Trần Hữu Hiệp
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây
Nam Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ GDĐT xây dựng chính sách ưu tiên cho con em
đồng bào 20 huyện nghèo vùng biên giới, hải đảo trong vùng ĐBSCL (không thuộc
62 huyện nghèo).
Các đề án đào tạo nguồn nhân lực
chuyên ngành cho Tây Nam Bộ của các trường đại học (ĐH) Kiến trúc TPHCM, ĐH
Kinh tế TPHCM, ĐH Y dược TPHCM và Cần Thơ đã được xây dựng công phu, áp dụng từ
3 năm qua. Các hoạt động liên kết đào tạo không chỉ tạo điều kiện cho con em
miền Tây được “rộng đường” vào ĐH mà còn phải đảm bảo chất lượng, giữ “thương
hiệu” cho các trường, gắn chặt với địa phương trong việc xác định nhu cầu,
trách nhiệm bố trí, sử dụng các em sau khi học. Nỗ lực liên kết vùng trong GDĐT
của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có thể chỉ mới là hoạt động “kết nối”, “lấp khoảng
trống” do các qui định hành chính tạo ra, nhưng bước đầu cũng có tác dụng thiết
thực hỗ trợ ĐBSCL tăng tốc để nâng cao chất lượng nhân lực.
Về lâu dài, việc đào tạo nhân lực
cho miền Tây cần chính sách căn cơ hơn. Cùng với Chiến lược nguồn nhân lực quốc
gia và các tỉnh, rất cần một Chiến lược nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Qui
hoạch phát triển hệ thống các trường ĐH, cao đẳng, trường nghề, trường phổ
thông… phải dựa trên chiến lược này. Cần “hướng cầu” là thị trường lao động,
nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong vùng làm động
lực phát triển hơn là chủ yếu dựa trên năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất của
các trường. Những “cơ chế đặc thù” trong GDĐT ưu tiên cho vùng khó khăn như
ĐBSCL là cần thiết để tăng tốc, đuổi kịp các vùng, miền khác. Nhưng cũng cần
phải thấy, đó chỉ là “chính sách nhất thời”. Vùng này cần phải đi lên bằng
chính “đôi chân” của mình chứ không thể dựa vào sự hỗ trợ “đặc thù”. Hệ thống
GDĐT từ mầm non, phổ thông, cao đẳng, ĐH đến các trường nghề, hệ thống giáo dục
xã hội trong vùng cần được quan tâm đầu tư để đủ sức tạo ra “sản phẩm nhân lực”
tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, chứ không phải trông chờ vào chính
sách ưu tiên “điển sàn, điểm chuẩn” hay tăng chỉ tiêu đào tạo, chỉ tạo ra “lợi
thế ảo”. Hoạt động liên kết vùng ĐBSCL trong phát triển nguồn nhân lực cần được
tiếp tục tăng cường về chất; nội dung, phương thức phù hợp hơn nữa trước yêu
cầu phát triển nguồn nhân lực của vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia thời kỳ
hội nhập.
Nhận xét
Đăng nhận xét