Trần Hữu Hiệp
Đầu tháng 8-2013, Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia ) và
Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã ký biên bản ghi nhớ dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 theo
hình thức BOT. Dự án có tổng vốn đầu tư
khoảng 3,5 tỷ USD, công suất dự kiến 2.000 MW, gồm hai tổ máy có công suất
1.000 MW, được xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tổ máy thứ nhất của nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 2 sẽ được
vận hành vào quý IV/2021 và toàn bộ NM sẽ đi vào hoạt động vào quý II/2022, sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Các NMNĐ ở ĐBSCL có
ý nghĩa quan trọng trong việc cấp điện cho vùng, góp phần quan trọng đảm bảo an
ninh năng lượng quốc gia. Nhưng theo
Quy hoạch điện VII, các NMNĐ khu vực này chủ yếu sử dụng nhiên liệu than. Trong
đó, một số NMNĐ đã được khởi công xây dựng như Duyên Hải 1 và 2 (Trà Vinh),
Long Phú (Sóc Trăng), cấp điện từ năm 2015. Theo Bộ Công thương, đến nay, nước
ta phải nhập khẩu khoảng 46 - 77 triệu tấn than/năm và đến 2020 là 140 - 196
triệu tấn/năm. Chỉ riêng các NMNĐ ở ĐBSCL đã cần khoảng 13-15 triệu tấn than
vào năm 2015. Dù sử dụng than ngoại nhập hay trong nước, thì ĐBSCL vẫn phải
tiếp nhận qua các cảng chuyên dùng và luồng đủ
tải. Trong khi đây là “lối bí” của vùng này. Cửa và luồng Định An luôn bị mắc
cạn, kênh Quan Chánh Bố mở lối mới bị trì hoãn tiến độ đầu tư; cụm cảng biển số
6 hoạt động “cầm chừng”.
Mới đây, Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm
bảo nguồn than và cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp đủ than cho các NMNĐ. Theo đó, Bộ
Công Thương chỉ đạo sớm hoàn thành tính toán cân bằng cung-cầu điện, đề xuất
điều chỉnh tiến độ các dự án nguồn điện, từ đó xác định nhu cầu các loại nhiên
liệu: than, khí đốt, ... hằng năm cho sản xuất điện. Nhu cầu than cần phân tích
chi tiết theo chủng loại, nguồn (trong nước, nhập khẩu), đơn vị bảo đảm cung
cấp, phương án vận chuyển đến từng NM trong các năm. Đồng thời, Phó Thủ tướng
cũng chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp
Than-Khoáng sản đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư Cảng trung chuyển than ĐBSCL,
hoàn thành trước ngày 31/8/2014; Tập đoàn Dầu khí nghiên cứu các phương án
chuyển tải than cung cấp cho các NMNĐ Long Phú 1 và Sông Hậu 1; trong đó có
phương án xây dựng bến nhập than tạm tại cảng Duyên Hải, gần với bến nhập của
Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Việc đầu tư xây dựng các NMNĐ – giải quyết luồng và cảng cho ĐBSCL phải
được xem là bài toán tổng thể, liên hoàn.
Bài trên Báo Lao Động ngày 15-8-2013
Bài trên Báo Lao Động ngày 15-8-2013
Nhận xét
Đăng nhận xét