Báo Tuổi Trẻ, 23/05/2014 08:21 (GMT + 7)
TT - “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters về tình hình biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam.
Khi được hỏi về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược, vì thế luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Việt Nam đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Thủ tướng cho biết Việt Nam, cũng như tất cả các nước, đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam.
V.V.THÀNH
Kiện Trung Quốc: giải pháp nên cân nhắc nghiêm túc
Thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo giới quốc tế nói Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế” đã thu hút được sự chú ý của các học giả quốc tế. Đây là lần đầu Thủ tướng Việt Nam công khai tuyên bố về khả năng đấu tranh pháp lý đối với Trung Quốc liên quan tới vấn đề biển Đông.
“Việc này (kiện - PV) chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận, nhưng đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ sở lý lẽ cao hơn (trong đối phó với Trung Quốc)” - TS Ian Storey, Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói. Giáo sư Rommel C. Banlaoi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines, thì cho rằng Việt Nam nên coi tòa án là một trong các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Ông Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc cho rằng từ phát biểu của Thủ tướng thì vẫn chưa rõ Việt Nam dự định theo đuổi biện pháp pháp lý tại tòa quốc tế hay là tại tòa trọng tài. Ông cũng nêu ra một loạt cản trở như việc Trung Quốc bảo lưu không chấp nhận các biện pháp chế tài bắt buộc liên quan trong UNCLOS theo điều 298, hay khó khăn trong việc Trung Quốc phải đồng ý tham gia kiện thì mới có thể đưa ra tòa quốc tế được. Thanh Tuấn
|
* Ông DƯƠNG DANH DY (nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc):
Không ảo tưởng
Theo tôi, trả lời của Thủ tướng đã góp phần đánh bại luận điệu hoang đường của phía Trung Quốc khi họ ra sức bào chữa cho hành vi sai trái của mình và đổ lỗi cho Việt Nam, trong khi chính họ mới là tác giả của sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông hiện nay.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy khó mà có chuyện hòa bình thật sự với Trung Quốc. Chúng ta không ảo tưởng. Trả lời của Thủ tướng cho thấy chúng ta rất tôn trọng vai trò của họ ở khu vực, nhưng đồng thời cũng rất cảnh giác với âm mưu phá hoại hòa bình, an ninh ở khu vực.
* TS NGUYỄN NHÃ:
Mốc quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể coi là một mốc quan trọng trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam - Trung Quốc. Tuyên bố này đã xóa bỏ mọi hoài nghi, xuyên tạc về việc chúng ta có là “sân sau” của một quốc gia nào đó, khẳng định sự kiên quyết trong việc tạo dựng một nền kinh tế, chính trị độc lập. Tuyên bố ấy còn khởi đầu cho một thời kỳ, một hướng đi của Việt Nam trước những cam go, thử thách của tình hình khu vực và thế giới.
* Ông NGUYỄN THIỆN (tác giả chương trình “Dân ta biết sử ta”):
Rất đanh thép
Thủ tướng đã nói đúng lòng dân! Tôi đặc biệt thích hai chữ “viển vông” mà Thủ tướng dùng lần này bởi lẽ nó đã lột trần cái bánh vẽ về tình hữu nghị bề ngoài. Trong bối cảnh đặc biệt này, tôi nghĩ nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm một vòng công du Nhật Bản, Hoa Kỳ để chuyển tải thông điệp của Việt Nam như ông đã thể hiện gần đây thì sẽ tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, rất có lợi cho việc tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam.
* Luật sư CHÂU HUY QUANG (Đoàn luật sư TP.HCM):
Xóa tan sự mơ hồ, ngờ vực
Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thông điệp rõ ràng nhất, xác đáng, thể hiện quan điểm dứt khoát nhất của Việt Nam về vấn đề tranh chấp trên biển Đông từ trước đến nay: xác đáng về mặt lịch sử, về mặt pháp lý cũng như về chính sách đối ngoại của nước ta. Thông điệp rõ ràng này sẽ khích lệ được sự đồng lòng của toàn dân, xóa tan sự mơ hồ, ngờ vực về đường lối, chiến lược và đối sách của Nhà nước trong vấn đề biển Đông.
H.GIANG - V.SỰ - M.HƯƠNG ghi
|
Theo tôi, từ "viễn vông" mà Thủ tướng đã định tính cho mối tình hữu nghị với anh bạn láng giềng "môi hở răng lạnh" là rất chính xác. Chỉ có câu hỏi là: chúng ta đã "viễn vông" bao lâu rồi, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa?
Trả lờiXóaTôi yêu mến và kính trọng nền văn minh Trung hoa với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đồ sộ. Những Đạo đức kinh, Nam hoa kinh và những tư tưởng hiền nhân, quân tử từ bao đời đã trở nên chuẩn mực hình thành văn hoá phương Đông.
Vì kế sinh nhai, tôi đã có nhiều năm lang bạt, làm thuê cho các ông bà chủ gốc Hoa ở Chợ lớn. Tôi nhận ra ở họ tình yêu lao động và niềm tin vào những người lao động. Họ không cần biết trước đây anh làm gì, gốc gác ra sao, chỉ cần anh chí thú lao động thì chắc chắn anh sẽ có được sự đãi ngộ tương xứng. Tôi đã từng chứng kiến bà chủ gốc Hoa bỏ ra một số tiền lớn để chạy chữa căn bệnh ung thư máu cho một công nhân người Việt và khi anh này không qua khỏi bà ấy chịu toàn bộ chi phí tang lễ, chôn cất. Trong khi anh công nhân này chỉ vừa mới được nhận vào làm ở cơ sở của bà chủ tốt bụng ấy chỉ vài tháng.
Sự ngạo mạn của nhà cầm quyền Trung quốc ở biển Đông hiện nay khiến không ít người đặt câu hỏi: tại sao cũng cùng dòng máu đại Hán mà nhà cầm quyền Đài loan có cách hành xử khác hẳn họ? Hỏi là cũng để trả lời vậy