Báo Nông Nghiệp Việt Nam
HOÀNG ANH -Thứ Ba, 18/02/2014, 10:14 (GMT+7)
Vài lời: Cái tít bài đúng là vậy, nhưng nói như thế này (trích từ nội dung bài viết) "Tóm lại, ngành mía đường thê thảm như hiện nay hoàn toàn tại các doanh nghiệp hết. Chả phải tại địa phương, không phải tại Chính phủ hay bộ này bộ nọ như họ kêu đâu. Đừng đưa ra tranh cãi mấy vấn đề vớ vẩn ấy"... thì cũng tội doanh nghiệp quá. Chã lẽ, ai mang tên "doanh nghiệp" mía đường, thì cũng có lỗi làm ra cái "tại" đó sao? Đây là nguyên văn bài viết:
Đề cập đến thực trạng thê thảm hiện nay của ngành mía đường, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (ảnh), “cha đẻ” của Chương trình 1 triệu tấn đường tới năm 2000 trước đây thẳng thắn: Cứ nói là nghe họ nói hết Bộ trưởng sẽ rơi nước mắt, tôi thấy nực cười thì đúng hơn. Không ai khóc cho họ đâu!
Thà họ khó khăn thật cơ, đằng này điều kiện khách quan thuận lợi, thiết bị sản xuất không vấn đề gì, nông dân cần cù, cơ chế chính sách đều ổn thì phải đặt câu hỏi là vì sao lại chết?
Những con số không thể chấp nhận được
Thưa ông, đúng là thực trạng ngành mía đường hiện nay vô cùng thê thảm, nhưng nguyên nhân chính liệu có phải là do nạn đường lậu đang tung hoành, cơ chế chính sách xuất khẩu chưa phù hợp như nhiều ý kiến hiện nay không?
Đã hơn 20 năm chúng ta thực hiện chương trình mía đường. Nếu nói về chính sách thì Chính phủ đã giải quyết 2 trục trặc lớn nhất của ngành mía đường Việt Nam là chính sách tài chính, giải quyết nguồn vốn hỗ trợ, không phải vay lãi suất cao, thứ hai là cổ phần hóa các doanh nghiệp mía đường. Nhờ hai chính sách đó mà ngành mía đường ổn định và phát triển. Thay thế nhập khẩu hàng tỷ đô la, tạo hàng triệu việc làm cho người nông dân. Có những vùng nông dân giàu nhờ mía đường như Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hóa...
Mặc dù vậy, sau mấy chục năm phát triển, ngành mía đường Việt Nam vẫn lạc hậu nhất vùng Đông Nam á. Một thực trạng rất đáng phê phán, rất đáng rút kinh nghiệm.
Tôi lấy 2 ngành có nhiều điểm tương đồng để làm phép đối chiếu là mía đường và bò sữa. Trong khi ngành bò sữa cập nhật được toàn bộ tiến bộ của ngành sữa quốc tế thì mía đường vẫn trầy trật, tụt hậu. Trách ai bây giờ đây?
Chỉ tiêu quan trọng thứ nhất là năng suất thì mía đường Việt Nam thuộc loại bét trong khu vực. Trong khi ở Quảng Tây (Trung Quốc) và Thái Lan người ta thường đạt năng suất hơn 100 tấn mía cây/ha, thu về hơn 100 triệu đồng/ha thì Việt Nam vẫn lẹt đẹt từ 50-60 tấn/ha.
Chỉ tiêu thứ hai là giá thành. Đường RS của Việt Nam ở thời điểm này có giá bán buôn tại nhà máy khoảng 12.000 – 12.500 đồng/kg, trong khi đó ở Thái Lan với giá từ 11.500 – dưới 12.000 đồng/kg. Giá đường Việt Nam luôn ở mức cao hơn so với Thái Lan từ 10-30%. Vì sao vậy?
Thứ ba là tiềm năng của ngành mía đường. Trong khi ở các nước sản lượng đường đã đạt từ 10-20 tấn/ha/năm thì ở Việt Nam, để có 1,5 triệu tấn đường phải cần tới 300 nghìn ha. Tính ra mỗi ha chỉ có 5 tấn đường thôi. Đó là những con số không thể chấp nhận được.
Tại sao? Tôi muốn gửi câu hỏi này đến tất cả các nhà máy, xí nghiệp trong ngành mía đường của cả nước. Các anh đừng có ngồi đó mà trách Nhà nước, vì tất cả các chính sách Nhà nước đều có hết rồi, giải quyết thuận lợi hết rồi còn gì? Chúng ta thử ngồi nghĩ xem, thử kiểm điểm lại cả hệ thống của ngành mía đường xem, rõ ràng là hệ thống ngành mía đường Việt Nam hiện nay đang có vấn đề. Nhà nước chẳng có khuyết điểm gì ở đây cả, do nội tại ngành có vấn đề mà thôi.
Vậy, cụ thể vấn đề cốt lõi khiến ngành mía đường "bầm dập" như hiện nay là gì, thưa ông?
