Pháp luật TPHCM, Thứ Năm, ngày 13/2/2014 - 01:10
Các địa phương triển khai khá nhiều chính sách liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh, dù vậy những chính sách này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ nhằm phát huy tiềm năng kinh tế, khai thác lợi thế từng địa phương là vấn đề đã được đặt ra từ năm 2011 đến nay. Mặc dù vậy, đến nay hiệu quả đạt được vẫn chưa cao và còn là nỗi trăn trở của doanh nghiệp (DN).
Đầu ra đầu vào đã gặp nhau
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, với việc liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL, đến nay đã có hơn 800 dự án với tổng giá trị hơn 200.000 tỉ đồng từ các DN của TP đầu tư vào vùng ĐBSCL.
Đại diện Công ty Ba Huân cho biết thông qua chương trình liên kết, DN đã triển khai một trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại Bình Dương với quy mô 18 ha, tổng đàn là 500.000 con gà đẻ. Tại Kiên Giang, DN cũng tổ chức liên kết thu mua vịt của các hộ nông dân và đầu tư một trang trại gà gồm 80.000 con. Hằng năm DN đầu tư cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho các vùng với tổng giá trị lên đến 500 tỉ đồng/năm.
DN các tỉnh quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm của mình tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2013. Ảnh: TÚ UYÊN
Các DN cho biết việc liên kết với các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường TP. Đồng thời cũng phát triển và mở rộng mạng lưới phân phối đến các tỉnh giúp trao đổi hàng hóa đến các địa phương cùng nhau phát triển.
Ngoài ra, hiện nay ba chợ đầu mối của TP.HCM tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương trong cả nước, chủ yếu là các tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ.
Cần thêm đầu mối liên kết
Mặc dù các chính sách liên kết bước đầu đạt được hiệu quả tốt, thế nhưng theo các DN, việc liên kết hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ hiện nay liên kết vùng chỉ dừng lại ở mua bán nguyên liệu sản phẩm. Có thể nhìn thấy rõ hoạt động nhỏ lẻ không cân đối đồng bộ với sản xuất công nghiệp. Từ cái nhỏ lẻ đó sản xuất manh mún không tạo được các kênh giao nhận tiếp vận nguyên liệu. Hiện một ngày TP.HCM tiêu thụ 100.000 con heo mà DN thì không thể đi đến từng hộ thu mua được.
Cũng theo ông Mười, Việt Nam cũng chưa có thương hiệu vùng nguyên liệu, đặc biệt với thịt gia súc nên không thể xuất khẩu được. Bởi khi nói về khu vực châu Á, người ta nghĩ đến vấn đề còn dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại TPP và khi đó sẽ gỡ bỏ 11.000 dòng thuế. Dù vậy rào cản kỹ thuật, rào cản về thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm ở trong nước hiện nay còn yếu, do đó chúng ta sẽ dễ bị ứ đọng lại nguồn nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN và Trang trại Việt Nam, muốn tiêu thụ sản phẩm tốt phải xây dựng hệ thống tiêu thụ, hệ thống này nối kết tất cả đầu vào phục vụ đầu ra. Để liên kết vùng có hiệu quả, Nhà nước phải có chủ trương từ trung ương cho thành lập trung tâm, tổng công ty trên toàn quốc để tạo ra hệ thống phân phối cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tất cả công ty nước ngoài muốn mua gì phải vào trung tâm này, họ không được vào mua trực tiếp người bán. Trung tâm này lấy phí giao dịch theo quy định của Nhà nước.
Riêng theo ông Hiệp, phải xác định trọng tâm, trọng điểm của liên kết. Không phải các tỉnh, thành đều có thế mạnh như nhau. Dù cùng là tỉnh nông nghiệp nhưng có địa phương mạnh về trồng lúa như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp; Cà Mau không mạnh về lúa thì mạnh về tôm... Vì vậy, liên kết vùng phải chọn thế mạnh của từng địa phương để phát huy thành thế mạnh của vùng. Đồng thời cần vai trò của Nhà nước tạo cơ chế chính sách, định hướng và thông tin để DN thực hiện.
TÚ UYÊN
Sở Công Thương TP.HCM cho biết trong năm 2013, TP đã hỗ trợ DN triển khai nhiều dự án đầu tư, đặc biệt có 97 dự án siêu thị phủ trên khắp các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ. Mục đích nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ cho DN mở rộng sản xuất mở rộng thị trường
|
Nhận xét
Đăng nhận xét