Báo Tuổi Trẻ, 25/10/2013 07:47 (GMT + 7)
TT - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu trước các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10. Ông cảnh báo rằng nếu VN không đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn trương, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, sẽ tụt hậu xa so với khu vực, thậm chí tụt hậu so với Campuchia, Lào.
Chi đầu tư giảm rất mạnh
Theo dự toán, chúng ta chi cho đầu tư phát triển năm 2014 là 163.000 tỉ đồng, trong đó có 36.000 tỉ đồng dự kiến thu từ đất (nhưng thị trường bất động sản đang trầm lắng nên cũng không chắc là có đủ số này). Trong khi đó, lẽ ra phải bố trí 260.000 tỉ đồng nhưng do ngân sách mất cân đối nghiêm trọng nên không thực hiện được. Trong tổng số 163.000 tỉ, cân đối cho các địa phương là 86.000 tỉ, còn 77.000 tỉ của trung ương (trừ thêm 16.500 tỉ vốn nước ngoài và vốn cân đối hỗ trợ địa phương 37.000 tỉ nữa thì cuối cùng ngân sách trung ương chỉ còn 39.000 tỉ đồng). Thực tế, chi đầu tư phát triển đang giảm rất mạnh, có thể nói thấp kỷ lục trong lịch sử.
Trong khi ngân sách đang thâm hụt một cách nghiêm trọng thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng sụt giảm. Giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 35-37%, thậm chí có năm tới 42% so với GDP thì đến bây giờ, năm 2013 chỉ còn 29,1%. Nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. Chúng tôi tính rằng năm 2014 muốn đạt GDP 5,8% thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 30% GDP trở lên. Muốn đạt được tỉ lệ vốn đó thì phải đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư phát triển 234.000 tỉ đồng, vậy mà chúng ta chỉ bố trí được 163.000 tỉ. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% là rất căng thẳng.
Phải phát hành thêm trái phiếu
Chúng ta nói tái cơ cấu nhưng chưa làm được nhiều, trong khi đây lại là nhu cầu và đòi hỏi cấp bách. Muốn tái cơ cấu phải có tiền, các nước khi gặp suy thoái họ có các gói kích cầu. Năm 2009 chúng ta cũng đưa ra gói kích cầu 145.000 tỉ đồng nhưng thật sự chưa hiệu quả. Nó chính là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, bất ổn của nền kinh tế như hôm nay.
"Bạn bè quốc tế nói với tôi rằng VN nếu không đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế, không tiếp tục thị trường hóa một cách mạnh mẽ thì kinh tế VN sẽ đi xuống chứ không phải là đi ngang"
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
|
Bây giờ chúng ta phải phát hành trái phiếu để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế. Phát hành trái phiếu không phải là in thêm tiền mà là vẫn cái khối tiền đang có trong lưu thông ấy, chúng ta vay để tiêu và nguồn vốn này chỉ dành để nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần tăng trưởng. Hiện đang có 1.400 công trình dở dang của các bộ, ngành, địa phương. Tôi tính chỉ cần 14.000 tỉ thôi thì có thể hoàn thành 668 công trình đang dở dang.
Thứ hai là vốn ODA, có khoản người ta cho vay 40 năm, 60 năm, chúng ta đã ký kết rồi, bây giờ mỗi năm cần 7.000-8.000 tỉ tiền vốn đối ứng nhưng ngân sách không còn tiền. Làm được cái này, tức là bỏ ra 20-30% vốn đối ứng thì chúng ta có thể giải ngân được 16-17 tỉ USD. Mà đây là những công trình gì? Đó là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Long Thành... Đó là những công trình khổng lồ, nếu không làm thì bỏ phí nguồn lực vô cùng lớn, đất nước không phát triển được. Có mỗi quốc lộ 1 và quốc lộ 14 quan trọng như vậy, nói mãi mà không làm xong.
Phải đổi mới mạnh mẽ nữa
Bạn bè quốc tế nói với tôi rằng VN nếu không đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế, không tiếp tục thị trường hóa một cách mạnh mẽ thì kinh tế VN sẽ đi xuống chứ không phải là đi ngang hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tôi cho rằng nếu không làm được như vậy thì chúng ta sẽ tụt hậu nhanh so với các nước bên cạnh, không chỉ là Thái Lan, Indonesia, Malaysia mà ngay cả với các nước láng giềng là Campuchia và Lào nữa.
Chúng ta tuyên bố xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Không sai. Nhưng bây giờ phải rạch ròi ra, thị trường là thế nào và định hướng XHCN là thế nào? Đâu phải nó là một mô hình kinh tế thị trường riêng biệt so với thế giới. Bởi “kinh tế thị trường” là cái tinh hoa của nhân loại rồi, còn “định hướng XHCN” là nói về vai trò của Nhà nước.
Ví dụ giá điện, suốt bao năm nay ngành điện kêu lỗ. Giá điện của ta chỉ bằng khoảng 70% giá thế giới, thậm chí bán dưới giá thành. Thế nhưng chúng ta đang duy trì cơ chế đó và có người cho rằng đó là XHCN đấy. Hậu quả là gì? Lỗ. Mà lỗ thì không mở rộng đầu tư sản xuất được. Làm gì có chuyện một hàng hóa mà ai ai cũng phải dùng nhưng chúng ta lại bao cấp, không có thị trường gì cả. Tôi nghĩ rằng đổi mới chắc chắn phải tiến hành mạnh mẽ hơn thì chúng ta mới thoát khỏi nghèo đói được, mới tránh được tụt hậu.
Cuối cùng, tôi cho rằng tài nguyên lớn nhất của VN không phải là khoáng sản, dầu khí, bởi dăm năm nữa hết dầu khí thì không còn cái gì để thu. Tài nguyên lớn nhất của VN là con người. Nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi là bộ trưởng, muốn nhận một cháu học tiến sĩ giỏi đang làm bên ngoài 50 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ về bộ cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác. Nhưng tôi không nhận được vì không trả lương như vậy được, và nếu tôi cho nghỉ việc mấy người kém để tuyển cậu ấy vào thì tôi sẽ bị kiện ngay. Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà cán bộ dốt, không thu hút được người tài thì làm sao có chính sách tốt được.
Gánh nặng khổng lồ đầu tư dàn trải
Nếu vào đầu nhiệm kỳ, Chính phủ không kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, cứ để tình trạng ồ ạt theo phong trào như các năm trước đó, thì tôi có thể nói là đất nước đến nay đã vỡ nợ. Đến nay cơ bản là đã khống chế được tình trạng tràn lan trong xây dựng cơ bản của Nhà nước, khống chế được các dự án trong kế hoạch nên số nợ đọng không lớn, chỉ khoảng hơn 50.000 tỉ. Nhưng tổng các khoản nợ khác thì có thể hơn.
Từ hồi tôi về làm bộ trưởng đến giờ hầu như không ký cái nào mới, chỉ lo đi chữa cháy các dự án đang tồn đọng.
|
LÊ KIÊN ghi
cần đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào nữa, đổi mới mà k hiệu quả, k thiết thực thì cũng như k
Trả lờiXóahạt điều mật ong