Báo Tuổi Trẻ, 19/10/2013 07:22 (GMT + 7)
TT - Doanh nghiệp xã hội không còn là điều mới mẻ nhưng loại hình này đang trở thành một xu hướng mới và được dự báo sẽ cất cánh trong tương lai.
Tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp toàn cầu (GES) lần 4 diễn ra tuần qua ở Kuala Lumpur (Malaysia), vấn đề doanh nghiệp xã hội được đề cập đến trong ít nhất ba phiên thảo luận và có một phiên dành riêng cho chủ đề này. Nhiều diễn giả cho rằng doanh nghiệp xã hội sẽ là xu hướng mới.
Ngay từ đầu phiên thảo luận về chủ đề này hôm 12-10, chuyên gia về doanh nghiệp xã hội người Anh, cô Melody Hossaini, chia sẻ: “Xin chào mừng bạn đến với tương lai của sự thịnh vượng trong kinh doanh, đó là doanh nghiệp xã hội”. Theo cô, nói nôm na doanh nghiệp xã hội là nơi kinh doanh với mục đích tốt, một sứ mệnh xã hội. Nó cũng khác với các tổ chức từ thiện, nơi không kinh doanh mà chỉ nhận tiền quyên góp.
Dùng kinh doanh hóa giải tệ nạn
Xuất hiện trên sân khấu của phiên thảo luận hôm ấy có một người đàn ông với vẻ ngoài giản dị trong bộ trang phục batik truyền thống của người Indonedia, ông Silverius Oscar Unggul. Người đàn ông gần 40 tuổi này nổi tiếng không chỉ ở Indonesia mà còn trên thế giới vì vai trò của ông trong việc bảo vệ rừng. Câu chuyện của ông bắt đầu từ năm 2005.
Khi đó, có tới 2/3 diện tích rừng của Indonesia nằm trong tình trạng nguy kịch vì nạn khai thác gỗ trái phép. Theo thông tin của tổ chức về doanh nghiệp xã hội Ashoka, nếu tình trạng này tiếp diễn, chẳng bao lâu sau rừng của Indonesia sẽ không còn.
"Doanh nghiệp xã hội sẽ là một xu hướng kinh doanh mới trong tương lai vì chúng ta có quá nhiều vấn đề để giải quyết. Doanh nghiệp xã hội không phải là thứ mới có. Nó đã có từ lâu nhưng giờ trở thành xu thế và bắt đầu hòa nhập vào dòng chảy chính của kinh doanh"
Chuyên gia Melody Hossaini
|
Ông Silverius, một cư dân vùng đông nam Sulawesi, cùng năm người bạn đã có ý tưởng để các cộng đồng dân cư quản lý mọi công đoạn từ trồng rừng cho đến việc xây dựng các doanh nghiệp khai thác gỗ bền vững thay vì đi khai thác gỗ lậu. Sau một năm thí điểm mô hình khai thác gỗ bền vững và thân thiện với môi trường cùng sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi người dân theo chương trình này có thu nhập cao gấp bốn lần so với trước đây.
Ngoài ra, ông Silverius còn giúp người dân biết cách quản lý số liệu về rừng, canh gác rừng trước nạn khai thác gỗ lậu, kết nối họ với những người mua trong và ngoài nước. Năm 2008, ông Silverius nhận giải thưởng Doanh nhân xã hội của năm của Ernts & Young, giải thưởng môi trường cùng năm của tạp chí lữ hành Conde Nast và các giải thưởng khác những năm sau đó.
Xu hướng tương lai
Nói một cách tổng thể, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp tập trung vào việc xác định và giải quyết các vấn đề của xã hội, cộng đồng trên quy mô rộng lớn. Không giống như các doanh nghiệp làm ăn kiểu truyền thống, doanh nghiệp xã hội hướng đến việc tạo ra các giá trị xã hội hơn là tìm kiếm lợi nhuận.
Và cũng không giống với phần lớn các tổ chức phi chính phủ, mục tiêu của các doanh nghiệp xã hội không chỉ hướng tới các hiệu ứng tức thời và quy mô nhỏ mà còn là những thay đổi lâu dài và trên quy mô rộng hơn.
Ngoài ra, công việc của các doanh nghiệp xã hội còn là việc nhận thức được khi một phần xã hội hay cộng đồng bị vướng mắc bởi vấn đề gì đó và đưa ra cách làm mới để tháo gỡ khúc mắc, truyền bá các giải pháp sâu rộng, thuyết phục xã hội hay cộng đồng có những bước nhảy mới.
“Doanh nghiệp xã hội, đó là việc biến mối đe dọa thành cơ hội, biến gánh nặng thành lợi ích - ông Silverius trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề phiên thảo luận - Doanh nghiệp bình thường tập trung vào việc kiếm tiền trước, rồi sau đó khi đã có đủ tiền họ mới quay sang nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề xã hội. Còn chúng tôi lại tìm cách giải quyết vấn đề xã hội trước và dùng việc kinh doanh để giải quyết vấn đề”.
Nói về câu chuyện của mình, ông Silverius giải thích thêm: “Ví dụ, khai thác gỗ lậu là một vấn nạn. Nhưng nếu khai thác gỗ được quản lý bền vững thì chúng ta có thể sản xuất được gỗ “sạch”. Ở đây kinh doanh là một giải pháp cho vấn đề xã hội”.
Cô Melody Hossaini, người Anh gốc Iran, nói thêm ngay cả những doanh nghiệp đang kinh doanh vì lợi nhuận cũng đang chậm rãi chuyển sang xu hướng kinh doanh với những mục đích tốt cho xã hội, cộng đồng. “Thế giới đang thay đổi, sự thịnh vượng trong kinh doanh cũng đang thay đổi, và chúng ta nhận thấy có một điều quan trọng hơn những thứ khác là làm những việc tốt” - cô Hossaini bày tỏ.
Đồng ý với quan điểm này, anh Ben Simon thuộc Mạng lưới tái chế thực phẩm (FRN) của Mỹ nói: “Xu hướng doanh nghiệp xã hội đang bùng nổ khắp nơi, dù cho đó là ở Malaysia hay nơi nào trên thế giới. Nhiều bạn trẻ hiện nay rất hăng say với các mục đích tốt đẹp và tôi thấy có rất nhiều dự án như vậy, như FRN mà chúng tôi đang làm”.
FRN do Simon cùng những người bạn của mình lập ra năm 2011, thu gom đồ ăn thừa mà sinh viên bỏ lại tại nhà ăn của các trường đại học. Số thực phẩm vô cùng nhiều này được chia sẻ lại cho những người vô gia cư hay những người nghèo trong xã hội.
VIỆT PHƯƠNG
Đây là 1 xu hướng tất yếu, nhưng tiếc ở VN dường như k có định nghĩa này
Trả lờiXóahaiiiz chán cho ktvn
Trả lờiXóahoc dan ghi ta
Thật ra, trong dự thảo LUẬT DOANH NGHIỆP sửa đổi lần này, các nhà làm luật đã đưa vào chế định doanh nghiệp xã hội rồi. Song, còn sơ sài. Nếu bạn quan tâm vấn đề này, có thể đóng góp cho dự thảo qua Website chinhphu.vn
Trả lờiXóa