Đó là vấn đề năng suất rất thấp, trữ lượng đường rất thấp trong khi chi phí đầu tư cao. Chúng ta nên nhớ rằng, tiềm năng của mía đường Việt Nam còn rất lớn. Hoàn toàn có thể đưa năng suất, trữ lượng đường tăng lên đồng thời hạ giá thành đầu tư xuống để đảm bảo vừa có lãi, vừa có thể cạnh tranh với đường Thái Lan. Nhưng tôi thực sự không hiểu sao ngành mía đường không làm được điều đó. Có thể làm được nhưng không làm thì kêu ca cái gì, khóc lóc với ai đây.
Lãng phí một nửa diện tích đất trồng mía
Thưa ông, như thế có nghĩa là ngành mía đường hoàn toàn có thể thay đổi được nếu có một cuộc cách mạng?
Chính xác là một cuộc cách mạng từ cây mía cho đến hạt đường, từ đầu đến cuối.
Về thiết bị máy móc không có chuyện gì để mà kêu ca cả. Thiết bị của chúng ta hiện nay đều được nhập về từ Úc và các nước tiên tiến. Nhiều nhà máy có công suất lên đến 6-8 ngàn tấn mía/ngày. Các nhà máy của Trung Quốc cũng 1,5 nghìn tấn/ngày. Thiết bị phù hợp, không có gì lạc hậu, không phải thay gì cả. Vì vậy năng suất kém, sản lượng thấp là do thâm canh, do quản lý kém nên đẻ nhiều thứ chi phí vô lý, đội giá thành lên cao.
Vừa rồi tôi đi Tuyên Quang, một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như vậy mà diện tích mía đường đứng thứ 6 cả nước. Họ có 2 nhà máy đường, diện tích mía 15 ngàn ha. Tỉnh vừa yêu cầu làm thêm một nhà máy đường nữa để đưa diện tích lên 30 ngàn ha, đứng thứ nhì cả nước. Đường vẫn bán chạy, đời sống nông dân được nâng cao, đóng góp ngân sách đứng thứ nhì cả tỉnh. Vì vậy ngành mía đường đừng có kêu lỗ.
Hay như Công ty mía đường Việt Nam – Đài Loan. Họ tuyên bố sang năm 2015 sẽ hạ giá đường xuống dưới 11.000 đồng/kg vẫn có lãi. Chẳng sợ cạnh tranh với đường Thái Lan.
Dường như ông đã có những phép tính, hướng đi cụ thể để khẳng định điều đó?
Muốn làm được như vậy thì thứ nhất là phải cấu trúc lại diện tích cây mía. Hiện nay năng suất bình quân của chúng ta là 50 tấn/ha. Nhưng để phát triển được, nông dân sống được, DN có lãi thì đất mía trên đồi phải 70-80 tấn/ha (100 triệu/ha/năm). Còn đất ruộng phải đạt 150-200 tấn/ha (200 triệu đồng/ha/năm). Còn không sớm muộn gì người ta cũng bỏ mía.
Thứ hai là giống mía. Hiện nay đã có nhiều loại giống đạt năng suất từ 150-200 tấn/ha/năm rồi. Phải phổ cập cho nông dân ngay đi chứ. Đằng này tôi thấy ở nhiều nơi chúng ta còn cho trồng các loại giống mía ra hoa. Với mía đường, nếu để ra hoa tức là chấp nhận hàm lượng đường giảm từ 1-2%. Hàm lượng đường của Việt Nam đã kém thế giới từ 3-4% rồi, lại phải giảm thêm vì những nguyên nhân thế này thì chết.
Thứ nữa là thâm canh. Chúng ta đang thâm canh mía theo 3 khâu và cả 3 khâu đều kém như nhau cả. Tôi đã nghiên cứu và dám khẳng định rằng, với cách làm hiện nay chúng ta đang lãng phí một nửa diện tích đất trồng mía.
Cụ thể, đã là mía thì phải tưới mới tăng được năng suất, phải có chế độ phân bón phù hợp hàm lượng đường mới cao, phải cơ giới hóa mới giảm giá thành đầu tư được. Ngành mía đường chưa làm được những điều đó.
Tôi tính, 300.000 ha trồng mía chỉ thu về có 19 triệu tấn mía cây. Nếu chúng ta làm bài bản thì chỉ cần 150.000 ha là đủ sản lượng rồi. Đất đồi cao đang trồng mía thì chuyển đổi sang cây trồng khác đi. Phải chuyển một số diện tích đất lúa sang làm mía, đặc biệt là diện tích lúa một vụ. Đất lúa cùng lắm 60 triệu đồng/ha trong khi mía lên 200 triệu đồng/ha. Trồng mía gấp 3 lần trồng lúa, tội gì không chuyển đổi.
Một vấn đề quan trọng nữa là cơ giới hóa thu hoạch. Thế giới người ta đã cơ giới hóa 80-90% rồi, trong khi đó ở ta mới chỉ được đâu 10-20%, chủ yếu là khâu làm đất, còn lại đều thủ công hết. Thời đại bây giờ, sản xuất lớn mà cứ tính ngày công thì chịu sao được. Phải cơ giới hóa thu hoạch thì chi phí đầu tư mới giảm được. Muốn hạ giá đường để cạnh tranh mà vẫn có lãi điều cốt yếu là cần phải hạ chi phí đầu tư. Thái Lan đã làm được những khâu này nên đường họ mới rẻ thế.
