Bài trên báo SGGP Thứ tư, 09/10/2013, 07:24 (GMT+7)
LTS: Kiến trúc sư Hoàng
Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (nguyên Viện trưởng
Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM) là một trong những chuyên gia tham gia xây dựng
quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vùng TPHCM. Bắt đầu từ dự án xây
dựng đường nối khu vực Tân Vạn (quận 9 - TPHCM) với đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng
Nai) đang được Bộ Giao thông Vận tải, UBND TPHCM và Đồng Nai tích cực triển
khai, kiến trúc sư Hoàng Minh Trí đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
Ông Trí cho biết:
Mặc dù về mặt hành chính, đô thị mới Nhơn Trạch không thuộc TPHCM nhưng theo
quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, Nhơn
Trạch là một trong những đô thị vệ tinh của TPHCM.
Thiếu nhạc trưởng
Việc xây dựng tuyến đường
kết nối từ khu vực Tân Vạn, vùng đất phía Đông Bắc của TPHCM, với Nhơn Trạch có
ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của cả TPHCM và Nhơn Trạch. Vùng phía
Đông Bắc của TPHCM bao gồm các quận 9 và Thủ Đức hiện được TPHCM quy hoạch làm
nơi phát triển khu đô thị khoa học với khu công nghệ cao và khu Đại học Quốc
gia TPHCM. Trong khi đó, theo quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM, Nhơn Trạch được
quy hoạch làm nơi đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm sản xuất hàng
hóa.
Như vậy, những nghiên cứu
mang tính khoa học ứng dụng của khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia TPHCM sẽ
có cơ hội được triển khai thực tế ở Nhơn Trạch, một khi hai địa phương này được
kết nối bằng tuyến đường giao thông thuận lợi. Các sinh viên theo học tại Đại
học Quốc gia TPHCM cũng sẽ có cơ hội tìm việc làm ở Nhơn Trạch, thay cho việc
đổ dồn vào khu nội đô TPHCM, làm gia tăng sức ép về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội cho TPHCM vốn đã quá tải. Ngược lại, khi đô thị mới Nhơn Trạch có nhiều
người đến sinh sống và làm việc, sẽ không còn tình trạng vắng vẻ như hiện nay
nữa. Việc lãng phí đất đai và chi phí xây dựng các khu đô thị mới ở đây sẽ từng
bước được giải quyết.
|
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM cần có sự
gắn kết để phát triển. Ảnh: Cao Minh
|
* Chỉ với một con đường gắn
kết hai đô thị theo như quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đang được chuẩn bị triển
khai đã thấy được rất nhiều ích lợi trong việc liên kết vùng… Vậy tại sao quy
hoạch xây dựng Vùng TPHCM đã được phê duyệt cách nay 5 năm nhưng ngoài những
kết nối đã có từ lâu, những kết nối mang tính đột phá như việc xây dựng đường
nối Tân Vạn - Nhơn Trạch không nhiều, thưa ông?
* Kiến trúc sư HOÀNG MINH TRÍ: Trong hội nghị giao ban gần đây nhất do Bộ Xây dựng tổ
chức, tất cả 8 tỉnh, thành phố trong Vùng TPHCM đã thống nhất đánh giá nguyên
nhân lớn nhất của tình trạng này là… thiếu một nhạc trưởng. Tất cả 8 tỉnh,
thành phố đã đồng lòng kiến nghị phải thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch
xây dựng Vùng TPHCM do một phó thủ tướng làm trưởng ban để điều phối công tác
đầu tư phát triển chung của cả vùng đô thị này. Hiện nay, do thiếu sự chỉ đạo
thống nhất, các địa phương trong vùng vẫn chủ yếu tự lo cho… chính mình. Nguồn
lực của các địa phương vốn đã khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế,
nay lại bị phân tán cho các nhu cầu cấp thiết trước mắt của chính mình nên càng
bị dàn mỏng. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vùng đô thị TPHCM mặc dù là
vùng kinh tế đóng góp vào GDP lớn nhất của cả nước nhưng thời gian qua hầu như
chưa tạo được “quả đấm thép” nào lớn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu
vực cũng có nguyên nhân từ thực tế này. Đã vậy, đây đó lại đang xuất hiện tình
trạng cục bộ địa phương, mạnh địa phương nào lo địa phương nấy…
Ví dụ, mặc cho TPHCM nóng
ruột và đã phải chi hàng trăm tỷ đồng để xử lý tình trạng ô nhiễm của kênh Ba
Bò (quận Thủ Đức) nhưng các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương - nơi xả nước
thải xuống kênh Ba Bò vẫn vô tư hoạt động. Tỉnh Bình Dương có xử phạt những
doanh nghiệp cố tình xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống kênh, rạch đổ
nước về kênh Ba Bò của TPHCM nhưng tình trạng ô nhiễm của kênh Ba Bò vẫn chưa
được cải thiện triệt để… Hay như việc phát triển hệ thống cảng biển ở khu vực
Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM vẫn chưa có sự gắn kết.
Gạt bỏ cục bộ địa phương
* Kiến nghị của 8 tỉnh,
thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vùng đô thị TPHCM đã có phản
hồi chưa, thưa ông?
