Hữu Hiệp
Chợ, điện, đường, trường học là các tiêu chí quan trọng cho nông thôn mới |
ĐBSCL hiện có 1.299
xã, chiếm 14,3% tổng số đơn vị hành chính xã của cả nước. Hơn 3 năm xây dựng
nông thôn mới (NTM), vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 cả nước đã đạt những kết
quả bước đầu quan trọng; tạo ra một số điểm sáng, có sức lan tỏa, hình thành
được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực của vùng như lúa gạo, thuỷ
sản, trái cây, mía gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi
và các thiết chế văn hoá, giáo dục, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. 2
xã điểm: Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) và Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang)
được chọn lựa trong 11 xã điểm NTM toàn quốc, cùng huyện điểm NTM Phước Long
(Bạc Liêu) do Trung ương chỉ đạo cũng tạo ra được sức phát triển mới.
Tuy nhiên, theo
đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tiến độ triển khai xây dựng NTM trong toàn
vùng còn chậm, thu nhập dân cư còn thấp, việc hình thành và phát triển các mô
hình tốt theo hướng tổ chức lại sản xuất gắn kết với tiêu thụ hàng hoá còn
nhiều lúng túng. Đặc biệt, do đặc thù của vùng, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có
xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế, nên hiện trạng còn khoảng cách
xa so yêu cầu và tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Mới đây, Bộ Công thương đã
“kiểm đếm” lại 2 tiêu chí quan trọng do ngành này phụ trách là phát triển điện
nông thôn (tiêu chí số 4) và chợ nông thôn (tiêu chí số 7), thì kết quả đạt
thấp so bình quân chung cả nước. Toàn vùng hiện có 1.739 chợ, trong đó có 13
chợ đầu mối, 44 chợ hạng I, 176 chợ hạng 2, còn lại là các chợ hạng 3 và chợ
nhỏ. Trong đó, mới có 240 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm 18,5% và 489 xã đạt tiêu
chí số 4, chiếm 37,6% tổng số xã, thấp hơn bình quân chung cả nước (45%). Trong
khi, kế hoạch đề ra cho 2 tiêu chí quan trọng này đến năm 2015 là phải tăng tỉ
lệ đạt hơn gấp đôi (86,68% đối với tiêu chí điện và 41,3% tiêu chí chợ nông
thôn). Mục tiêu đó đòi hỏi phải nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư công - tư,
tập trung chỉ đạo và phối hợp đồng bộ giữa địa phương và các Bộ, ngành Trung
ương.
Vùng lúa gạo, trái cây, thuỷ sản ĐBSCL cần
được quan tâm nhiều hơn nữa trong việc “thắp sáng” nông thôn, tạo ra nguồn điện, không chỉ phục vụ sinh
hoạt tiêu dùng mà còn tăng sức sản xuất và các chợ nông thôn để làm phong phú hơn các kênh tiêu thụ
nông sản, hàng tiêu dùng, phát triển sức mua bán, hướng tới một khu vực NTM phồn thịnh trong tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét