Báo Nông nghiệp Việt Nam
HƯNG PHÚ -Thứ Sáu, 12/07/2013, 10:23 (GMT+7)
Câu chuyện SX lúa, gạo dư thừa trong hai vụ lúa ĐX và HT vừa qua là tâm điểm thu hút sự chú ý dư luận trong việc cần tìm giải pháp căn cơ, lâu bền giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ.
Nhìn về vùng SX lúa hàng hóa ở ĐBSCL, theo dõi phân tích từ tình hình thực tế nhiều năm qua, ông Trần Hữu Hiệp (ảnh), Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) có cuộc trao đổi làm rõ thêm nhiều vấn đề tồn tại với PV báo NNVN.
SX lúa khẳng định thế mạnh ở nước ta. Qua nhiều năm đạt thành tựu tăng năng suất, sản lượng, nhưng điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” thường xuyên tái diễn, ông có nhận định gì?
Thực tế SX lúa, gạo nước ta sản lượng tăng nhiều năm liên tục, tiêu thụ rất khó khăn. Tương tự, tình trạng “trúng mùa, rớt giá” còn lặp đi lặp lại với các mặt hàng khác như: cá tra, trái cây...
Tập quán lâu nay của chúng ta là SX chỉ chạy theo sản lượng, không chú trọng đến thị trường dẫn đến người SX không tự định đoạt được giá bán, đầu ra bấp bênh. Vì thế, đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần phải giải được bài toán này, kết nối cho được SX với thị trường. Cần phân tích làm rõ nguyên nhân từ đâu.
Đó là do yếu kém nội tại từ nhiều năm qua: SX chưa tính toán đến khâu tiêu thụ, chi phí giá thành bao nhiêu, định giá bán bao nhiêu, có kiểm soát được chi phí SX đầu vào... hay bắt nguồn từ lý do nào khác?
Trong gần 10 năm qua sản lượng lúa tăng liên tục, dư thừa rất nhiều, giá bán không tốt buộc Chính phủ phải đưa ra giải pháp tạm trữ. Rõ ràng dù các địa phương quan tâm quy hoạch, nhưng do chưa kết nối cung - cầu tốt nên khi phát triển diện tích, tăng năng suất, sản lượng cao, chưa tính toán được thị trường tiêu thụ nên lúng túng.
Theo ông, muốn thực hiện tái cơ cấu trên đất lúa thành công, cụ thể cho Nam bộ, cần điều kiện gì?
Trước đây từng có ý kiến đặt ra vấn đề chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu như: bắp, khoai lang, đậu nành...? Ở tỉnh Cần Thơ (cũ) trước đây từng có 9 chương trình, 7 đề án khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên tiêu thụ nông phẩm ở đâu thì không giải được nên thất bại.
Lỗi này không phải do nông dân mà cần có cơ chế chính sách phù hợp. Hiện nay, kinh tế hội nhập sâu, thị trường hàng nông sản tự do, nên thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần xác định mục tiêu và đích đến càng phải cụ thể hơn.
Trong 5 giải pháp, chúng tôi quan tâm đến 3 giải pháp về thể chế, nâng cao chất lượng quy hoạch và cơ chế chính sách.
Từ năm 2008, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã chú trọng đến 3 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực có sản lượng lớn là: lúa gạo; cá tra, tôm và cây ăn trái.
Trong đó, về quy hoạch, cần tính toán bài toán tổng thể ngay từ đầu: SX lúa bao nhiêu để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại bao nhiêu lúa hàng hóa. Về điểm này, qua khảo sát nghiên cứu cho thấy có 20-25 huyện thuộc 13 tỉnh, thành trong vùng có thể SX lúa hàng hóa tốt nhất.
Điều này có thể nhận diện Cà Mau không thể là tỉnh chủ lực SX lúa hay Kiên Giang không thể lấy cây ăn trái làm sản phẩm chủ lực. Như vậy trên cơ sở rà soát quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch là cơ chế chính sách khuyến khích để phát huy cho những vùng đã quy hoạch.
Ở ngoài vùng quy hoạch thì không có chính sách khuyến khích. Đơn cử như cánh đồng mẫu lớn là một trong những mô hình sáng tạo, cần có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp tham gia.
Và sau cùng chúng ta phải tăng cường liên kết vùng để gia tăng giá trị hàng hóa. Liên kết vùng để có sự “phân vai” từng địa phương, ngoài việc khắc phục các nhược điểm hiện nay là phát huy hết các tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Nhận xét
Đăng nhận xét