* HỮU TÙNG – BÌNH NGUYÊN
Sau hơn thập kỷ vật lộn với con tôm, cây lúa, vùng BĐCM đã và đang đối mặt với nhiều thách thức cho việc phát triển bền vững trong tương lai. Những bài học rút ra từ thực tiễn sản xuất sẽ giúp người dân, nhà quản lý, nhà khoa học có cái nhìn sâu sắc và đưa ra những định hướng góp phần phát triển KT-XH có tính bền vững cho tương lai…
Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp - Vụ Trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: “Qua thực tế tranh chấp mặn ngọt tại BĐCM cho thấy cái chúng ta yếu chính là khả năng liên kết vùng trong quy hoạch sản xuất và sử dụng nguồn nước. Chính việc quy hoạch chưa triển khai đồng bộ, còn manh mún đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Do đó, cần có rà soát, đánh giá đúng để thực hiện các quy hoạch thủy lợi, sử dụng nguồn nước hợp lý. Các quy hoạch phải được đấu nối liên kết giữa các địa phương và trên cơ sở quy hoạch cấp vùng. Phải có cơ chế pháp lý, mô hình tổ chức và khung chính sách để liên kết hiệu quả. Đặc biệt, cần có đánh giá lại dự án ngọt hóa BĐCM, nếu không phù hợp chúng ta mạnh dạn gỡ bỏ để thực hiện quy hoạch mới đồng bộ hơn. Đồng thời, phát huy vai trò của Nhà nước trong định hướng sản xuất theo thị trường, cần có những dự báo có chất lượng ở tầm vĩ mô để định hướng trong phát triển sản xuất”.
|
Đổi mới tư duy canh tác
|
Mô hình “ô thủy lợi nhỏ” góp phần phát triển ổn định sản xuất vùng ngọt hóa BĐCM. Ảnh: HỮU TÙNG
|
Qua thăm dò thực tế, phần lớn người nuôi tôm ở vùng BĐCM đều thấy những bất cập từ nghề nuôi tôm nhưng không muốn đoạn tuyệt với con tôm mà muốn cùng lúc canh tác tôm và trồng lúa trên cùng diện tích. Theo bà con, đây là mô hình bền vững. Song, dưới góc độ của nhà quản lý và người làm công tác chuyên ngành, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau có một góc nhìn khác. Thạc sĩ Trung đồng quan điểm mô hình tôm - lúa có tính bền vững nhưng không phủ nhận những mô hình canh tác hiện hữu trên đồng đất vùng BĐCM, cái chính vẫn là đổi mới tư duy của người canh tác, không thể độc canh và duy trì tập quán sản xuất lạc hậu.
Thạc sĩ Trung chỉ dẫn thực tế rằng, vùng chuyên tôm chiếm số đông nhưng chỉ hiệu quả trong vài năm đầu do đất đai mới chuyển dịch còn màu mỡ, môi trường nước chưa bị ô nhiễm. Nhưng về sau, đất đai và điều kiện tự nhiên không còn ưu ái, buộc người canh tác thủy sản phải thay đổi cách thức nuôi sao cho phù hợp, không áp dụng khoa học bài bản hoặc đa canh, tức khắc sẽ bị đào thải. Còn với mô hình chuyên lúa, theo Thạc sĩ Trung, dù chậm làm giàu nhưng rủi ro rất thấp, người duy trì nghề lâu năm cũng "tích tiểu thành đại". Với mô hình tôm - lúa, Thạc sĩ Trung cho biết: "Cà Mau duy trì trên 40.000ha tôm-lúa mỗi năm ở những vùng có điều kiện. Tuy trồng lúa trên đất tôm chủ yếu dựa vào nước trời vì thủy lợi chưa hoàn thiện, nhưng mô hình này bước đầu đã cho thấy tính khả thi cao và "nhỉnh" hơn so với các mô hình khác".
Có thêm vụ lúa, dịch bệnh trong vuông tôm sẽ ít hơn do cây lúa hấp thu một số chất thải từ nuôi tôm, góp phần cải thiện môi trường. Mặt khác, vào mùa trồng lúa, độ mặn trong vuông giảm khá thấp, mầm bệnh ít có khả năng phát triển. Hơn nữa, rơm, rạ sau khi thu hoạch xong là nguồn dinh dưỡng vừa bổ sung lại cho đất, vừa làm hệ đệm để các vi khuẩn có lợi cho tôm phát triển, vừa làm nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm kháng bệnh, chóng lớn. Song, để mô hình này hiệu quả hơn, ngoài khép kín được thủy lợi thì quá trình canh tác vụ lúa, nhà nông nên cắt vụ tôm để cắt đứt chu kỳ mầm bệnh còn tồn lưu trên đồng ruộng. Thay vì thả tôm vào mùa lúa, nhà nông nên thả cá. Xét về góc độ kinh tế thì không bằng nhưng nếu xét về mức độ an toàn sinh học lâu dài thì vô cùng hiệu quả và lợi ích - Thạc sĩ Trung phân tích.
Còn PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ, cho rằng, vấn đề lớn trong phát triển bền vững ở vùng BĐCM chính là tư duy sản xuất. Bà con nông dân cần phát huy sự nhanh nhạy đúng lúc, đúng chỗ, hình thành nên một tư duy sản xuất mới gắn liền với khoa học và mọi điều kiện thời tiết. Đặc biệt, các ngành, các địa phương nên xây dựng những mô hình thí điểm có quy mô vừa phải để có đánh giá và khuyến cáo người dân thực hiện. Ngoài ra, đối với những tỉnh ven biển cần phát triển dịch vụ hệ sinh thái. Qua đó, giúp chúng ta điều chỉnh theo thiên nhiên, không ép buộc mà chỉ khai thác hợp lý để bảo đảm bền vững trong tương lai".
Hướng đến sản xuất bền vững
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cũng thừa nhận một thực tế rằng đã qua hơn chục năm chuyển đổi sản xuất nhưng thủy lợi Cà Mau chỉ phần lớn sên vét, khơi thông lòng lạch chứ chưa đủ vốn đầu tư nhiều để khép kín, tạo nên đột phá lớn. Cả 31 tiểu vùng ở Cà Mau chưa có tiểu vùng nào được khép kín, đảm bảo phục vụ tốt cho nông dân mà chỉ mới tranh thủ được nguồn vốn từ Trung ương và địa phương phục vụ cho việc sên vét. Ông Hoai cho biết: "Muốn khép kín một tiểu vùng cần ít nhất khoảng 500 tỉ đồng, có tiểu vùng cần đến 1.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương không kham nổi. Do vậy, các vùng sản xuất ở địa phương vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, môi trường,… rủi ro dịch bệnh cao".
Trong điều kiện khó khăn chung về nguồn vốn, tỉnh Cà Mau uyển chuyển bằng cách tạo dựng "ô thủy lợi khép kín". Cách làm ấy giống như khép kín tiểu vùng nhưng ở quy mô nhỏ. Những ô thủy lợi ấy đang được ngành chức năng Cà Mau nhân rộng ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Ông Hoai khẳng định: "Sắp tới Cà Mau sẽ bổ sung thêm trạm bơm điện ở những ô thủy lợi để vào mùa nước ngập có thể bơm, tiêu thoát nước cho đồng ruộng nhanh hơn thay vì làm theo cách thủ công. Còn về lâu dài, đồng đất Cà Mau muốn phát huy hết hiệu quả không cách nào khác là hoàn thiện thủy lợi, khép kín hết các tiểu vùng để mặn ra mặn, ngọt ra ngọt".
Đồng tình với quan điểm của ông Hoai, nhưng ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau bổ sung phải nâng cao chất lượng cây, con giống và tính đến yếu tố đầu ra cho nông dân, không để đầu ra bấp bênh như hiện nay. Cụ thể hơn, theo ông Bằng là đẩy mạnh liên kết "4 nhà" như mô hình các cánh đồng mẫu lớn mà Cà Mau đã và đang thực hiện ở huyện Thới Bình, Trần Văn Thời… Ông Bằng cho biết: "Ở những cánh đồng mẫu lớn, nhà nông được đầu tư hoàn thiện thủy lợi, xuống giống và thu hoạch bằng cơ giới đồng loạt, tiết kiệm đáng kể chi phí, tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Ở những nơi ấy, bà con còn được chỉ dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng những bộ giống chất lượng phù hợp với đồng đất mặn-phèn, năng suất cao nhưng kháng được nhiều bệnh, sản phẩm được hợp đồng bao tiêu đầu ra…".
Còn Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết: "Đến thời điểm này, có thể khẳng định mô hình tôm - lúa bước đầu đã mang lại kết quả tốt và được xem là mô hình thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch tôm cần phải thực hiện triệt để các biện pháp ngâm rửa mặn ít nhất 3 tuần, tận dụng nguồn nước mưa, nước ngọt dưới kênh để rửa mặn từ 2-3 lần, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét hệ thống mương xổ phèn, tăng khả năng rửa mặn, tránh tình trạng lúa bị ngộ độc mặn xảy ra ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất".
Để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, một giống lúa đang được trồng đại trà tại vùng tôm-lúa huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) được gọi là "lúa sỏi" đang mở ra nhiều hy vọng cho nhà nông vùng BĐCM. Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, "lúa sỏi" qua khảo nghiệm chống chịu được biên độ độ mặn dao động tới 10‰; lúa cao dàn, cứng cây, ít bị đổ ngã nhưng kháng được nhiều loại sâu, bệnh. "Đây là bộ giống do Trường Đại học Cần Thơ cung cấp, chuyển giao công nghệ. Trong điều kiện thủy lợi chưa hoàn thiện và chịu tác động của BĐKH làm xâm nhập mặn, thì loại lúa này có thể thích nghi tốt. Về lâu dài, ngoài hoàn thiện thủy lợi, các chuyên gia cũng nên lai tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với tác động của BĐKH rồi chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông để dân thực hiện mô hình nuôi, trồng cho phù hợp" - Thạc sĩ Hiếu cho biết.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét