Trần Hiệp Thuỷ
Cho đến nay, trong 4 dòng nông
sản chủ lực vùng ĐBSCL, gồm lúa - gạo, trái cây, cá tra và tôm, thì duy nhất
chỉ có cây ăn trái là chưa có quy hoạch theo vùng mà do từng địa phương thực
hiện.
Với gần 300.000ha cây ăn trái,
lớn nhất cả nước, miệt vườn miền Tây cho sản lượng hơn 3 triệu tấn trái
cây/năm, chiếm hơn 70% sản lượng trái cây của cả nước. Trong đó, mới chỉ có
khoảng 10% sản lượng được xuất khẩu, 90% còn lại tiêu thụ nội địa. Xứ sở này
cũng là quê hương của nhiều loại trái ngon, nổi tiếng như bưởi Năm Roi Bình
Minh (Vĩnh Long); xoài cát Hòa Lộc - Cái Bè, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, thanh long
Chợ Gạo (Tiền Giang); sầu riêng Chợ Lách, nhãn cơm xuồng (Bến Tre); dâu Hạ Châu
(Cần Thơ)... được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến.
Xoài cát Hoà Lộc (Tiền Giang) |
Tuy nhiên, sản phẩm trái cây của
vùng bị “cắt khúc” do quy hoạch được thực hiện theo từng địa phương. Diện tích
vườn cây nhỏ lẻ, manh mún, khó xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng
cao. Năng lực đầu tư và trình độ sản xuất của nhà vườn còn nhiều hạn chế,
thường xuyên chịu cảnh "trúng mùa, rớt giá". Trong khi các doanh
nghiệp xuất khẩu trái cây thì kêu thiếu nguyên liệu. Theo Viện Nghiên cứu cây
ăn quả miền Nam, chỉ mới có hơn 2,5% lượng trái cây trong vùng được bán trực
tiếp cho doanh nghiệp, còn lại hơn 97% bán qua trung gian. ĐBSCL đã từng trải
qua đại dịch vàng lá gân xanh (greening) trên cây ăn trái. Nhiều mảnh vườn xơ
xác vì bị lây nhiễm “bệnh sida cây trồng” quái ác. Nhiều nhà vườn và các địa
phương “thấm đòn” khi sản xuất thiếu liên kết. Yêu cầu phòng, chống dịch bệnh
cây trồng, thực hành nông nghiệp tốt, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, giữa
vườn cây với thị trường đang đặt ra vấn đề liên kết vùng trái cây ĐBSCL như một
mệnh lệnh.
Câu chuyện liên kết vùng trái cây
đã được đề xuất từ nhiều năm rồi mà vẫn chưa có cơ chế để thực thi. Bộ, ngành
làm chậm, địa phương chờ đợi. Một số tỉnh như Long An, Bến Tre, Tiền Giang đã
chủ động bắt tay nhau liên kết. Nhưng những vấn đề như dịch bệnh, nguồn nước,
thị trường... phải được giải quyết ít nhất ở cấp vùng, chứ vài ba tỉnh không
làm nổi. Phải liên kết vùng và nó cần phải được hỗ trợ bằng khung cơ chế, chính
sách và pháp lý từ Trung ương. Liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ trái
cây ĐBSCL đang là đòi hỏi bức thiết.
Nhận xét
Đăng nhận xét