TTO 09-02-2014 – Dư luận dậy sóng sau khi hay tin lúc 2g sáng 9-2, tác giả Nguyễn Hà Đông loan báo trên Twitter rằng anh gỡ bỏ game Flappy Bird ra khỏi App Store.
Ngày 9-2, tác giả Nguyễn Hà Đông loan báo mình sẽ gỡ bỏ game Flappy Bird ra khỏi App Store.
|
Từ Hãng tin Reuters đến USA Today, Los Angeles Times, từ trang mạng The Independent (Anh) đến Irish Times (Ấn Độ), từ tạp chí chuyên ngành PC Magazine đến kênh truyền thông ABS CBN News (Philippines)… đều đăng tải tin này. (Tuổi Trẻ Online đưa tin sáng nay 9-2 TẠI ĐÂY).
Hãng tin Reuters 9-2 viết: “Đông không đưa ra bình luận gì, tắt điện thoại sau khi đã hủy cuộc hẹn phỏng vấn với Reuters hôm thứ năm và không thu xếp cuộc hẹn vào thứ sáu”.
“Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của bản thân. Nhưng nó cũng phá hủy cuộc sống giản đơn của tôi. Vậy nên giờ tôi ghét nó”
- Nguyễn Hà Đông viết trên Twitter.
|
Reuters dẫn lời Đông nói anh đã lấy cảm hứng từ trò chơi Mario Bros của Nintendo để sáng tạo ra trò Flappy Bird. Reuters cũng cho hay hai người bạn của Đông cho biết Nintendo đã gửi một bức thư cho Đông. Tuy nhiên, nhà sản xuất game Nhật Bản cho biết họ không xem xét đến chuyện đi kiện Đông.
“Nghe giống như tin đồn, nhưng nếu có thì chúng tôi cũng không thể bình luận gì về đều này”, đại diện truyền thông của Nintendo trả lời Reuters ngày 7-2.
Ảnh: mashable |
Có hai ý kiến của bạn đọc Tuổi Trẻ về Flappy Bird đăng tải trên TTO. Bạn đọc Hoàng Dũng đánh giá: “Tôi chưa chơi trò này nhưng xem qua giao diện trò chơi trên Youtube thấy đây có vẻ là 1 game cóp nhặt từ nhiều game khác như Mario, Angry Bird... Cũng có thể tác giả sợ bị kiện cáo vì vi phạm bản quyền nên đã tự gỡ bỏ. Hi vọng người Việt sáng tạo ra nhiều game mới lạ và hay để mọi người biết tới”.
Bạn đọc Le Nguyen Hoa thì bình luận: “Tất cả chỉ là thử thách! Đông ơi, hãy mạnh mẽ và bản lĩnh vượt qua thử thách này! Bạn đang là niềm tự hào của Việt Nam! Mạnh mẽ hơn để ít nhất là đương đầu với nó hoặc rút lui một cách yếu ớt là tùy bạn. Nhưng nên nhớ rằng dù là vô tình hay hữu ý bạn vẫn đang đại diện cho thanh niên Việt Nam, hành động của bạn sẽ phản ánh một phần khả năng của chúng tôi khi đứng trước thử thách.
Đông đừng nên hoang mang, cuộc chiến pháp lý về bản quyền không hề đơn giản bằng một vài ba tuyên bố trên mạng là được. Tất cả những ai muốn chống lại Flappy Bird đều phải ít nhất chứng minh rằng họ đã tạo ra một game đã đăng ký bản quyền trước đó và Đông đã copy từ một hoặc toàn bộ game của họ từ hình ảnh, màu sắc, âm nhạc... Tôi chúc và hy vọng bạn sẽ đủ bản lĩnh và tỉnh táo để đương đầu với thử thách này chứ không rút lui êm thấm như một kẻ nhát hèn”.
Trong khi đó trên các trang tin mạng và diễn đàn ở Việt Nam, có khá nhiều bài viết và ý kiến được đăng tải. Một tác giả trên Vitalk lấy tựa đề “Flappy Bird: Người Việt đố kỵ, thế giới tung hô" cho bài bình luận của mình có đoạn: "Một người Việt thành công với game gây sốt toàn cầu. Báo chí nước ngoài tung hô, vui mừng thì chính người Việt Nam lại tỏ ra nghi ngờ, “dìm hàng” Flappy Bird.
Người Việt thật sự thông minh để bắt lỗi hay chỉ đơn thuần là sự đố kỵ nhỏ nhen? Trong khi các báo nước ngoài đưa những thông tin thú vị về game, những phản ứng độc đáo của người dùng thì người trong nước chăm chăm bắt lỗi, chê bai một trong những thành công sáng giá của game Việt.
Flappy Bird thành công vì cái gì thì ai chơi cũng tự nhận ra. Nếu chỉ nhờ may mắn, chỉ nhờ gian lận, liệu nó có “lừa” được cả triệu người để đứng vững trên bảng xếp hạng suốt hơn 3 tuần? Đến bao giờ, người Việt mới biết bỏ qua cái tính đố kỵ vặt vãnh để ủng hộ những con người thành công đích thực”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies khi trả lời phỏng vấn trên Zing News ngày 9-2, đánh giá rằng: “Gỡ bỏ Flappy Bird là quyết định thông minh của Hà Đông”.
Ông Tuấn cũng chia sẻ: “Dân công nghệ thường có cuộc sống khá đơn giản và khép kín, họ chỉ muốn tập trung làm việc vì đam mê của họ mà thôi. Thời gian vừa qua rõ ràng là truyền thông đã gây ảnh hưởng quá nhiều và không tốt đến cuộc sống của tác giả, vì thế việc gỡ bỏ game sẽ làm giảm thiểu những áp lực này…. Đừng dập tắt đam mê của Đông cũng như làm cho ngành công nghệ non trẻ của Việt Nam cảm thấy sợ hãi khi lao động và thành công”.
TR.N.
* Mời bạn đọc đón xem bài viết "Bài học thực tế từ game di động Flappy Bird" trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10-2
Nhận xét
Đăng nhận xét