TT - Có ngân hàng dành 70-80% vốn chỉ phục vụ các dự án “sân sau” của các ông chủ ngân hàng.
Thông tin này được các chuyên gia công bố tại hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo” tổ chức ngày 31-7, để chỉ ra những hệ lụy việc sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức kéo dài hơn 5 giờ và dù đã quá giờ nghỉ trưa, song các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý đã tranh luận rất sôi nổi về rủi ro sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng - một vấn đề lâu nay nhiều người cho là nhạy cảm.
Vốn dành cho dự án “sân sau”
"Tôi xin nói thật, kể cả cơ quan công an vào cũng không dễ dàng gì. Xử lý vấn đề nghiêm trọng nhất của sở hữu chéo chính là việc ngăn chặn thao túng của các cá nhân, cổ đông lớn biến các ngân hàng thành ngân hàng “sân sau” của mình"
Ông Dương Quốc Anh (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)
|
Ông Dương Quốc Anh, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá rủi ro nhất của sở hữu chéo là chi phối của cổ đông, nhóm cổ đông với ngân hàng. Trên thực tế, có những ngân hàng đến 80-90% cổ phần cổ phiếu là do một người nắm. Có những ngân hàng dành 70-80% vốn chỉ phục vụ các dự án “sân sau” của chủ ngân hàng. Hình thức đầu tư chéo vô cùng tinh vi và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành (giám đốc chương trình chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), sở hữu chéo ở VN hình thành chỉ trong một thời gian ngắn qua các hình thức: ngân hàng sở hữu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước sở hữu ngân hàng thương mại, nhà đầu tư lớn sở hữu ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán...
Dẫn chứng về việc tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tài chính, ông Thành công bố kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần. Động cơ nào để các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng? Ông Thành nhận định các tập đoàn tổng công ty này sẽ được ngân hàng cho vay lại khi sở hữu ngân hàng này. Còn đối với các ngân hàng, thanh khoản của ngân hàng sẽ được đảm bảo nhờ tiền gửi của doanh nghiệp chủ sở hữu. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù tập đoàn tổng công ty sở hữu với tỉ trọng lớn tại ngân hàng, nhưng các doanh nghiệp nhà nước này lại không có vai trò chi phối trong kiểm soát ngân hàng. Trên thực tế, các nhóm, các nhà đầu tư lớn nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Đơn cử như Ngân hàng TMCP bưu chính Liên Việt, Tổng công ty Bưu chính VN không kiểm soát được ngân hàng này, hay đối với Ngân hàng TMCP An Bình, mặc dù Tập đoàn Điện lực chiếm 21,3% cổ phần nhưng không kiểm soát được Ngân hàng An Bình.
Thêm nữa, điều mà ông Thành cho rằng tình trạng sở hữu chéo khá tinh vi là các nhóm nhà đầu tư vừa sở hữu các ngân hàng lại vừa sở hữu doanh nghiệp phi tài chính. Tuy nhiên, chủ đầu tư các công ty này không đứng tên chủ tịch hội đồng quản trị mà thuê người lao động làm chủ tịch. Mục đích là lách quy định phải công bố thông tin. Nhờ đó mà chủ đầu tư và các doanh nghiệp phi tài chính có quyền vay vốn của ngân hàng này.
Biết sở hữu chéo vẫn để tồn tại
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính quốc tế, theo tiến sĩ Sanjay Kalra - đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế tại VN, sở hữu chéo tạo ra các tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực. Đầu cơ trong thị trường bất động sản là ví dụ. Khi doanh nghiệp là “sân sau” của ngân hàng thì để tài trợ dự án nào đó, giá và số tiền tài trợ thường được đánh giá không phù hợp. Nhiều dự án đã không được thực hiện tốt. Quốc tế đã nhìn vào Vinashin, Vinalines thấy rằng vốn được rót vào quá nhiều và giờ VN đang phải vật lộn để xử lý nợ xấu.
Để xử lý tình trạng sở hữu chéo, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng - cho rằng cần phải cấm việc vay tiền của ngân hàng để mua cổ phần cổ phiếu của ngân hàng khác. Còn cấm như thế nào thì Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao năng lực của mình để giám sát và quản lý chặt chẽ các ngân hàng.
Và cũng nêu trăn trở của mình, ông Vũ Viết Ngoạn - chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nói: “Quản lý nhà nước thật sự cần xem xét lại khi khuôn khổ pháp luật cũng khá rõ, quy định tương đối đầy đủ. Đơn cử như một pháp nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần, một thể nhân không được sở hữu quá 15% cổ phần tại một tổ chức tín dụng. Trong khi đó, rất nhiều, rất nhiều và rất nhiều người biết rằng ở một ngân hàng nọ, ông Nguyễn Văn A sở hữu tỉ lệ chi phối của ngân hàng đó. Nhưng tại sao nó vẫn tồn tại tình trạng này? Để hạn chế sở hữu chéo, liệu VN có làm được việc truy soát nguồn gốc tiền khi đầu tư vào ngân hàng như các nước khác?” - ông Ngoạn đặt câu hỏi.
Vô hiệu hóa các quy định
Về rủi ro sở hữu chéo gây ra, theo ông Vũ Viết Ngoạn, tình trạng sở hữu chéo và đầu tư chéo gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với hệ thống tài chính, gây ra nhiều bất ổn và là cái gốc của vấn đề nợ xấu hiện nay.
Ông Thành cho rằng sở hữu chéo đã giúp các tổ chức tài chính vô hiệu hóa hầu hết các quy định đảm bảo an toàn vốn. Cụ thể vốn tối thiểu là 3.000 tỉ đồng, nhưng một nhà đầu tư có thể đi vay ngân hàng này để đầu tư vào ngân hàng k`hác. Đây không phải là vốn thực, dẫn tới tình trạng yếu kém của các ngân hàng. Cùng ý kiến, ông Dương Quốc Anh cũng nhận định thời gian qua nhiều ngân hàng đã huy động nguồn vốn để đầu tư bất động sản. Trong điều kiện thắt chặt tín dụng thì các ngân hàng đó rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản là điều dễ hiểu.
|
LÊ THANH
Nhận xét
Đăng nhận xét