Chuyển đến nội dung chính

Trung Quốc phản đối lệnh bắt ông Giang Trạch Dân

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11.2 lên tiếng phản đối “quyết định sai trái” của một thẩm phán Tây Ban Nha nhằm tìm cách bắt giữ các cựu lãnh đạo Trung Quốc với cáo buộc diệt chủng ở Tây Tạng.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hoa Xuân Doanh cho hay Bắc Kinh hy vọng Madrid “xử lý thỏa đáng” vấn đề trên.
Trước đó, thẩm phán tòa án quốc gia Tây Ban Nha Ismael Moreno đã yêu cầu Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol phát lệnh bắt giữ cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng và 3 quan chức khác để thẩm vấn về những cáo buộc do các nhóm ủng hộ nhân quyền ở Tây Tạng đưa ra.
Trong những năm qua, một số thẩm phán Tây Ban Nha đã buộc tội các nhân vật quốc tế phạm những tội ác về nhân quyền và cố gắng bắt giữ họ đưa về Tây Ban Nha thẩm vấn.
Trùng Quang

Vì sao tòa án Tây Ban Nha truy nã cựu lãnh đạo Trung Quốc

Một tòa án Tây Ban Nha liên tiếp ra hai lệnh bắt cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, khiến quan hệ Bắc Kinh - Madrid căng thẳng và làm nóng dư luận quốc tế về cơ sở pháp lý của quyết định trên


1-china-w-620x349-7191-1392196751.jpg
Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (trái) và cựu thủ tướng Lý Bằng. Ảnh:AFP
Trong suốt gần 20 năm qua, các thẩm phán Tây Ban Nha căn cứ theo luật hình sự quốc tế, từng khởi kiện các lãnh đạo quân sự Argentina, quan chức quốc phòng Israel và binh sĩ Mỹ, với tội danh vi phạm nhân quyền.
Vụ án nổi tiếng nhất là việc thẩm phán Baltasar Garzon năm 1998 ra lệnh bắt cựu độc tài Chile Augusto Pinochet, khi ông này đang sống lưu vong ở London. Giới chức Anh bắt giữ Pinochet, nhưng từ chối dẫn độ đến Tây Ban Nha. Cựu độc tài này sau đó được trả tự do và thả về Chile, với lý do sức khỏe yếu.
Vụ việc đình đám gần đây nhất là Tòa án dân sự tối cao Tây Ban Nha hôm 10/2 ra lệnh truy nã quốc tế 5 cựu quan chức Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu thủ tướng Lý Bằng, vì cho rằng họ phạm tội với người Tây Tạng. Tháng 11/2013, tòa án này cũng ra phán quyết tương tự.
Hệ thống luật pháp Tây Ban Nha thừa nhận nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát", theo đó tòa án nước này được phép khởi tố bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả người nước ngoài, nếu như bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền.
Tổ chức Ân xá Quốc tế coi nguyên tắc trên là "công cụ không thể thiếu" trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Trong khi đó, những người mang quan điểm phản đối cho rằng, đây là sự vi phạm nguyên tắc chủ quyền quốc gia.
Theo Giáo sư luật quốc tế Peter Spiro thuộc đại học Temple, nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát" rất quan trọng nhưng tính khả thi lại có hạn, bởi việc mở rộng phạm vi áp dụng không tỷ lệ thuận với khả năng đạt được đồng thuận chính trị.
"Bất kỳ ai chịu lệnh bắt giữ quốc tế này đều coi đây là một phiền toái không thể chối cãi. Ngoài ra, nó còn gây ra những rắc rối ngoại giao khó dự đoán", bình luận viên Jim Yardley của tờ New York Times cho biết.
Hai lệnh bắt trên đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua tuyên bố: "Trung Quốc bất bình sâu sắc và kiên quyết phản đối các cơ quan hữu quan của Tây Ban Nha đã có hành vi sai trái, bất chấp lập trường nghiêm túc của chúng tôi".
Trước khi lệnh bắt trên được đưa ra, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/2 từng yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha chấm dứt các hành động tố tụng với các cựu lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng.
Sức ép từ các cường quốc