Nhiều ông có cổ phần nên cứ kêu đòi Nhà nước bảo trợ
Thưa ông, nếu thực sự như thế thì ngành mía đường hoàn toàn có thể tự mình thoát khỏi thực trạng u ám, thê thảm như hiện nay. Nhưng chính những người trong cuộc lại kêu ca rất thống thiết. Họ có thật sự bất lực?
Một chuỗi biện pháp như tôi vừa nói nhằm đạt mục tiêu một ha trồng mía có thể thu nhập từ 100-200 triệu đồng cho người nông dân. Nếu đạt được mục tiêu ấy thì việc hạ giá đường để cạnh tranh với đường Thái Lan hay bất kể nước nào hoàn toàn có thể làm được. Đây là thời kỳ dễ làm đường nhất. Điều kiện khách quan thuận lợi, dư địa lớn, công nghệ thâm canh đầy đủ, không sợ sâu bọ phá hoại. Các nhà máy khấu hao xong hết rồi, chả phải lo nợ nần gì cả. Mía đường là loại bồi dưỡng đất, thuận lợi trong việc chuyển đổi canh tác...
Tóm lại, ngành mía đường thê thảm như hiện nay hoàn toàn tại các doanh nghiệp hết. Chả phải tại địa phương, không phải tại Chính phủ hay bộ này bộ nọ như họ kêu đâu. Đừng đưa ra tranh cãi mấy vấn đề vớ vẩn ấy.
Trước hết, ngành mía đường cứ lo làm cách nào để hạ giá thành đầu tư, kéo giá đường xuống thì đường Thái Lan làm sao bóp chết anh được. Khi giá đường hợp lý rồi, đường lậu không vào được thì chỉ cần đáp ứng nhu cầu trong nước vừa đủ chứ xuất khẩu đáng bao nhiêu. Khi "sức khỏe" anh có thì anh nào vào chấp anh đó, kể cả tạm nhập tái xuất hay không cũng kệ, đề kháng được hết.
Đằng này năng lực anh yếu, anh sợ chết. Mà chết là phải. Ngành mía đường nắm trong tay hoàn toàn quyền tự quyết. Sao không làm đi? Có lâu lắc gì, chỉ một hai năm là có thể thay đổi được bộ mặt rồi. Đằng này cứ ngồi đó mà đấu đá lợi ích rồi kêu. Tôi nói thật, có nhiều ông có cổ phần, có lợi ích ở các DN, các nhà máy nên suốt ngày ngồi kêu đòi nhà nước bảo trợ. Đến năm 2015 này bỏ hàng rào thuế quan thì bảo trợ thế nào được? Càng hàng rào thì mình càng mất sức cạnh tranh, mất sức sáng tạo.
Cuộc cách mạng ở trong tầm tay ngành mía đường. Không phải đợi nhà nước, không phải đợi các nhà khoa học gì cả. Những người trong ngành có làm hay không làm thôi. Phải thay đổi ngay tư duy của ngành mía đường. Hướng đến tư duy cạnh tranh thay vì tư duy đòi trợ cấp, dựa vào trợ cấp, dựa vào hàng rào thuế quan để sống. Nói cách khác, tư duy bao cấp là nguồn gốc lạc hậu của ngành mía đường hiện nay.
+ “Từ câu chuyện của ngành mía đường, tôi thấy lo lắng lắm. Đến năm 2015, xóa bỏ hàng rào thuế quan. Nếu cứ thế này thì mía đường sẽ chết đầu tiên rồi đến chăn nuôi. Đường Việt Nam không cạnh tranh nổi với Thái Lan. Trâu Úc, bò Úc tràn vào, gà cũng thua nốt. Sẽ thua đau đớn trên sân nhà”, ông Nguyễn Công Tạn.
+ Trên thế giới người ta đã tính và làm rồi, nếu có phân vi lượng bón phù hợp thì độ đường của mía tăng từ 1-2%. Vấn đề này chúng ta cũng đang bỏ ngỏ. Không nơi nào chịu nghiên cứu, không ai quan tâm. Đơn giản nhất là kỹ thuật bóc vỏ mía cũng không thấy ai chịu làm. Bóc vỏ mía vào cuối vụ có thể tăng trữ lượng đường từ 1-1,5%.
Chưa kể, nếu đem bẹ lá mía nghiền thành bột đưa về làm giá thể trồng nấm thì một ha được 10 tấn lá, thu nhập cho nông dân tăng được vài chục triệu đồng/ha rồi. Tôi gọi cách làm này là mũi tên kép, vừa tăng độ đường vừa tăng thu hoạch phụ, nâng cao thu nhập ngoài đường, sử dụng hết tiềm năng từ ruộng mía và tiềm năng sức lao động dư thừa. |
Nhận xét
Đăng nhận xét