* Chưa. Nhiều chuyên gia về đô thị và cả các chuyên gia về kinh tế cũng ngạc
nhiên về vấn đề này. Khu Tây Nam bộ có Ban Chỉ đạo Khu Tây Nam bộ do Phó Thủ
tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban; khu vực Tây nguyên có Ban Chỉ đạo do Ủy viên
Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang làm Trưởng ban; khu Tây Bắc
có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo…
Trong khi đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế đầu tàu của cả
nước lại chưa có ban chỉ đạo do một vị lãnh đạo Chính phủ đứng đầu. Thành lập
một ban chỉ đạo như Ban Chỉ đạo lưu vực sông Đồng Nai, lãnh đạo các địa phương
trong lưu vực thay phiên nhau làm trưởng ban, hoạt động cũng khó đạt hiệu quả
vì hiệu quả chỉ đạo không cao.
* Ở góc độ một chuyên gia về quy hoạch, theo ông nên bắt đầu thực hiện quy
hoạch xây dựng Vùng TPHCM từ đâu trong bối cảnh hiện nay, để Vùng đô thị TPHCM
thực sự trở thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu kinh tế của cả
nước?
* Ngoài yêu cầu về một nhạc trưởng, tôi cho rằng cần bắt đầu từ những đột phá
về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông kết nối các khu vực
trọng điểm trong khu vực. Có thể là chỉnh trang, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các
tuyến đường cũ đã bị quá tải hoặc xây dựng các tuyến đường mới. Từ giao thông,
sẽ hình thành các hành lang kinh tế, giúp khu vực phân bố lại lực lượng lao
động, dân cư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo
chương trình, kế hoạch của vùng. Việc đầu tư, phát triển đô thị và các hoạt
động kinh tế khác phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở lợi ích của cả vùng và phải
coi đây là một trong những tiêu chuẩn ưu tiên hàng đầu.
Trước mắt, TPHCM và các địa
phương trong vùng phải chủ động ngồi lại với nhau bàn kế hoạch liên kết cùng
phát triển. Trung ương nên xem xét, đánh giá hoạt động hiệu quả của cả vùng,
cùng với việc đánh giá chỉ tiêu phát triển của từng địa phương để phát huy thế
mạnh của từng tỉnh, thành phố trong liên kết phát triển vùng bền vững. Nhất
định phải gạt bỏ được tính cục bộ địa phương trong đầu tư phát triển thì Vùng
đô thị TPHCM mới thực sự phát huy được thế mạnh của mình. Trong bối cảnh kinh
tế thế giới khủng khoảng, nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì
càng cần hợp lực hơn nữa để cùng phát triển.
* Cảm ơn ông!
Vùng TPHCM bao gồm TPHCM và 7 tỉnh: Bình Dương, Bình
Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang. Đây là
vùng có hoạt động kinh tế phát triển nhất Việt Nam, thu ngân sách chiếm đến
gần 60% tổng thu ngân sách của cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 70% tổng
kim ngạch xuất khẩu, dân số đông và dẫn đầu cả nước về đầu tư nước ngoài, GDP
cũng như nhiều yếu tố xã hội khác. Mục tiêu của quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM
là phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình tập trung đa
cực với TPHCM là đô thị hạt nhân.
|
NGUYỄN
KHOA (thực hiện)
Cấu trúc phát triển không gian vùng
chưa hình thành theo đúng định hướng trong quy hoạch được phê duyệt. Các vùng
cảnh quan sinh thái, du lịch, nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên chưa được quản
lý và đầu tư khai thác phát triển tốt. Mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình
thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng nhưng vai trò, chức năng
của các đô thị đối trọng trong vùng còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được
yêu cầu.
Hiện tượng định cư tập trung chủ yếu
vào TPHCM đã dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ảnh hưởng tới môi
trường đô thị. Thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch được phê duyệt đã
dẫn đến sự phát triển các khu dân cư, công nghiệp, dịch vụ lan tỏa theo các
tuyến giao thông liên vùng, hình thành các chuỗi đô thị xâm lấn vào các vùng
nông nghiệp, lâm nghiệp và cảnh quan cần bảo tồn. Các dự án công trình đầu
mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu
cầu liên kết vùng. Dự án hạ tầng kỹ thuật cấp vùng thường lâu, sinh lời ít
hoặc không sinh lời, các cơ chế ưu đãi đầu tư thường gặp khó khăn khi triển
khai nên sức hút đầu tư vào đây không cao.
Các chương trình phát triển nhà ở tại
Vùng TPHCM chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng mất
cân đối cung-cầu và lãng phí trong sử dụng quỹ đất đô thị. Các quy hoạch và
đầu tư xây dựng tại các khu vực nông thôn gắn với các vùng sản xuất nông
nghiệp, lâm nghiệp, khai thác du lịch chưa tập trung đầu tư đúng mức, dẫn đến
phát triển thiếu cân bằng, bền vững giữa đô thị và nông thôn. Nhìn chung, việc
xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật khung triển khai còn chậm, chưa đáp ứng
được nhu cầu phát triển”.
(Trích đánh giá của Bộ Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050). |
Nhận xét
Đăng nhận xét