Trần Hiệp Thủy
Nghe ông tôi kể, thời xưa xa lắm, dân lục tỉnh Nam Kỳ từ miệt trên xuống,
muốn qua sông Hậu phải đi ghe bầu hoặc xuồng ba lá.
Khi thực dân
Pháp đến xứ này, để khai thác tài nguyên thuộc địa, họ làm thủy lợi, xây đường
giao thông nhưng cũng chưa dám nghĩ đến việc xây cầu vượt sông Hậu. Rồi người
Mỹ với guồng máy chiến tranh khổng lồ, hệ thống giao thông huyết mạch phục vụ
cho quân sự là chủ yếu được đầu tư, họ cũng đã 2 lần lên kế hoạch xây cầu Cần
Thơ nhưng đều thất bại. Đến 35 năm sau ngày giải phóng đất nước, một cây cầu mơ
ước của đồng bằng mới thành hiện thực.
30.4 này đánh dấu tuổi lên 5 của cầu Cần Thơ. Khi cầu Cần Thơ thông xe, cũng là
thời điểm bắc Cần Thơ chấm dứt vai trò lịch sử. Lòng người thoáng chút bâng
khuâng, một chút bảng lảng trong hoài niệm khi bắc Cần Thơ - phà Hậu Giang gắn
liền với dấu tích của những năm tháng thời kháng Pháp, chống Mỹ và những gian
khó sau ngày đất nước hòa bình, thời kỳ “ngăn sông, cấm chợ” đi vào dĩ vãng.
Thời bao
cấp, chiếc bắc vắt ngang sông Hậu như một điểm nút của mạch máu giao thông bị
dồn ép, đêm ngày gồng mình gánh nặng những chuyến phà vượt sông, chở theo những
vui buồn bao số phận, tình người. Những năm tháng khó khăn đó, chàng sinh viên
nghèo vùng sông nước là tôi “du học” Sài thành, mỗi năm 2 bận đi về nghỉ tết,
dịp hè.
Bắc Cần Thơ cũng là hình ảnh của ba má tôi - những người dân
miền Tây lam lũ miền sông nước; là phận đời của cha - con, ông - cháu bác Hai
xóm củi ba đời theo nghiệp phà vất vả. Truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng trên
một tạp chí văn học địa phương cũng ghi đậm hình ảnh chiếc bắc này: Bình dị,
thân thương như những người thân của tôi, hàng ngày vẫn bươn chải trong cuộc
mưu sinh.
Hình ảnh bắc
Cần Thơ với những chiếc phà cần mẫn nối đôi bờ sông Hậu đã trôi vào dĩ vãng 4
năm qua, nhưng những ký ức về nó - một phần lịch sử vùng đất Nam Bộ sẽ còn mãi
với đời sau nếu chúng ta biết trân trọng, giữ gìn. Cầu Cần Thơ sừng sững
hôm nay vẫn không che khuất bóng dáng những chiếc phà trong ký ức. Một bến phà
trăm năm có thể mất đi trong hiện thực, nhưng vẫn tồn tại ngàn năm trong lòng
người.
Cách đây ba mươi năm, bạn đã dùng bút danh này trên tạp chí Văn nghệ thành phố Cần thơ( cũ). Hiệp Thuỷ có nghĩa là nơi giao thoa của những dòng nước hay Hiệp thuỷ chung vậy bạn?
Trả lờiXóaRất cám ơn thằng bạn học ngày xưa vẫn còn nhớ chuyện của 30 năm trước. Mình cũng vậy, những giờ học chuyên văn ở trường cấp III thành phố Cần Thơ hồi đó (bây giờ là Châu Văn Liêm) và hơn 2 năm sống nội trú lăn lóc trong trường vẫn là những ký ức khó quên của Trần Hiệp Thủy đó Thụy Vũ.
Trả lờiXóa