Sau 30 năm CNH - HĐH, nền nông nghiệp ĐBSCL đã có những bước tiến vượt bậc.
Sau 30 năm thực hiện tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH), nền nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, hàng loạt những bất cập đã và đang kiềm hãm sự phát triển của toàn vùng.
Cần có những giải pháp đồng bộ và thực sự đi vào chiều sâu để nền nông nghiệp “đất Chín Rồng” cất cánh. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học “CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL - 30 năm nhìn lại” diễn ra ngày 19.5 tại TP.Cần Thơ. Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB), Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Cần Thơ phối hợp tổ chức...
Còn đó nỗi lo...
ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, chiếm 33,2% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và cung cấp lúa - gạo cho thị trường thế giới. Gần 3 thập kỷ qua, ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong các chính sách phát triển nông nghiệp; trong đó CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL là một chủ trương lớn. Những năm qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa - gạo, thủy sản, trái cây)...
Tuy nhiên, theo PGS - TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn mặc dù đã được quan tâm, có những bước tiến nhất định nhưng vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu để phát huy hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nông thôn nhìn chung vẫn mang nặng tính thuần nông, quy mô sản xuất nhỏ. Sản xuất nông nghiệp lấy kinh tế hộ làm động lực, nhưng quy mô kinh tế hộ đa số là nhỏ, riêng lẻ. Nông dân sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng lại phân tán, manh mún, không gắn kết giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa rớt giá, khi trồng, khi nuôi, khi bỏ, làm cho đời sống nhiều nông - ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp cho rằng: Nhận thức về vai trò, vị trí của CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn của một bộ phận ở Trung ương và địa phương vẫn chưa đầy đủ, chưa sâu, còn bất cập so với thực tiễn và cả về lý luận. Nhiều chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước chưa được triển khai một cách đầy đủ và nghiêm túc. Từ đó dẫn đến nền nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức - dù đó là cứu cánh của nhiều cuộc “khủng hoảng”.
ThS Trần Hữu Hiệp - Vụ Trưởng Vụ Kinh tế, BCĐTNB - cho biết, nông dân ĐBSCL là tác giả của “công trình” đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng đời sống của họ lại luôn bị đe dọa bởi những yếu tố bất ổn định như giá cả, thời tiết, dịch bệnh... Chưa có sự phân biệt giữa người sản xuất lúa - gạo cho mục tiêu an ninh lương thực với người sản xuất lúa - gạo cho mục tiêu thương mại đã dẫn đến việc Nhà nước không đủ khả năng bao cấp cho toàn bộ nông dân sản xuất lúa, đời sống của người sản xuất lúa - gạo luôn thấp hơn những người nông dân khác trong vùng. Hiện tượng “được mùa mất giá” liên tục diễn ra, khâu trung gian kết nối giữa người sản xuất lúa - gạo và thị trường tiêu thụ (cả nội địa lẫn xuất khẩu) đều còn tồn tại quá nhiều vấn đề nên thiệt hại trong kinh doanh lúa - gạo luôn trút lên vai nông dân...
Thắt chặt liên kết vùng
Theo ThS Trần Hữu Hiệp, mục tiêu xuất khẩu gạo chỉ có ý nghĩa khi đời sống của nông dân sản xuất lúa - gạo được cải thiện và Nhà nước không phải hỗ trợ nhiều hơn nông dân ở những ngành khác. Cần hỗ trợ nghiên cứu một số giống lúa mới, đảm bảo quản lý chất lượng giống lúa theo hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường, ổn định chất lượng và giá trị của sản phẩm gạo. Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch và chuyển giao công nghệ, tín dụng với cơ chế thông thoáng hơn cho nông dân. Đặc biệt, cần có chương trình cấp vùng gắn với chương trình quốc gia, các địa phương không thể “mạnh ai nấy làm” để cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, đổi mới cơ chế quản lý xuất khẩu gạo...
Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm mũi nhọn của vùng ĐBSCL là lúa - gạo, thủy sản, trái cây; tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm mũi nhọn này.
Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐTNB - đề xuất, cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhau, giữa người dân với nhau và giữa doanh nghiệp với người dân nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Trước hết, cần quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, các vùng chuyên canh, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của nông dân, tăng cường mối liên kết “4 nhà” theo những mô hình hợp tác kiểu mới.
Để tái cơ ấu ngành lúa - gạo ĐBSCL, bên cạnh yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, cần chú trọng giải quyết tốt vấn đề thu nhập của người trồng lúa. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa - gạo...
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét