Trần Hiệp Thuỷ
Ai cũng biết, câu thần chú “khắc
nhập” đã giúp anh nông dân nghèo có được “cây tre trăm đốt”, thắng gã nhà giàu
tráo trở. Nhưng khi có được “cây tre trăm đốt”, anh nông dân không thể mang về
nhà, lại cần đến câu thần chú “khắc xuất”. Phép màu của thần chú chỉ có ý nghĩa
khi được sử dụng đúng.
Truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”
là điều đáng suy ngẫm cho việc xuất - nhập khẩu (XNK) mía đường của ta hiện
nay. Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng năm, nước ta
phải NK hơn 70.000 tấn đường. Đó là “luật chơi chung” mà bất kỳ quốc gia thành
viên nào cũng tuân thủ. Nhưng vấn đề là nhập khi nào? Làm như thế nào? Và phục
vụ lợi ích cho ai?
Sản xuất đường ở nước ta với sức
cạnh tranh kém, giá thành sản xuất cao. Đường NK giá rẻ hơn đường nội địa. Ngoài
việc lo chống nhập lậu đường, việc NK đường “chính ngạch”, cần được “chính danh
và minh bạch”. Theo các chuyên gia ngành đường, việc nhập và danh sách ai được
phép NK đường hàng năm gần như là bí mật… quốc gia. Theo qui định, các doanh
nghiệp sử dụng đường tinh RE để sản xuất phải mua đường theo giá trong nước.
Nhưng bên cạnh đó, có doanh nghiệp được NK đường để chế biến với giá giao dịch
trên thị trường thế giới; theo thời giá, rẻ hơn trong nước khoảng 4.000 - 5.000
đồng/kg. Với mức NK hàng năm khoảng 70.000 tấn đường, “nhóm lợi ích” này hưởng
lợi khoảng 300 tỉ đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đáng ra cần được “minh
bạch” trong chính sách XNK đường để công khai đầu tư lại cho người trồng mía,
để phát triển ngành đường.
Chương trình 1 triệu tấn đường là
niềm mơ ước của cả nước đã thành hiện thực. Sau nhiều năm thiếu đường phải NK,
ngành đường không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn đảm bảo luân
chuyển gối vụ và dư thừa đường.
Quản lý điều hành với sự can
thiệp bằng các công cụ thuế, XNK và hàng loạt chính sách khác đối với loại hàng
hoá nhạy cảm như đường mía là rất cần thiết. Nhưng dường như số phận của cây
mía, hạt đường đang bị đánh đu do sự bất cập bởi thông tin “cung - cầu”, “nhập
- xuất” đường của nhà quản lý.
Quản lý tốt “khắc nhập” hay “khắc
xuất” đường, không chỉ khắc phục được bế tắc trong khâu tiêu thụ, nguy cơ đóng
cửa nhà máy, nông dân chặt bỏ mía, mà còn giúp kiểm soát được tình trạng tạm
nhập tái xuất đường đang bị lợi dụng; có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát
triển ngành mía đường trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh quyết liệt
Nhận xét
Đăng nhận xét