Baltasar-Garzon-2111676b-1630-1392196752
Thẩm phánBaltasar Garzon, người mất chức năm 2010 vì cổ súy cho nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát". Ảnh: Reuters
Quốc hội Tây Ban Nha cũng đang xem xét dự luật hạn chế quyền khởi tố của tòa án nước này với các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Dự luật này do đảng Nhân dân cầm quyền đệ trình vào hồi tháng 1.
Tuy nhiên, việc cơ quan lập pháp Tây Ban Nha quyết định xem xét lại nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát" sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, khiến nhiều người cho rằng giới chức nước này quá "nhún nhường" trước đối tác thương mại quan trọng.
"Có lẽ quan điểm này là chính xác", ông Ramon Jauregui, nghị sĩ đảng Xã hội đối lập, bình luận, với ý ám chỉ sự nhún nhường nói trên. Ông là người phản đối dự luật sửa đổi trên.
Cũng giống như nhiều nước châu Âu, Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Bắc Kinh hiện nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ nước này. Và thị trường Trung Quốc rộng lớn là điểm đến quan trọng, đầy tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm và rượu vang Tây Ban Nha.
"Trung Quốc rất quan trọng với Tây Ban Nha và ngày càng trở nên quan trọng hơn nữa. Chúng tôi đều rất mong muốn tiến vào thị trường Trung Quốc", chuyên gia phân tích cao cấp Miguel Otero thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Elcano cho biết.
Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất bị các thẩm phán Tây Ban Nha "chọc giận". Mỹ và Israel đều từng gây sức ép ngoại giao nhằm buộc Madrid dừng các cuộc điều tra và khởi tố tương tự.
Căn cứ theo các tài liệu ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ năm 2010, trước sức ép của Mỹ, chính phủ Tây Ban Nha do đảng Xã hội cầm quyền buộc phải hạn chế luật định liên quan, từ đó hủy bỏ các quyết định khởi tố liên quan đến chiến tranh Iraq, nhà tù Guantanamo và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Quyết định trên khiến dư luận Tây Ban Nha chỉ trích chính phủ chỉ dám cho phép khởi tố các nghi can đến từ các quốc gia nhỏ, mà không dám đối kháng cường quốc.
Dự luật hạn chế đang được thảo luận tại quốc hội nước này sẽ vô hiệu hóa nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát". Theo đó, tòa án chỉ được phép khởi tố các nghi phạm nhân quyền là người mang quốc tịch Tây Ban Nha, người nước ngoài đang sinh sống tại Tây Ban Nha, hoặc người nước ngoài đang sống tại quốc gia này và bị giới chức Tây Ban Nha từ chối dẫn độ.
"Họ đang tìm cách loại bỏ nguyên tắc'thẩm quyền phổ quát'. Đây chính là mục đích của họ. Họ chưa bao giờ có niềm tin vào nó", thẩm phán Garzon cho biết. Ông bị tước chức vụ thẩm phán năm 2010 vì tích cực cổ súy cho nguyên tắc này.
Bản thân Madrid cũng đang là bị cáo trong một vụ việc tương tự. Một thẩm phán Argentina đang khởi kiện chính quyền của cựu độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco vì gây ra tội ác chiến tranh. Các lãnh đạo đảng Nhân dân cầm quyền từng tỏ thái độ phản đối quyết liệt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sức ép ngoại giao từ Trung Quốc là dịp để đảng Nhân dân đưa ra thảo luận và thông qua dự luật trên, bởi đảng này đang chiếm đa số trong quốc hội.
"Đây là một sự thay đổi cần thiết", ông Jose Miguel Castillo Calvin, nghị sĩ đảng Nhân dân, cho biết. "Xin hãy nhớ cho rằng, thẩm quyền phổ quát không phải vô điều kiện".
Theo Đức Dương (New York Times/VNE)

Vì sao Tây Ban Nha “dám” truy nã các cựu lãnh đạo Trung Quốc?


(PetroTimes) - Hai cựu nguyên thủ Trung Quốc vừa bị tòa án Tây Ban Nha phát lệnh truy nã quốc tế, cùng 3 nhân vật khác đang bị điều tra đặc biệt. Tư pháp Tây Ban Nha lấy tư cách gì để thực hiện điều này và liệu họ có “làm thật” không hay chỉ là một quyết định mang tính “câu view”?
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 11-2012
Nguyên cớ của câu chuyện này bắt nguồn từ đơn kiện của hai nhóm ủng hộ Tây Tạng và một nhà sư Tây Tạng có quốc tịch Tây Ban Nha ra tòa án quốc gia Tây Ban Nha từ năm 2006. Đơn kiện này cáo buộc cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng 2 quan chức cấp cao lãnh đạo Trung Quốc trong 2 thập niên 1980 và 1990 của thế kỷ trước, đã có những hành động vi phạm nhân quyền ở khu vực Himalaya.
Một phán lệnh của Tòa án Hiến định Tây Ban Nha ban hành tháng 6-2006, ra lệnh các tòa án nước này thực thi các quyền pháp lý phổ quát. Nguyên tắc pháp lý này cho phép các tòa án ở Tây Ban Nha tiếp nhận các vụ kiện về tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại không phân biệt nơi chúng xảy ra, cũng như quốc tịch của bị đơn.
Căn cứ theo phán lệnh trên, tòa án quốc gia Tây Ban Nha có quyền thụ lý đơn kiện nhằm vào các cựu lãnh đạo Trung Quốc và tiến hành điều tra vụ việc vì hai lý do: thứ nhất, một trong những nguyên đơn là một người Tây Tạng nhưng mang quốc tịch Tây Ban Nha, ông Thubten Wangchen. Lý do thứ hai là tòa án Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa chấp thuận điều tra theo yêu cầu của các nạn nhân.
Sau 7 năm điều tra, ngày 18/11/2013, Tòa án quốc gia Tây Ban Nha phán quyết rằng họ có nhiều chứng cứ cho thấy hai nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc can dự vào những hành vi bị nguyên đơn thưa kiện. Mỗi người đều có trách nhiệm về chính trị và quân sự trong giai đoạn điều tra kể trên.
Phán quyết này là cơ sở để thẩm phán thụ lý hồ sơ Ismael Moreno, ngày 10/2/2014, phát lệnh truy nã quốc tế đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lý Bằng.
Phát biểu với báo giới, ông Ismael Moreno nói: "Tội ác diệt chủng là một tội ác chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ chống lại các công dân Trung Quốc. Do vậy, Tây Ban Nha có trách nhiệm phải điều tra vụ kiện này".
Câu hỏi đặt ra là quyết định trên của tư pháp Tây Ban Nha là “đùa” hay “thật”?
Tây Ban Nha đang nổi lên như là một người bảo vệ quyền con người và công lý phổ quát. Tòa án Tây Ban Nha đã và đang đẩy mạnh phong trào truy tố các tội phạm quốc tế tại các tòa án nước mình. Năm 1998, một thẩm phán Tây Ban Nha đã bắt giữ và yêu cầu dẫn độ nhà độc tài Chile Augusto Pinochet từ Anh về Tây Ban Nha để xét xử. Gần đây, các thẩm phán nước này đã bắt đầu điều tra cuộc diệt chủng ở Guatemala và Tây Tạng.
Ông Ismael Moreno nói: “Tại Tây Ban Nha, bạn không thể có một phiên tòa mà không có mặt các bị đơn. Nếu bị can không thể sang Tây Ban Nha, hệ thống tư pháp sẽ làm việc với các quốc gia khác có hiệp ước tương trợ tư pháp với Tây Ban Nha để dẫn độ bị can, nếu như họ đi sang những nước này. Chúng tôi sẽ canh chừng khi họ di chuyển. Công lý cũng như các luật sư sẽ không dừng lại, họ đang gõ cửa nhà những kẻ phạm tội”.
Như vậy có thể thấy, tư pháp Tây Ban Nha sẽ “làm thật” và việc bắt giữ những cựu lãnh đạo Trung Quốc liên quan tới đơn kiện trên là hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai.
Chưa biết vụ việc này sẽ đi đến đâu, nhưng chính quyền Tây Ban Nha đang phải đau đầu để giải quyết hậu quả. Ngày 10-2, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc lo ngại vấn đề này có thể gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Madrid. Một nguồn tin ngoại giao từ Madrid cho biết: “Vụ kiện này đang được Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha theo dõi rất cẩn thận, vì lo ngại những phán quyết của tòa án có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang rất tốt đẹp với Trung Quốc”. Các viên chức ngoại giao Tây Ban Nha cũng đã có những cuộc thảo luận với đại diện Trung Quốc tại Madrid về vấn đề này.
Tây Ban Nha là quốc gia có tam quyền phân lập. Đại Hội đồng Tư pháp là cơ quan có vai trò điều hành các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Tòa án Tối cao, có thẩm quyền tài phán trên toàn bộ lãnh thổ Tây Ban Nha, là cơ quan xét xử cao nhất trong bộ máy tư pháp, ngoại trừ đối với các quy định liên quan đến việc bảo vệ hiến pháp. Thẩm phán, quan tòa, cũng như các công tố viên, trong khi thực hiện các nhiệm vụ, không được đảm nhận các chức vụ công quyền nào khác và cũng không được tham gia các đảng phái chính trị, liên hiệp.
Hành pháp Tây Ban Nha không thể nào ảnh hưởng trực tiếp tới những phán quyết của tư pháp. Nhưng họ chuẩn bị thông qua một dự luật “hạn chế thẩm quyền phổ quát” của tư pháp liên quan đến những vụ kiện tương tự. Dự luật này, nếu được Quốc hội biểu quyết, sẽ có giá trị hồi tố đối với trường hợp truy nã các cựu lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế đang chỉ trích mạnh dự luật này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...