Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa sơ thẩm.
Ngày 12.2, Báo Lao Động đăng bài “Vụ đại án Huyền Như... Vì sao hàng loạt nguyên đơn dân sự kháng cáo?”, chiều cùng ngày, luật sư Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao - chuyên gia về lý luận tố tụng hình sự của VN - đã có ý kiến gửi đến Báo Lao Động xung quanh vụ “vì sao hàng loạt nguyên đơn dân sự kháng cáo”.
Luật sư Đinh Văn Quế cho rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 40, Bộ luật Tố tụng hình sự, thì nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều kiện cần và đủ để xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thiếu một trong hai tiêu chí trên thì không thể là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự được.
Ngay từ khi khai mạc phiên tòa, nhiều tổ chức cá nhân đã từ chối tư cách nguyên đơn dân sự, vì họ cho rằng họ yêu cầu VietinBank trả tiền chứ không có đơn yêu cầu Huyền Như bồi thường. Đã có tổ chức được xác định là nguyên đơn dân sự, sau khi từ chối tư cách nguyên đơn nên đã bỏ về không tham dự phiên tòa, nhưng tòa án vẫn xét xử vắng mặt họ và tuyên họ “phải được” bồi thường thiệt hại (!?).
Trong khi đó, VietinBank bị yêu cầu trả tiền, lại không được tòa án xác định là bị đơn dân sự, mà chỉ tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, mong tòa án cấp phúc thẩm làm rõ.
Theo luật sư Đinh Văn Quế, việc HĐXX vẫn xác định những tổ chức, cá nhân không có đơn yêu cầu Huyền Như bồi thường thiệt hại là nguyên đơn dân sự, vẫn để luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ tham gia phiên tòa khi họ đã từ chối tham gia, vẫn quyết định Huyền Như bồi thường cho họ vừa không đúng quy định của Bộ luật Dân sự, vừa vi phạm tố tụng hình sự. Khi đã xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng thì việc quyết định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự cũng không chính xác được.
Đối với vụ án này, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và tư cách tham gia tố tụng đúng pháp luật, trước hết tòa án phải làm rõ các quy định của Nhà nước, mà cụ thể là của Ngân hàng Nhà nước về việc huy động vốn, về trần lãi suất, ngân hàng huy động vốn vượt trần lãi suất quy định của Nhà nước thì họ là người vi phạm chứ không phải khách hàng. Khách hàng thì bao giờ cũng có quyền lựa chọn, gửi tiền vào đâu có lãi cao thì họ chọn, sao lại đổ cho khách hàng “vì tham” (!?).
Luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì mọi tình tiết của vụ án do Cơ quan điều tra thu thập phải được thẩm tra lại tại phiên tòa. Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về tranh tụng tại phiên tòa cũng khẳng định: “Mọi phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Nhưng đối với vụ án này, nhiều phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm đã không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Trong phiên tòa, có nhiều tài liệu, chứng cứ mà tòa án sử dụng để làm căn cứ phán quyết nhưng không được xem xét công khai tại phiên tòa như: Chủ trương cho phép ngân hàng được ủy thác cho cá nhân, tổ chức mở tài khoản gửi tiền vào các ngân hàng khác để hưởng lãi suất, các quy định về việc quản lý nội bộ, trách nhiệm của VietinBank về các vấn đề liên quan đến việc xác định hợp đồng được ký như thế nào, địa điểm ký hợp đồng...
Đại diện của VietinBank tham gia phiên tòa lúc thì nói với tư cách cá nhân, lúc lại nói đại diện cho VietinBank, hầu hết các câu hỏi đối với VietinBank đã không được trả lời, mà chủ tọa lại cho phép ghi lại rồi trả lời sau, như vậy đâu có phải là xét hỏi. Phiên tòa chứ không phải hội nghị chất vấn và trả lời chất vấn mà người bị chất vấn “ghi lại” rồi trả lời sau (!?). Cách làm này của HĐXX là vi phạm tố tụng.
Đến phần tranh luận, các luật sư đề nghị HĐXX trở lại phần xét hỏi cũng không được chấp nhận. Luật sư Đinh Văn Quế cho rằng: “Hy vọng rằng, tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao sắp tới, vấn đề này sẽ được tòa án cấp phúc thẩm làm rõ”.
Còn tiếp...
Phùng Bắc ghi
Nhận xét
Đăng nhận xét