Chuyển đến nội dung chính

Ngậm ngùi: Ông cụ trúng vé số 7 tỷ, 3 năm sau hết tiền, hết sạch người thân

(LĐĐS) “Ngày cụ Hết trúng số hơn 7 tỉ bạc thì ở đâu con cháu họ hàng ùa đến như con ong về tổ. Bây giờ, khi cụ hết sạch tiền thì chẳng mấy ai đến thăm. Đúng là “còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi” - người phụ nữ cạnh nhà cụ Hết đã thốt lên như vậy khi nói về hoàn cảnh cụ sau 3 năm trở thành tỉ phú.
Cụ Hết trở thành tỉ phú tuổi 97 sau khi trúng độc đắc 7,6 tỉ đồng.

Trúng số 7,6 tỉ đồng ở tuổi 97Gần đến ngày cuối năm, hàng xóm chộn rộn dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, chẳng ai để ý đến hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hết và cụ bà đang ngồi hóng mát ngoài sân vốn đã quá quen thuộc. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ trước nhà, ông thấy chị bán vé số vẫn hay đi ngang, ông vẫy lại rồi móc trong túi ra đồng bạc 10 nghìn để mua 1 vé. Chợt bất ngờ nghĩ lại giấc mơ tối qua, ông thấy mình 3 lần trúng số nên ông dặn cô bán số đứng chờ, lọm khọm vào nhà lấy cái phong bao lì xì có đồng 100 nghìn để mua thêm 5 vé nữa. 

Mới hơn 5 giờ chiều ông đã nhờ mấy người hàng xóm dò giúp. Cầm xấp vé số cụ Hết đưa, anh T - hàng xóm - như tá hỏa khi trong 6 vé thì có 1 vé trúng giải may mắn, còn lại 5 tờ thì trúng giải độc đắc với tổng giá trị lên đến 7,6 tỉ đồng. Báo cho cụ biết là cụ đã trở thành tỉ phú, anh này nói cụ nên đi vào nhà, sau đó gọi điện cho đại lý thu đổi vé trúng thưởng đến để kiếm chút hoa hồng. Quá bất ngờ khi giấc mơ đêm trước nay đã trở thành sự thật, cụ Hết quyết định đổi hết 6 vé, lấy tiền mặt cho chắc ăn. 

“Khi chiếc xe chở tiền đến, cả xóm như hết hồn vì không ngờ rằng cụ ông 97 tuổi đã trở thành tỉ phú. Mọi người kéo nhau đến xem, từng cục, từng bao tiền được chuyển vào ngôi nhà của cụ trước ánh mắt ngạc nhiên xen chút ghen tỵ của những người chứng kiến. Thấy cụ Hết có thể bị nguy hiểm vì sở hữu số tiền quá lớn, ngay đêm đó mấy anh công an và chính quyền địa phương đã cử người xuống nhà cụ để đề phòng bất trắc” - một người hàng xóm bồi hồi kể lại.

Đêm ấy, người ta thấy cụ Hết và người vợ là cụ Ba đã 82 tuổi bị đãng trí đến khuya vẫn chưa ngủ. Cái tin cụ Hết trúng số chẳng mấy chốc lan xa, ngay chiều hôm sau, những rắc rối bắt đầu ập đến với cụ. Những người lạ mặt ở đâu kéo đến, tự xưng là bà con rồi đi thẳng vào nhà cụ cứ như là quen biết lâu lắm, rồi lục lọi trong nhà để tìm chỗ cụ cất tiền. Trước thái độ đó, một số người đã nhắc nhở thì họ nói “chúng tôi là bà con của cụ, chúng tôi đến để bảo vệ cụ khỏi bị bọn gian đến lấy tiền, mấy người là ai mà cứ xen vào chuyện của người khác thế”. Thấy vậy, cụ nói: “Tiền đã đưa cho chính quyền giữ rồi, từ từ cụ sẽ cho chứ đừng làm như vậy, hàng xóm coi kỳ lắm”. Tuy nhiên, trước những lời của cụ, họ vẫn bỏ ngoài tai rồi tiếp tục lục lọi khắp căn nhà. 


Cụ Hết và người vợ - bà Ba - trong căn nhà tình thương được sửa chữa sau khi trúng số.


Một đồn mười, mười đồn trăm…, những ai có bà con xa với cụ hay bên vợ cứ thế ùn ùn đổ về, kể khó, kể khổ rồi khóc lóc cốt chỉ để cụ thương lòng mà cho chút tiền. Chứng kiến những cảnh khó coi đó, những hàng xóm của cụ không giấu được sự bất ngờ. Họ tự hỏi, suốt mấy chục năm trời cụ Hết và vợ sống ở đây có ai đến thăm đâu, nay trúng số thì ở đâu bà con, cháu chắt kéo đến đấm bóp, chăm sóc nhà cửa… cứ làm như là thương cụ lắm. Cám cảnh cho thân cụ, UBND phường đã đề nghị cụ gửi 6 tỉ vào ngân hàng, số tiền còn lại sau khi trừ thuế cụ còn lại khoảng 700 triệu thì để chi tiêu, ban phát cho con cái, cúng dường, ủng hộ… tùy cụ quyết định.

