19/10/2012, 16:40:28
(VTV Cần Thơ) - Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, hàng năm đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 90% sản lượng gạo, 60% thủy sản và khoảng 70% trái cây xuất khẩu của cả nước. Tuy dẫn đầu về sản lượng, song giá trị mà các sản phẩm này mang lại chưa cao, đời sống của người nông dân còn nhiều bấp bênh. Vì sao lại có sự mâu thuẫn giữa sản lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long? Sáng nay (19-10), Tạp chí Cộng Sản phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội thảo: “Vai trò khoa học – công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL" nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, kĩ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp của nông dân đồng bằng sông Cửu Long không thua bất cứ khu vực nào trên thế giới. Sản phẩm mà họ làm ra có khả năng cạnh tranh ở những thị trường khó tính. Vậy tại sao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nơi đây vẫn còn thấp? Các nhà khoa học cho rằng do sản xuất nông nghiệp của ta từ trước đến nay còn nhỏ lẻ, manh mún, vì thế khi đối tác đặt hàng với số lượng lớn ta không đủ để cung ứng; vấn đề liên kết trong sản xuất chưa được thực hiện chặt chẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chế biến và người nông dân chưa có tiếng nói chung; chưa có nhà máy công nghệ cao để chế biến nông sản tại chỗ sau thu hoạch… Những vấn đề trên là nguyên nhân chính dẫn đến giá trị sản phẩm nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với tiềm năng.
"Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước." PGS. TS Vũ Văn Phúc – Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: "Vì vậy chúng tôi cho rằng việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy, nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển."
Những năm gần đây hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển biến theo hướng tích cực; chỉ tính từ năm 2010 đến nay, toàn vùng có 570 đề tài, dự án khoa học được Sở Khoa học - Công nghệ các tỉnh, thành công nhận. Trong đó có 37% các đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp. Mặc dù vậy, tính khả thi của các đề tài chưa cao, chưa sát thực tiễn. Vì thế, việc nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
"Hiện nay việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp của ta còn nhiều hạn chế, thiếu tính liên kết. Vì vậy khoa học công nghệ có vai trò trong việc liên kết, thúc đẩy các ngành mũi nhọn này phát triển trong tương lai… " Thạc sỹ Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Xã hội – Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đặt vấn đề.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cho các mặt hàng nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, đầu tư phát triển, nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hoạch cũng như chế biến được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng đồng bằng sông Cửu Long cần có trung tâm ứng dụng nông nghiệp chất lượng cao; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để kịp thời xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt, cần lai tạo nhiều giống lúa mới để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khẳng định: "Hiện nay chúng ta có nhiều giống lúa tốt, tuy nhiên thời gian tới khi ảnh hưởng của biến đổi khi hậu tăng thì chúng ta cần nhiều giống lúa mới thích hợp. Ngoài ra, làm thế nào để hạ giá thành sản phẩm giúp người dân có lãi."
Để người nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thu nhập ổn định từ mảnh vườn thửa ruộng của mình thì vấn đề quy hoạch lại sản xuất; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc thù của vùng cần được ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực triển khai thực hiện. Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước thì việc nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến của các địa phương là cần thiết. Một khi các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ thì nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững trong tương lai./. (Thanh Phong)
Để người nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thu nhập ổn định từ mảnh vườn thửa ruộng của mình thì vấn đề quy hoạch lại sản xuất; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc thù của vùng cần được ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực triển khai thực hiện. Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước thì việc nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến của các địa phương là cần thiết. Một khi các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ thì nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững trong tương lai./. (Thanh Phong)
Nhận xét
Đăng nhận xét