TT - Sau “phong trào” phát triển toàn
diện các ngành công nghiệp, đến nay chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế nhiều
ngành công nghiệp nội địa khó cạnh tranh trong điều kiện hiện tại, chưa kể khi
thị trường mở cửa hoàn toàn.
Trong
khi đó, công nghiệp phụ trợ vẫn yếu kém, không thể làm “hệ đệm” và phụ trợ như
tên gọi của nó cho các ngành khác.
Sau mấy mươi năm khoác chiếc áo nội địa hóa,
được che chắn bằng hàng rào thuế suất nhập khẩu, công nghiệp ôtô trong nước vẫn
chỉ đạt trình độ lắp ráp là chính, còn bị chê thua cả Campuchia. Công nghiệp
điện tử khởi sắc, đã có những dự án đầu tư tỉ đô của các thương hiệu lớn như
Samsung, Intel, nhưng cũng chỉ ở mức gia công. Những mặt hàng công nghiệp có
kim ngạch xuất khẩu hàng đầu như điện tử, dệt may cũng đang “xuất khẩu giùm”
nguyên liệu cấu thành của nước ngoài mà chúng ta phải nhập khẩu.
Cho đến nay, VN vẫn hướng đến mục tiêu “cường
quốc đóng tàu”, trong khi các cường quốc đóng tàu trên thế giới đã chuyển từ
“công nghiệp đóng” sang bán dây chuyền công nghệ và thiết kế để tránh các hệ
lụy ô nhiễm môi trường và kiếm lãi “trí tuệ” nhiều hơn. Tất nhiên, bước chuyển
đó không thể ngày một ngày hai. Nhưng lấy kinh tế tri thức, quy luật giá trị ra
để so sánh những chiếc tàu to và con cá tra VN, có thể đo đếm được hàm lượng chất
xám chúng ta tạo ra, lợi nhuận quốc gia chúng ta mang về, hay chỉ là kết tinh
của sự gia công trong nền kinh tế cá tra và đóng tàu?
Thị trường hơn 90 triệu dân VN là một thị
trường tiêu dùng lớn, cộng với tâm lý xài sang của một bộ phận dân cư là “chiếc
bánh ngon” của nhiều nhà sản xuất và thương mại. Ôtô, xe máy, điện thoại di
động, hàng điện tử thời thượng mới “ra lò” đều xuất hiện ở VN và không ít đại
gia tung tiền. Chiến lược người Việt dùng hàng Việt sẽ thành công hơn nữa nếu
Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nội những việc thiết thực hơn là phong trào. Những
“miếng ngon” như logistics, khách sạn, quảng cáo... trông hấp dẫn, nhưng chực
chờ bên cạnh là các nhà đầu tư ngoại nhiều kinh nghiệm và trình độ hơn ta. Một
số chuyên gia kinh tế cho rằng có chăng nông nghiệp sẽ là chiếc phao cứu sinh
cho nền kinh tế. Tuy nông nghiệp là thế mạnh của nước ta được xác định trong
chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng “chiếc bánh nông sản” vẫn khó dùng ngay trên quê
hương mình, khi xuất ngoại lại bị chèn ép. Đó là tình trạng lặp đi lặp lại của
tiêu thụ lúa gạo, cá tra, tôm, cà phê... Những tín hiệu đáng mừng khi các đại
gia ngân hàng, bất động sản chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp bằng các dự án
nghiêm túc, được đánh giá là khởi đầu cho bước “lột xác” đầu tư. Nhưng đó vẫn còn
là “tín hiệu”. “Chiếc bánh nông sản” cần chính sách vĩ mô với tầm nhìn dài hạn
hơn. Chúng ta đã xác định một số mặt hàng chủ lực quốc gia như lúa gạo, cá
tra... nhưng thực hiện còn chậm và rời rạc, thiếu liên kết tạo sức mạnh. Chỉ
riêng khâu giống nông nghiệp, đã có cảnh báo cho hệ lụy khi hội nhập, nông dân
ta phải móc túi trả tiền tác quyền giống cây, con ngay trên “vương quốc nông
nghiệp” của mình.
Mở cửa cho nước ngoài vào, nhưng phải xác định
rõ lộ trình đến khi nào ta sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến
làm chủ? Trong khi trình độ quản lý “tầm thấp” khó vượt lên trên sự ma mãnh
thương trường của các kiểu chuyển giá, lời thật, lỗ giả, đã không “áp” được nhà
đầu tư ngoại thực hiện các nghĩa vụ, thì doanh nghiệp nội chỉ được khuyến khích
chung chung, không thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy
làm, thiếu liên kết tạo sức mạnh. Phần lớn trong số hơn 98% doanh nghiệp nhỏ và
vừa ở ĐBSCL phải lo ăn xổi ở thì, đối phó ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn.
Tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong một
chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong
địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua. “Chiếc bánh nông sản” cần được chế
biến ngon hơn, bán giá cao hơn, lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó. Nông
sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn
và cách làm. Chiếc bánh ngon của mình cũng có thể thành miếng mồi ngon của
thiên hạ!
Nhận xét
Đăng nhận xét