Bị đãng trí, lại thương người nên chỉ mấy ngày thôi, cụ đã “tiêu” hết cả mấy trăm triệu cho mấy đứa bà con cháu chắt tự nhận dù qua hai đời vợ, cụ có đứa con nào đâu. Không quên ơn nghĩa của mấy sư phụ ở chùa đã cho mình 300 nghìn một tháng để dưỡng lão, cụ cúng dường 55 triệu đồng để nhà chùa giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Để trả ơn hàng xóm tốt bụng ngày ngày vẫn cho cụ miếng cơm, con cá, cụ cho mỗi người hàng chục triệu để làm vốn sinh nhai. Thậm chí, những ai xa lạ đến kể lể, cụ cũng lấy tiền ra cho vài triệu để họ có đồng vốn lận lưng, coi như là cho cái cần câu để họ kiếm miếng cơm.

Hết sạch người thân khi… chuẩn bị tái nghèo

Giàu nhanh là thế, cụ Hết cũng chẳng có ước mơ gì cao xa. Căn nhà tình thương được Nhà nước tặng theo diện xóa đói giảm nghèo vốn đã cũ nát, nóng bức, cụ xin mấy anh ở phường được nâng cái nền lên cho mát, rồi áp gạch men để sạch sẽ hơn. Có người nói cụ nên mua thêm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa để hưởng thụ vật chất nhưng cụ lắc đầu. Cụ chỉ cần “cái tivi 21 inch” mới để xem cho đã, mua cái máy quạt mới để được mát mỗi khi trời nóng bức. Cụ chỉ cần hàng xóm lui, hàn thuyên với cụ là cụ vui rồi. Dù nắm trong tay cả mấy tỉ đồng, nhưng ước mơ của cụ chỉ là có được một nồi thịt kho để ăn cho đã thèm. Số tiền cụ gửi ở ngân hàng để lấy tiền lãi, lâu lâu cụ lại bảo con cháu rút ra để cho những hoàn cảnh khốn khó…


Căn nhà mà tỉ phú từng ở, nay được khóa lại, hiu quạnh trong con hẻm san sát nhà cửa.


Rồi như một định mệnh bí ẩn của những ai trúng số độc đắc, mấy tháng sau thì vợ ông - cụ Ba - qua đời. Đám tang của cụ Ba ngoài mấy hàng xóm, chính quyền địa phương đến chia buồn thì tuyệt nhiên chả có ai trong số những đứa cháu “đại bác bắn mấy ngày không đến” từng đến xin tiền của cụ có mặt, phúng điếu. Lo tang ma cho vợ xong, trông cụ buồn hẳn, sức khỏe sa sút do thường xuyên thức khuya, suy nghĩ nhiều điều. 

Trở lại căn nhà của cụ sau hơn 3 năm cụ Hết trúng số, trước mặt chúng tôi là một căn nhà hiu quạnh, không có người ở. Hỏi mấy anh chị có nhà bên cạnh, họ nói: “Cụ đã chuyển lên quận Gò Vấp ở với đứa cháu họ rồi. Từ ngày cụ đi, căn nhà khóa cửa im ỉm, đêm đến thì tối om, chỉ nghe tiếng chuột chạy rột roạt phát ra từ bên trong. Lâu lâu có người con riêng của cụ Ba sang mở khóa, vào quét dọn, thắp cho cụ Ba nén nhang rồi ra về”. Sao lại ứng với cái tên cụ đến thế: Cụ Hết”.

Sau một hồi kể về cái ngày cụ Hết bất ngờ trở thành tỉ phú, một chị trung niên thở dài: “Trời cho trúng số bạc tỉ, tưởng đâu cụ có lộc tuổi già. Vậy mà chỉ mới có mấy tháng thì vợ mất, con cháu nghi kỵ cãi nhau cũng chỉ vì tiền. Hồi cụ còn ở đây, nhiều lúc cụ than thân trách phận rồi lại tiếp tục mua vé số. Có sẵn tiền, cụ mua ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là sau khi cụ trúng thêm một lần mấy tờ giải bảy, mỗi giải chỉ có 600 nghìn đồng. Sau lần ấy, cụ nói là mình còn trúng tiếp 1 lần nữa vì trong mơ cụ thấy mình trúng số tới 3 lần”. Do tuổi đã cao, lại bị đãng trí nên cứ hứng lên là cụ lại lệnh cho con cháu rút tiền để mua vé số, thích cho ai thì cho, chẳng cần nghĩ ngợi. 

Hỏi về địa chỉ của người cháu đang cưu mang cụ, chúng tôi nhận được cái lắc đầu của mấy hàng xóm. Có người nói là cụ đã lên trên quận Gò Vấp từ cuối năm 2012, lại có người cho rằng cụ đi từ đầu năm 2012 nhưng tựu chung lại là do cụ buồn, sức khỏe yếu lại bị mấy người lạ ở đâu đến xin tiền nên mấy đứa cháu mới đưa cụ đi chỗ khác để nuôi nấng vì dù sao mỗi tháng cụ cũng có được hơn chục triệu tiền lãi từ ngân hàng. 

Một người hàng xóm già bảo: “Trúng số, làm phước nhiều như cụ Hết còn khổ vậy thì thà không trúng còn hơn. Suốt 30 năm ổng mua vé số, tưởng ông trời thương tình cho lại cái lộc, ai ngờ có tiền tỉ rồi mà vẫn đơn độc, nhà thì không dám ở, lại bỏ xứ ra đi. Nghĩ mà cảm thương cho cụ quá”. Nói đoạn, ông ngồi xuống chiếc ghế, nơi hằng ngày cụ Hết vẫn ngồi hóng mát rồi nói: “Ở đời là thế đó, có tiền thì ở đâu kéo đến nhận bà con, hết tiền thì sống thui thủi một mình. Có lần, trong lúc buồn, cụ Hết nói với mấy đứa cháu hàng xóm, rằng thà cụ không trúng độc đắc chắc cụ hạnh phúc hơn”. 

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn