Hữu Hiệp
Theo kịch bản biến đổi khí hậu
(BĐKH) do Bộ TNMT công bố, mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 12cm vào năm 2020,
17cm vào năm 2030, 30cm vào năm 2050 và 75cm vào năm 2100; có khoảng gần một
nửa diện tích ĐBSCL bị ngập.
Không còn là kịch bản, ảnh hưởng
của BĐKH đã ngày càng hiện rõ. Những ngày qua, nước ngập tràn cục bộ đã xảy ra
ở nhiều thành phố lớn ở miền Tây. Nhiều tuyến đường chính đã “biến thành sông”,
ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, đi lại của người dân.
Lũ năm nay không cao, nhưng các
công trình xây dựng có cao trình vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000 đã bị ngập.
ĐBSCL lại bị “thiệt hại kép” do nước biển dâng và tác hại của tình trạng sử
dụng nước trên dòng chính Mêkông. Hợp sức cùng tác hại của thiên nhiên, con
người đã “kéo mực nước lên” bằng những công trình lấp sông, chặn dòng chảy làm
thuỷ điện, “trích máu dòng Mêkông”. Nhiều công trình thuỷ lợi cục bộ “mạnh ai
nấy lo” đã phá vỡ các “túi chứa” nước lũ được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm
qua. Việc chạy đua “quay vòng hệ số sử dụng đất” trong sản xuất nông nghiệp
khiến “lũ đẹp” không vào được nội đồng để mang phù sa. Đồng ruộng thiếu “dưỡng
chất thiên nhiên”, ngày càng “suy dinh dưỡng”. ĐBSCL có nhiều công trình hơn,
nhưng ngập nước cũng xảy ra nhiều hơn. Từ bài học “sống chung với lũ, vượt lên
đỉnh lũ”, đã đến lúc phải thống nhất và quyết tâm làm theo, ứng phó BĐKH không
chỉ bằng giải pháp công trình, rất cần nhiều hơn giải pháp phi công trình và tư
duy “thích ứng” với BĐKH và phòng chống “nhân tai”.
Khi các chuyên gia Hà Lan được
Thủ tướng Chính phủ nước ta mời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch châu thổ sông Cửu
Long đến năm 2100 (MDP), không ít người nhầm tưởng là đến năm 2010! Vì lâu nay
có mấy ai lo làm quy hoạch trăm năm. Một vấn đề toàn cầu không thể đối phó bằng
“tư duy nhiệm kỳ”, tầm nhìn ngắn hạn. 3 trụ cột của MDP được tập trung nghiên
cứu là xác định không gian xây dựng phát triển vùng, quản lý sử dụng tài nguyên
nước và tài nguyên đất một cách hiệu quả, bền vững với khả năng “thích ứng”
trước tác động của BĐKH và nước biển dâng. Giải pháp phi công trình đã được đặt
ra như một yêu cầu bắt buộc, bên cạnh các giải pháp công trình và đòi hỏi phải
tăng cường liên kết vùng.
Con người đã kéo mực nước
lên. Nước đã ngập dưới chân người đồng bằng ngày càng nhiều hơn và thường xuyên
hơn. Việc chống ngập tại các đô thị, ứng phó với BĐKH không còn là chuyện riêng
của từng địa phương, mà là “chuyện lớn” của ĐBSCL và cả nước, gắn với vấn đề
của toàn cầu.
Nhận xét
Đăng nhận xét