Báo Pháp Luật TPHCM, 29/01/2013 - 07:30
Nếu coi việc tách bạch quyền con người - quyền công dân là nét tiến bộ của dự thảo HP sửa đổi thì cách thức bảo đảm thực thi trên thực tế các quyền cơ bản ấy vẫn còn nguyên những hạn chế của bản HP hiện hành.
. Phóng viên: Thực tế cho thấy ở VN chưa bao giờ một điều khoản trong Hiến pháp (HP) được viện dẫn trực tiếp. Tại sao vậy, thưa ông?
Tuy nhiên, xuất phát từ tính trừu tượng (tối cao) của quy phạm HP và do một lối tư duy truyền thống không khoa học trong áp dụng HP và pháp luật, đã làm HP mất đi hiệu lực trực tiếp trên thực tế. Một cách không minh định, chúng ta đang có một lối suy nghĩ và xử sự là: Muốn thực hiện HP phải có luật cụ thể hóa; thực hiện luật phải có nghị định; thực hiện nghị định phải có thông tư… Và vì thế, khi chưa có “văn bản hướng dẫn” pháp luật vẫn có thể coi là “chỉ trên công báo”. HP của ta do vậy mất đi hiệu lực trực tiếp. Đây cũng là thực tế của HP các nước XHCN từ trước đến nay.
Vì vậy đang có những đề xuất về một điều khoản tuyên bố: HP này được áp dụng trực tiếp trên toàn lãnh thổ VN.
Điều tối kỵ
. Quan điểm ấy chi phối thế nào tới việc giới hạn và phạm vi thực hiện các quyền con người, quyền công dân trong dự thảo?
+ Đây là vấn đề được bàn thảo sôi nổi và cũng nóng bỏng nhất trong giới chuyên gia, học thuật.
Chúng tôi thống nhất rằng việc chưa có đạo luật cụ thể hóa một điều khoản nào đó trong HP hoàn toàn không làm mất hiệu lực áp dụng trực tiếp của quy phạm HP. Việc ban hành đạo luật cụ thể hóa HP là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải của người dân. Và mục đích của luật là để đảm bảo thực thi trên thực tế các quyền cơ bản ấy chứ không được nhằm hạn chế, tước bỏ.
Các bản HP vừa qua quy định rất nhiều về các quyền của công dân nhưng đều gắn đuôi “theo quy định của pháp luật”. Trong ảnh: Làm thủ tục cư trú tại Công an quận Tân Bình. Ảnh: HTD
Các bản HP vừa qua quy định rất nhiều về các quyền của công dân nhưng đều gắn đuôi “theo quy định của pháp luật”. Mà theo các luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đất nước này có biết bao nhiêu văn bản pháp luật, biết bao nhiêu chủ thể có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như thế, một văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cũng có thể vô hiệu hóa HP. Quy định cái đuôi ấy trong các điều khoản HP là vừa làm mất giá trị tối cao của HP, vừa làm mất hiệu lực của HP. Điều này là tối kỵ trong chủ nghĩa hợp hiến.
Vì vậy, Ban Biên tập chúng tôi cho rằng mọi sự hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong HP chỉ có thể thực hiện bằng quy phạm luật, tức phải do QH quyết định.
Chỉ nên giới hạn quyền bằng luật
. Ban Biên tập đồng thuận cao như vậy nhưng tại sao trong dự thảo, rất nhiều quyền công dân quan trọng như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình lại bị gắn đuôi “theo pháp luật”? Chưa kể việc bóc mở, kiểm soát thư tín - trong dự thảo trình QH (tháng 10-2012) có đuôi là “do luật quy định” thì đến dự thảo mới nhất này lại mở rộng ra, thành “do pháp luật quy định”?
+ Cá nhân tôi cho rằng đấy là bước lùi giữa các dự thảo. Còn so với HP hiện hành, không lùi nhưng cũng chưa có gì tiến bộ.
Ở nhiều phía khác nhau, các báo cáo tổng kết thực hiện HP 1992 đều đề cập tới vấn đề này, theo hướng HP sửa đổi chỉ nên giới hạn quyền bằng luật. Tới bước thảo luận trong Ban Biên tập, giới học thuật, luật học và hoạt động xã hội chúng tôi cũng đồng tình, đề nghị tôn trọng, bảo đảm ở mức cao nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được hiến định. Nhưng những người khác, tiếng nói có sức nặng thì lại chưa muốn thu hẹp các hình thức giới hạn quyền.
Cũng có thể do năng lực lập pháp của ta có gì đó hạn chế chăng, hoặc vẫn chưa thoát được quán tính lâu nay là những vấn đề khó, nhạy cảm thì thay vì đưa ra QH bàn, lại để văn bản dưới luật quy định... Thôi thì để nghe xem đóng góp của dân thế nào.
. Dù là giới hạn quyền bằng “pháp luật” hay “luật” thì cũng phải đặt ra những nguyên tắc nào đó cho các văn bản đó chứ?
+ Đúng. HP của ta lâu nay dù đã quy định về các quyền cơ bản nhưng lại thiếu quy định về những nguyên tắc hạn chế quyền, cũng như cách thức và phạm vi hạn chế quyền. Và nhược điểm này được khắc phục bằng bổ sung một nội dung tại khoản 2 Điều 15 dự thảo: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu nói rõ trong đó là “chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp…”.
Ngoài ra, chúng tôi có bàn với nhau nên đưa vào HP điều khoản về nguyên tắc định hướng với các luật quy định cụ thể về quyền cơ bản. Chẳng hạn, các luật đó chỉ được mang các quy phạm về hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện quyền. Nếu có điều khoản về hạn chế, ngăn cản thì phải nêu rõ lý do, nguyên nhân, thời gian hạn chế. Các trình tự, thủ tục đưa ra không được theo hướng triệt tiêu, phủ nhận quyền.
Đặc biệt, các luật đó phải trải qua thủ tục đặc biệt để kiểm soát về tính hợp hiến. Tính hợp hiến phải được đánh giá, đối chiếu với lời văn HP và nhất là tinh thần HP. Tinh thần HP ở đâu ra và ai khẳng định, phân tích - đây phải được coi là mục đích hình thành cơ quan bảo hiến.
Tuy nhiên, những đề xuất ấy chưa hiện diện trong dự thảo.
. Xin cảm ơn ông.
Quyền con người ít bị giới hạn hơn
Nhân quyền là thành quả đấu tranh của nhân loại, có giá trị phổ quát. Quyền con người là thiêng liêng, cao cả, mang tính phổ quát như vậy nên trong thế giới hiện đại này, mọi quốc gia đều thừa nhận và tuân thủ các quyền đó, thể hiện qua các công ước về nhân quyền mà VN ta đã tham gia, ký kết.
Ngoài ra, có thể coi nhóm những quyền mà dự thảo HP sửa đổi có tiền tố “mọi người” là những quyền tuyệt đối. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện chứ về nguyên tắc, không có quyền hạn chế. Tất nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, tính “tuyệt đối” của mỗi quyền cũng chưa trở thành hiện thực. Chẳng hạn nếu thừa nhận quyền sống thì nó vẫn bị giới hạn ở nước ta bởi VN vẫn duy trì hình phạt tử hình.
PGS-TS NGUYỄN NHƯ PHÁT
|
NGHĨA NHÂN thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét