Trần Hiệp Thuỷ
Tuần qua, báo chí đăng tải ý kiến chuyên gia và tác giả có
tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 như Trần Đăng Khoa, Đỗ
Trung Quân, … cho thấy “cẩm nang học trò” đang có nhiều “sạn”. Người biên soạn và
biên tập sách giáo khoa đã tuỳ tiện sửa thơ của tác giả. Câu thơ “trẻ con” rất
hay của Trần Đăng Khoa: “Trăng tròn như
quả bóng/Đứa nào đá lên trời”
được sửa thành “Bạn nào đá lên trời”. “Quê
hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả
trên đồng” của Đỗ Trung Quân được sửa thành “Chiều chiều con thả trên
đồng”. Thay vì tiếp thu và sửa chữa, thì người làm sai lại cho rằng, việc “biên
tập” lại là cần thiết. Họ đã “xin phép” và được sự đồng ý của tác giả, bằng
chứng là ở bìa cuối sách trong lần xuất bản đầu tiên có ghi thông tin này. Tác
giả của tác phẩm bị “sửa” thì kêu “Có ai hỏi tôi đâu”. Đúng là các nhà văn, nhà
thơ đã “nín thinh” hơn mười năm qua, nhưng không hẳn là họ đồng ý.
Tương tự,
hàng ngày, chủ thuê bao điện thoại di động phải chịu cảnh quăng tin nhắn rác quảng cáo vào “nhà mình”. Phép lịch sự
mà trẻ con cũng biết là trước khi vào nhà người khác phải xin phép, ít nhất là
gõ cửa. Nhưng nhà mạng và nhà quảng cáo lại bảo chủ thuê bao: “để từ chối quảng
cáo, nhắn lại số ...” giống như việc xông vào nhà người ta rồi mới kêu, nếu
không cho vào thì cho tôi biết. Đó cũng kiểu “nín thinh là đồng ý” rất vô
duyên.
Người liên quan “nín thinh” có thể không có điều kiện để
nêu ý kiến. Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan người
dân vừa qua cũng cho thấy, cơ quan thẩm quyền mới bàn với nhau, cấp trên hỏi ý
kiến cấp dưới mà thiếu hẳn ý kiến của người thụ hưởng, của đối tượng điều chỉnh.
Vì thế mới có những qui định “trời ơi” như: người thấp bé, nhẹ
cân, ngực lép không được đi xe gắn máy trên 50 phân khối, ưu tiên cộng điểm cho
bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học, … Một số chính sách hỗ trợ tam nông được ban hành, nông dân vẫn thờ ơ. Như chính
sách “bán hàng kèm, hai trong một”, vừa hỗ trợ cơ giới hoá nông nghiệp,
vừa hỗ trợ bán nông ngư cơ nội địa. Quyết định 63/2010/QĐ-TTg chỉ cho phép hỗ
trợ mua máy nông nghiệp có tỉ lệ nội địa hóa ít nhất 60%. Nhiều nông dân đành
“từ chối”, chọn máy ngoại giá cả chấp nhận được, tiện dụng và chất lượng
hơn.
Cùng với việc kiên quyết chống những kiểu “nói dối, làm
dối” cũng cần phải dẹp bỏ cái lý “nín thinh là đồng ý” trong hành xử với nhau,
trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách để các giá trị như quyền tác giả, tác
phẩm, quyền thụ hưởng chính sách của người dân được tôn trọng.
Báo
Lao Động ĐBSCL thứ bảy ngày 19 tháng 10 năm 2013
Nhận xét
Đăng nhận xét