm và an toàn lao động. Theo tính toán, chi phí sản xuất lúa chỉ hết khoảng 18,2 triệu đồng/ha, giảm 720.000 đồng/ha trong khi năng suất đạt 6,1 tấn, cao hơn 0,4 tấn so với ngoài mô hình. Lợi ích nữa là năng lực về kỹ thuật được nâng cao, đồng thời môi trường nông thôn cũng được cải thiện rõ rệt. Dự kiến, mô hình sẽ được nhân rộng ra trên toàn vùng đê bao kiểm soát lũ 1.500 ha trong thời gian tới.
Theo phân tích của lãnh đạo Sở NN&PTNT An Giang, mô hình liên kết sản xuất lúa ở An Giang giữa nông dân - tổ hợp tác - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất đã giúp tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, việc liên kết cũng giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, dồi dào để xây dựng sản phẩm chế biến.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để giúp An Giang và các địa phương phát triển vững chắc các “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, Bộ NN&PTNT cần sớm có chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo quốc gia, gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGap, GlobalGap, đặc biệt là cần có những chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để nâng cấp hệ thống thủy lợi giao thông nội đồng; lưới điện cho tưới tiêu nước, cụm sấy lúa công suất lớn để làm “vệ tinh” cho các doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại đồng.
Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cần quan tâm phối hợp cùng ngành nông nghiệp xây dựng nhiều hơn mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu theo phương thức “sản xuất theo hợp đồng” để chủ động nguồn nguyên liệu, phát huy hiệu quả cụm kho - nhà máy xay xát, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên từng diện tích canh tác, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Nhận xét
Đăng nhận xét