TT - Không phải đăng ký
trước ngành nghề để ghi trong giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được kinh
doanh các ngành nghề mà luật, pháp lệnh, nghị định không cấm và có quyền không
tuân thủ các quy định trái với ba loại văn bản này.
TIN BÀI LIÊN QUAN
|
Đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch -
đầu tư TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
|
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: V.Dũng
|
Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa công bố dự thảo Luật doanh nghiệp
(DN) sửa đổi, bãi bỏ nhiều thủ tục khi thành lập DN, không buộc phải đăng ký
trước ngành nghề kinh doanh...
Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Nguyễn
Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đơn vị chủ
trì soạn thảo - về những điểm mới trong dự thảo luật.
Tạo bình đẳng, giảm phiền hà
Bãi bỏ việc bắt buộc
đăng ký ngành nghề kinh doanh
- Thế giới
hiện nay đã không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh
doanh. Ở ta, anh muốn kinh doanh ngành nghề gì phải đăng ký. Cho dù ngành
nghề đó pháp luật không cấm, nhưng anh kinh doanh ngoài giấy phép kinh doanh
là phi pháp. Nên nhiều khi chớp được cơ hội kinh doanh, doanh nhân lại phải
chờ xin điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh, xong thì có thể cơ hội đã qua.
Lần này sửa
đổi sẽ đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp, người dân được quyền kinh doanh
tất cả những gì mà pháp luật không cấm, chứ không chỉ trong những lĩnh vực
giấy phép nêu. Điều này tạo tính linh hoạt cho doanh nhân, giảm được nhiều
chi phí về đăng ký bổ sung, giảm được chi phí giao dịch và rủi ro...
|
* Dự thảo sửa đổi Luật DN lần này có đưa ra những đột phá nào
như Luật DN 1999?
- Luật DN 1999 đã có cú đột phá rất mạnh, cho nên lần này nói
tạo thêm đột phá nữa là không đơn giản. Nhưng lần này chúng tôi cũng đưa ra
nhiều điểm mới. Dự thảo luật lần này tách riêng thủ tục thành lập DN với các
thủ tục về đầu tư dự án, cũng như với các thủ tục có liên quan về cổ phần, cổ
phiếu... Chúng ta hình dung một DN có thể có rất nhiều dự án, mỗi dự án có vòng
đời riêng, hết dự án thì có thể DN vẫn còn đó. Cho nên tách riêng như dự thảo
là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cũng theo dự thảo luật, việc
thành lập DN là như nhau đối với tất cả DN trong nước và ngoài nước. Khi có dự
án cụ thể thì tùy theo lĩnh vực ngành nghề, DN phải làm các thủ tục và tuân thủ
các quy định liên quan, ví dụ ngành có điều kiện thì khác với ngành không điều
kiện.
Chúng tôi cũng đưa ra quy định để thu hẹp sự khác biệt giữa DN
trong nước và nước ngoài để tạo sự bình đẳng, giảm phiền hà. Lâu nay có nhiều
định nghĩa khác nhau về DN có vốn đầu tư nước ngoài, có nơi áp dụng cứ nước
ngoài đầu tư thì dù 1 đồng cũng coi là DN đầu tư nước ngoài (trong khi DN nước
ngoài không được tham gia một số lĩnh vực như phân phối thuốc, xăng dầu - PV).
Bây giờ chúng tôi đưa ra định nghĩa DN có vốn đầu tư nước
ngoài là DN có tối thiểu 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đây chưa phải là
cải cách tối đa nhưng cũng là bước tiến quan trọng. Ở đây cần phân biệt DN có
vốn đầu tư nước ngoài là đối tượng quản lý, còn đối tượng thống kê lại khác.
Với tư cách là đối tượng thống kê thì đầu tư nước ngoài vào VN dù 1 đồng cũng
được tính.
Đó là những thay đổi thân thiện hơn với kinh doanh, cải thiện
môi trường kinh doanh, giúp tăng đầu tư, giảm chi phí giao dịch, chi phí tuân
thủ, giảm rủi ro cho DN, vì trong thực tế có những rủi ro không hẳn xuất phát
từ kinh doanh mà từ việc tuân thủ quy định pháp luật.
* Như vậy dự thảo luật muốn tạo ra cơ hội lớn hơn về khả năng
gia nhập thị trường?
- Đúng vậy, lần này hướng sẽ tách biệt hẳn giữa việc thành lập
DN và việc kinh doanh có điều kiện. Trước đây có một số ngành nghề nhập nhằng
giữa thành lập DN và kinh doanh có điều kiện. Chẳng hạn lĩnh vực y tế, bắt buộc
anh thành lập DN thì giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề. Nay không bắt buộc
như vậy nữa, anh cứ thành lập DN, còn điều kiện về ngành nghề kinh doanh, anh
phải tuân thủ mới được làm. Quy định đó tạo sự thân thiện hơn cho khởi nghiệp
và kinh doanh nói chung.
Môi trường kinh doanh của VN có thể lên bậc 50
* Dự luật hướng đến giảm được bao nhiêu thời gian trong việc
thành lập DN?
- Dự thảo luật cũng cố gắng giảm thủ tục, ví dụ hiện nay thành
lập DN đang từ chín thủ tục sẽ giảm xuống còn năm, bỏ bốn thủ tục. Từ chỗ theo
tính toán của quốc tế thì toàn bộ quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan
để một DN ở ta đi vào hoạt động là 34 ngày, dự thảo luật sẽ giảm xuống còn 20
ngày. So sánh với quốc tế và khu vực, mức độ phức tạp và tốn kém về chi phí
tuân thủ, thủ tục thành lập DN và khởi sự kinh doanh năm 2013 của nước ta vẫn ở
thứ hạng thấp. VN đang đứng thứ 99/189 quốc gia và nền kinh tế trong báo cáo
môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 29-10-2013. Nếu thực
hiện được các quy định mới của dự thảo luật, chúng tôi tính toán rằng có thể
nhảy lên khoảng bậc 50.
* Có ý kiến lo Luật DN năm 2005 “thoáng” quá nên nhiều DN
thành lập chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Hậu kiểm ở ta chưa hoàn
thiện mà “thoáng” thế sẽ có bất ổn...
- Ở VN, một đạo luật có thời gian thực hiện hơn bảy năm có thể
được coi là tương đối dài hơi và tất nhiên Luật DN đã được bảy năm nên cũng nảy
sinh những vấn đề. Nhưng chúng tôi đã thống nhất phân thành ba loại vấn đề. Thứ
nhất là những vấn đề trong thực thi luật, ví dụ như người nào đó thành lập hàng
chục DN mà không kinh doanh, chỉ mua bán hóa đơn, trốn thuế, lừa đảo... Những
thứ đó là vấn đề trong quá trình thực hiện luật, chứ không phải vấn đề của nội
dung luật. Đó là chuyện vi phạm pháp luật, nghĩa là dù luật nào thì cũng có thể
bị vi phạm, để hạn chế phải chấn chỉnh khâu thực thi. Như Luật giao thông đường
bộ quy định rất rõ ràng nhưng người ta vẫn cứ vi phạm. Không nên lấy những vi
phạm để rồi cho rằng luật phải thay đổi, chạy theo những thứ đó. Thứ hai là
những vấn đề liên quan đến luật khác, rất nhiều luật chồng chéo, trùng lặp. Vậy
thì không thể một mình Luật DN giải quyết được hết. Thứ ba mới đến những vấn đề
thuộc về nội dung của Luật DN. Chúng tôi lần này tập trung vào nội dung của
Luật DN.
Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đồ họa: V.Cường
DN nhà nước phải công bố thông tin theo chuẩn
* Dự luật lần này có chương riêng về DN nhà nước, với những
quy định cụ thể thế nào?
- Dự thảo luật quy định về vai trò, chức năng của DN nhà nước
nói chung và từng DN nhà nước nói riêng. Điều này lâu nay nói nhiều nhưng chưa
quy định hoặc chỉ quy định trong nghị định của Chính phủ. Bước tiến mà chúng
tôi hướng đến là quy định rõ vai trò, chức năng của DN nhà nước giới hạn trong những
ngành nghề nhất định. Dự thảo luật cũng quy định vai trò, chức năng của chủ sở
hữu theo hướng tách bạch rõ Quốc hội làm gì, Chính phủ làm gì, các bộ làm gì...
Đặc biệt lần này luật quy định rõ DN nhà nước phải công khai như các công ty
niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tức phải công bố thông tin theo chuẩn,
chứ không phải công bố thế nào xã hội biết thế ấy, qua đó để xã hội giám sát
tốt hơn.
* Dự thảo nêu “DN có quyền tự chủ đăng ký và kinh doanh các
ngành nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm”, điều này tạo ra thay đổi
gì?
- Dự luật mới yêu cầu chỉ ba loại văn bản như trên mới có thể
ảnh hưởng đến quyền đăng ký kinh doanh của DN. Những văn bản khác không có giá
trị. Với quy định này, ví dụ cấp quản lý ở địa phương nào đó ra quy định cấm
kinh doanh karaoke thì quy định đó là bất hợp pháp nếu luật, pháp lệnh và nghị
định không cấm việc kinh doanh này, người dân có quyền không tuân thủ và sau đó
kiện ra tòa án.
V.V.THÀNH - C.V.KÌNH thực hiện
* Năm 1990, Quốc hội ban hành Luật công ty (quy định về
công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần) và Luật DN tư nhân.
* Năm 1999, Quốc hội ban hành Luật DN quy định về công
ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và DN tư nhân.
* Năm 2005, Quốc hội ban hành Luật DN với đối tượng áp
dụng là DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật này thay thế Luật DN 1999, Luật
DN nhà nước năm 2003, các quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của DN tại
Luật đầu tư nước ngoài 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu
tư nước ngoài năm 2000.
* Dự thảo Luật DN (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội
trong năm 2014-2015.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét